A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy hợp tác toàn diện Nga-Trung Quốc

 

QPTĐ-Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa các cường quốc: Mỹ-Nga, Mỹ-Trung Quốc luôn thường trực leo thang căng thẳng với hàng loạt các đòn trừng phạt lẫn nhau về kinh tế, thương mại, ngoại giao, kể cả tuyên bố sẵn sàng giải pháp xung đột vũ trang trước “lằn ranh đỏ”. Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Trung Quốc lại được xem là nồng ấm trở lại, hai bên gia tăng hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. 

Nga thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

“Bất chấp những hạn chế tiếp tục diễn ra vì dịch bệnh, chúng ta vẫn duy trì sự liên hệ không đứt đoạn. Mối quan hệ Nga-Trung là hình mẫu cho sự hợp tác chân thành trong thế kỷ XXI. Mối quan hệ hai nước đang ở mức tốt nhất trong lịch sử”-Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố trong cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ngày 15/12 vừa qua. 

Đáp lại, ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ song phương theo hướng bền vững và chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực. “Nga mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược”-Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: “Quan hệ song phương giữa hai nước là quan hệ quốc tế mới, được xếp vào loại quan hệ phối hợp Đối tác chiến lược toàn diện cho một kỷ nguyên mới”, cấp bậc cao nhất trong bậc thang quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. 

Phát biểu với báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung là dịp để hai nhà lãnh đạo tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đầy thách thức. 

Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov cho hay, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận song phương về các mối quan hệ đôi bên đều quan tâm, tình hình căng thẳng ở châu Âu, thái độ của Mỹ và sự hoài nghi của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xung đột miền Đông Ukraine.

Cuộc hội đàm cấp cao Nga-Trung diễn ra sau 1 tuần Nga-Mỹ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến (ngày 7/12) giữa Tổng thống V.Putin và Tổng thống J.Biden, được cho là thẳng thắn nhưng không có đột phá. 

Thật ra, trong lịch sử, mối quan hệ Nga (trước kia là Liên Xô) và Trung Quốc cũng trải qua nhiều sóng gió. Hiện, hai nước tuyên bố, không thành lập liên minh quân sự. Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng Nga-Trung đã và đang đạt đến mức tốt nhất trong lịch sử, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực chính trị, công nghệ, kinh tế và thương mại. 

Hai nước đang duy trì các điều khoản của Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác hữu nghị; là thành viên chủ chốt của Hiệp ước Thượng Hải, Tổ chức BRICS, Tổ chức Kinh tế Á-Âu. Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác về an ninh mạng và thăm dò không gian, chinh phục vũ trụ. 

Hai nước khá đồng nhất trong các vấn đề nóng tại Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, có cùng qua điểm trong vấn đề Afghanistan. Trung Quốc ủng hộ Nga triển khai dự án Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc-2) cấp khí đốt sang châu Âu, bất chấp Mỹ cấm vận và một số nước phương Tây phản đối. 

Nga ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về chính sách “Một Trung Quốc” và vấn đề Đài Loan. Moskva giúp đỡ Bắc Kinh khởi động một dự án năng lượng hạt nhân chung. Nga cấp cho Trung Quốc một lượng dầu mỏ, khí đốt khổng lồ, cùng thực thiện dự án đường ống khí đốt Siberia-Tây Tạng và dự án đầy tham vọng 30 tỉ m3 khí/năm trị giá 400 tỉ USD. 

Tổng thống Nga V.Putin xác nhận, sẽ sang thăm Trung Quốc vào tháng 2 tới theo lời mời của Chủ tịch Tập và cử đoàn ngoại giao sang dự Olympic Bắc Kinh mùa Đông 2022; trong khi Mỹ, Anh, Canada, Australia tuyên bố không gửi phái đoàn ngoại giao tham gia để phản đối Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, ví như chuyện người thiểu số ở Tân Cương… 

Nga bắt tay Trung Quốc, phản đối chính quyền Mỹ của Tổng thống J.Biden lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ và khái niệm dân chủ Mỹ do Ông chủ Nhà Trắng chủ trì, không mời Nga, Trung Quốc tham gia. Hai nước cũng đồng quan điểm phê phán Mỹ chủ trương làm “sống lại” Bộ tứ Kim cương (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia ), liên minh AUKUS (Mỹ, Anh, Australia) hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương; đồng thời, bác bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ, phương Tây áp vào Nga, Trung Quốc. 

Những năm gần đây, Moskva và Bắc Kinh gia tăng mạnh mẽ trao đổi, hợp tác quân sự, quốc phòng. Bắc Kinh là một trong những khách hàng truyền thống, mua vũ khí mới, hiện đại của Nga (máy bay tiêm kích, trực thăng, hệ thống tên lửa…). Trong năm, Nga-Trung tập trận chung trên đất liền, trên biển và trên không, khiến cho Quân đội PLA tiếp cận nhanh với đội quân thiện chiến, kỹ thuật hợp đồng tác chiến và vũ khí mới của Nga. Mới đây, hai nước tiết lộ kế hoạch hợp tác quân sự đến năm 2025, sau khi hai bên có nhiều hoạt động chung trên không, trên biển ở khu vực Thái Bình Dương. 

Việc hợp tác quân sự, tập trận Nga-Trung không chỉ gây bức bối cho Mỹ và NATO mà các đồng minh của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia) cũng hết sức khó chịu.  Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg nhận định, việc “Moskva và Bắc Kinh gần nhau là một thách thức nghiêm trọng”. Bởi NATO đang muốn mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc; đồng thời, thực thi kế hoạch “NATO hướng Đông”, áp sát biên giới Nga. Khi hai cường quốc về quân sự, sở hữu vũ khí hạt nhân Nga, Trung Quốc có mối quan hệ sâu đậm về quân sự, quốc phòng hẳn sẽ là mối quan ngại đối với bất kỳ một quốc gia, một tổ chức quân sự nào. 

Tháng qua, Mỹ và phương Tây thổi bùng dư luận, Nga tập trung binh sĩ, vũ khí đến biên giới Ukraine, có kế hoạch tấn công nước này vào đầu năm 2022. Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ công khai viện trợ vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev hòng mượn danh Chú Sam, đẩy Ukraine vào cuộc xung đột với Nga.

Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố, Nga không bao giờ là một bên tham chiến ở Ukraine nhưng Mỹ và gần 30 quốc gia thành viên NATO luôn coi Nga là kẻ thù trực tiếp, số 1 thì Moskva tìm đến đồng minh Bắc Kinh cũng như một lẽ tự nhiên.

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ