A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sôi động thị trường vũ khí toàn cầu

 

QPTĐ-Năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành ở hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội mỗi nước. Cùng với đó, mối đe dọa khủng bố, xung đột vũ trang và căng thẳng ngoại giao, thương mại giữa các nước lớn đã tác động không nhỏ đến cuộc chạy đua vũ trang, thúc đẩy việc mua sắm trang, thiết bị quốc phòng, khiến thị trường vũ khí càng thêm sôi động. 

Mỹ đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí. (Ảnh: Internet)

Mặc dù nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm (-4,4%) so với năm 2019 nhưng chi tiêu quốc phòng năm qua vẫn tăng 3,9% so với năm trước, ước đạt 1.830 tỉ USD. Mỹ là quốc gia thống trị thị trường vũ khí toàn cầu với 1/3 số vũ khí trong 5 năm qua (2016-2020) có nguồn gốc từ Mỹ, mang nhãn hiệu USS. 

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, có trụ sở tại Thụy Điển), Mỹ dẫn đầu, chiếm 37% về doanh số xuất khẩu vũ khí bán cho 96 nước và vùng lãnh thổ, tăng mạnh so với giai đoạn 2011-2015, trong đó, có một nửa số vũ khí này được bán cho các quốc gia Trung Đông, giữ vững số lượng, doanh số Mỹ đã thực hiện trong 5 năm trước đó (giai đoạn 2011-2015). 

Năm qua, Mỹ trở thành “trung tâm dịch bệnh Covid-19 thế giới” có 30,5 triệu ca bệnh, 0,56 triệu người chết (đến ngày 22/3) trong khi thế giới có 125 triệu ca bệnh, 2,8 triệu người tử vong. Mỹ vẫn đứng đầu danh sách chi tiêu quốc phòng với 738 tỉ USD chiếm 40% tổng chi ngân sách quốc phòng thế giới. 

Nếu xét về doanh số xuất khẩu vũ khí thì sau Mỹ, Nga đứng thứ 2 chiếm 20%; Pháp đứng thứ 3 với 8%; tiếp đến thứ 4 là Đức, Trung Quốc đứng thứ 5. 

Mặc dù đứng thứ 2 toàn cầu về xuất khẩu vũ khí với khoảng 50-55 tỉ USD/năm được ký kết (giai đoạn 2015-2020) nhưng Nga bị giảm tỷ lệ, so với 22% sản lượng (giai đoạn 2011-2015) do các lệnh cấm cấm vận của Mỹ, chủ yếu là sự cạnh tranh thị trường xuất khẩu sang Ấn Độ. 

Vũ khí của Nga có thế mạnh xuất khẩu phải kể đến hệ thống phòng không hiện đại S-400, máy bay tiêm kích đa năng Su-35 “Tử thần trên không” thế hệ 4++, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S (tiếp đến là T-14 Armata), “Gia đình” AK từ AK-47 đến AK-12 đương đại, rồi đến tiêm kích đa năng Su-57 “Bóng ma bầu trời” thế hệ 5 mang vũ khí siêu thanh.

Pháp đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu vũ khí, chiếm 8% toàn cầu, các khách hàng lớn phải kể đến là Ấn Độ, Ai Cập, Qatar.

Trung Quốc là nước nhập khẩu vũ khí lớn cùng với Ấn Độ, Ai Cập, Arab Saudi, Australia nhưng cũng là nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ 5 toàn cầu với doanh số chiếm 5,2% (giai đoạn 2016-2020); tuy nhiên vẫn giảm so với 7,8% (giai đoạn 2011-2015). Đáng chú ý, Trung Quốc có 4 công ty quốc phòng lọt vào danh sách 25 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới vào cuối năm 2019 và có 3 chủ thể nằm trong Top 10 đơn vị danh tiếng có số doanh thu đạt 56,7 tỉ USD trong mấy năm gần đây. 

Trung Quốc đã tiếp cận, thậm chí vượt Nga-“người thầy cũ thời Liên Xô”, trong một số công nghệ như chế tạo máy bay tấn công không người lái, một số loại tàu biển, vũ khí siêu thanh, động cơ phản lực cho tiêm kích tàng hình J-20. Lầu Năm Góc thừa nhận, Trung Quốc đã vượt Mỹ trên nhiều khía cạnh, bao gồm phát triển tên lửa, số lượng tàu chiến, hệ thống phòng không. Bắc Kinh đề ra mục tiêu, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí, sẽ vượt Mỹ, vào năm 2049?

Nguyên nhân dẫn đến việc Nga, Trung Quốc giảm doanh số xuất khẩu vũ khí, theo nhóm chuyên gia Hong Kong, bởi chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump nỗ lực vận động các đồng minh trong khu vực mua vũ khí Mỹ thay vì vũ khí Nga và Trung Quốc. Mỹ luôn đề cao, tuyên truyền với châu Âu và thế giới về “mối đe dọa xâm lược từ Nga” và “giả thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc”; đó là chưa kể đến Đạo luật CAATSA năm 2017, cho phép trừng phạt các khách hàng mua vũ khí của Nga. 

“Ông D.Trump là nhà buôn vũ khí lớn, người cố tìm cách khuấy động căng thẳng trong khu vực và thúc đẩy nhiều nước châu Á mua vũ khí do Mỹ chế tạo”-Chuyên gia Song ở Hong Kong nhận định. 

Với các nước khu vực châu Á, SIPRI đưa ra thông số, nhập khẩu vũ khí của Nhật Bản tăng 124% trong 5 năm 2016-2020. Quốc hội Nhật lên kế hoạch chi 240 tỉ USD (từ 4/2019-3/2024), tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và không quân nhằm ứng phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên. Tháng 7/2020, Chính phủ Nhật công bố chương trình mua 105 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ F-35 trị giá 23 tỉ USD. 

Đảo Đài Loan gia tăng mua sắm vũ khí Mỹ gồm hiện đại hóa máy bay tiêm kích F-16, trang bị hệ thống radar, tên lửa, ngư lôi, thiết bị đóng tàu chiến, tàu ngầm, trị giá các thương vụ lên đến 18 tỉ USD, giai đoạn 2017-2020. 

Sau Arab Saudi, Ấn Độ là quốc gia có nhiều thương vụ lớn mua sắm vũ khí của Nga, Mỹ. Mấy năm gần đây, căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ với Trung Quốc, Pakistan khiến New Delhi càng đẩy mạnh việc mua sắm và hợp tác liên doanh sản xuất vũ khí mới với Nga và Mỹ.

Thế giới tồn tại trong đại dịch Covid-19 nhưng ngân sách quốc phòng nhiều nước vẫn tăng. Trung Quốc (tính theo USD) tăng 5,9% đạt 193,3 tỉ (thứ 2 toàn cầu), tiếp đến là Ấn Độ: 64,5 tỉ (2020-2021) lên 65,44 tỉ (2021-2022), Anh: 61,5 tỉ, Nga: 60,6 tỉ, Nhật Bản: 51,7 tỉ, khu vực Trung Đông: 150 tỉ. Khối quân sự NATO: 1.000 tỉ (2020) tăng lên 1.100 tỉ (2021), đang được khuyến nghị tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP/năm. Hiện, mới có 9/29 nước thành viên NATO đạt chỉ tiêu này, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy...

Theo các chuyên gia quân sự, Mỹ vẫn giữ ngôi vị số 1-cường quốc quân sự, tiếp đến là Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như Mỹ đang tụt hậu sau Nga, Trung Quốc về phát triển vũ khi siêu thanh. Nếu như Nga đã có tên lửa siêu thanh Zircon trang bị cho tàu ngầm, tên lửa siêu thanh thu nhỏ Kh-101 trang bị cho tiêm kích và “Thiên nga trắng” Tu-160 thì Mỹ kỳ vọng tên lửa siêu thanh sẽ được đưa vào biên chế quân đội năm 2023-2024? 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ