A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ khẳng định vai trò trong “Bộ tứ Kim cương”?

 

QPTĐ-Ngày 12/3, diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh “Bộ tứ Kim Cương-QUAD” trực tuyến, lần đầu tiên, giữa 4 quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Tổng thống Mỹ J.Biden, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, Thủ tướng Australia S.Morrison và Thủ tướng Nhật Y.Suga dự Hội nghị mang tên gọi “Đối thoại An ninh bốn bên lần thứ nhất”. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các quan chức cao cấp tham dự cuộc Đối thoại an ninh 4 nước trực tuyến. (Ảnh: Internet)

Nhóm “Bộ tứ” này hình thành và hoạt động đơn lẻ từ năm 2007 nhưng đến năm 2019 mới có cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên. Và lần này, sau 14 năm thành lập, người đứng đầu Chính phủ của 4 nước “Bộ tứ” mới cùng nhau ngồi lại trong khuôn khổ một hội nghị kéo dài 2 giờ đồng hồ để vạch ra những mục tiêu chiến lược trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của Hội nghị, nhất là sau khi ông J.Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ (20/1/2021), khuôn khổ hợp tác của “Bộ tứ” không chỉ còn là các hoạt động ngắn hạn. 

Trong Tuyên bố chung được phát đi, “Bộ tứ Kim cương” đề ra mục tiêu là, “giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm”. 

Trước hết, Hội nghị Thượng đỉnh “Bộ tứ” “đã có một bước tiến quan trọng nữa” nhằm tăng cường mối quan hệ khu vực Canberra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là “thông điệp mạnh mẽ, diễn ra trong thời khắc lịch sử” trong khu vực-Thủ tướng Australia S.Morrison nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai: Các nhà lãnh đạo “Bộ tứ” trao đổi về những nỗ lực không ngừng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong công tác bảo đảm phân phối các loại vắc-xin một cách an toàn, công bằng, giá cả phải chăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Tổng thống Mỹ J.Biden lại nhấn mạnh đến vấn đề an ninh hàng hải, phải coi đây là chủ đề đầu tiên và quan trọng cần đề cập của Hội nghị. Với sức mạnh hải quân của mình, các quốc gia “Bộ tứ” cần nâng cao năng lực hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực; đồng thời, chia sẻ thông tin, thực hiện thường xuyên các cuộc tuần tra hàng hải chung, duy trì tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.

Nhóm “Bộ tứ” đạt được thỏa thuận, Ấn Độ sẽ trở thành nước sản xuất vắc-xin Covid-19 đơn liều của Hãng Johnson & Johnson, dự án được Nhật Bản và Mỹ tài trợ, trong khi Australia sẽ vận chuyển vắc-xin đến các nước Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Dự kiến sẽ có 10 triệu liều vắc-xin (năm 2022) trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực đẩy lùi Covid-19. 

Ấn Độ được tin cậy, đảm nhận công việc là nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 của “Bộ tứ”, trong khi Mỹ là quốc gia đang phải gánh chịu thiệt hại to lớn nhất do đại dịch SARS-Cov.2 này. Hiện, Ấn Độ đang sản xuất khoảng 60% lượng vắc-xin trên toàn thế giới. 

Vấn đề đề thứ ba: Chống biến đổi khí hậu được xem là một nội dung chính của Hội nghị. Mỹ coi biến đổi khí hậu trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng và là một cách tiếp cận phối hợp giữa các thành viên “Bộ tứ”. Đây được coi là sự khác biệt đáng kể trong chính sách của Mỹ so với thời Tổng thống D.Trump (1/2017-1/2021) khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Paris-2016 về chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vấn đề thứ tư được nhóm “Bộ tứ” quan tâm nhiều là công nghệ và chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, chống khủng bố. Trước mắt, nhóm chú trọng đến phát triển mạng 5G độc lập và đáng tin cậy. Nhóm “Bộ tứ” không quên đến việc hợp tác nội nhóm và kiên quyết ngăn chặn, chống lại sự trỗi dậy, cạnh tranh không lành mạnh, mất an toàn, mất an ninh của các hãng viễn thông, mạng 5G của Trung Quốc. Mỹ đã đưa 5 công ty viễn thông Trung Quốc vào danh sách đen đe dọa an ninh, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Huawei.

Thương mại là vấn đề thứ năm, được “Bộ tứ” quan tâm, đó là hợp tác để bảo đảm nguồn kim loại đất hiếm cần thiết cho sản xuất động cơ ô tô điện, pin, tuốc-bin gió và cơ sở hạ tầng “khử cacbon”. Theo đó, Trung Quốc chiếm 58% sản lượng đất hiếm toàn cầu, giảm hơn so với 90% vào năm 2016. “Bộ tứ” giao cho Mỹ, Australia khai thác, cung ứng đất hiếm, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhật Bản đã phải trả giá đắt khi bị Trung Quốc dừng cung cấp đất hiếm do  hai nước tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông.

Nhóm “Bộ tứ” bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới và có sức mạnh, tiềm năng quân sự lớn trong khu vực và thế giới nên các động thái của nó sẽ ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ hợp tác đa phương, đa dạng toàn cầu. Tuy nhiên, “Bộ tứ” không phải là một “NATO thứ 2” hay “NATO châu Á” như một số người ví von. 

Trên thực tế, “Bộ tứ” cũng đã có nhiều mối quan tâm, thảo luận về tình hình biển Đông, Hoa Đông và những thách thức từ Trung Quốc. Cũng là dễ hiểu, bởi Trung Quốc đang có tranh chấp biên giới khu vực Kashmir, dãy Himalaya với Ấn Độ; tranh chấp chủ quyền lãnh hải khu vực Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản và có nhiều va chạm quyền lợi với Mỹ, Australia và các nước láng giềng cũng như vận chuyển hàng hải quốc tế trên biển Đông. 

Vì thế, sự hình thành và củng cố nhóm “Bộ tứ” là nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ chứ không chỉ là sự kìm hãm, đối phó với Trung Quốc trỗi dậy như chính quyền Bắc Kinh lên tiếng, “họ hình thành khối QUAD là để chống Trung Quốc”? 

Về phía Ấn Độ, khi tham gia hợp tác, cam kết với nhóm “Bộ tứ” đã khiến Nga khó xử trong trò chơi quyền lực khu vực Á-Âu. Không ai có thể phủ nhận mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống Nga-Ấn Độ được xây dựng vun đắp nhiều thập kỷ qua, từ thời Liên Xô. Khi Ấn Độ ngày càng xiết chặt quan hệ chung trong “Bộ tứ Kim cương” do Mỹ dẫn dắt, hẳn sẽ đẩy Nga ra xa hơn cả về kinh tế, thương mại và quốc phòng. Trong thập kỷ qua, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí đứng thứ 2 cho Ấn Độ, sau Nga; trong khi New Delhi là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (từ năm 2010 đến nay). Nga, Trung Quốc không thể làm ngơ khi Ấn Độ (từ năm 2020) đã mời Mỹ, Australia, Nhật Bản tập trận chung Hải quân thường niên Malabar.  

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ