Nga diễu binh, phô trương sức mạnh quân sự
QPTĐ-Từ vài thập kỷ qua, nối tiếp truyền thống hào hùng của Hồng quân Xô Viết, Nga long trọng tổ chức Ngày Chiến thắng (9/5) với nhiều hoạt động diễu binh, diễu hành, kỷ niệm ngày Hồng quân Liên Xô đại phá Berlin, cắm cờ trên tòa nhà Quốc hội Đức, đánh bại Đức Quốc xã, góp phần quyết định kết thúc Thế chiến II.
Năm nay, kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng (1945-2022), Nga huy động hơn 65 ngàn người, hơn 2.400 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự, hơn 460 máy bay và trực thăng tham gia duyệt binh, diễu hành ở Thủ đô Moskva và 30 thành phố khác, đúng ngày 9/5.
Tại Moskva, hơn 11.000 binh sĩ, với 131 đơn vị vũ khí và trang bị quân sự, trong đó có hơn 20 loại vũ khí mới được trình diện, 77 máy bay các loại tham gia diễu binh trên Quảng trường Đỏ, có sự tham dự của Tổng thống Nga V.Putin, nội các Liên bang Nga và các sĩ quan, tướng lĩnh quân đội Nga, các cựu Hồng quân Liên Xô tham gia Thế chiến II.
Sự kiện kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay đã gây chú ý hơn đối với dư luận châu Âu và thế giới bởi cuộc xung đột Ukraine, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24/2 tại Ukraine. Điện Kremlin tuyên bố, quyết tâm bảo vệ dân thường vùng Donbass, ủng hộ hai nước cộng hòa: Donesky và Lugansky ly khai-tuyên bố độc lập, nhằm “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” Ukraine, trong khi Kiev kỳ vọng hiện thực hóa chính sách “bài Nga, thân Mỹ và phương Tây”.
Trên bầu trời Moskva, bay qua Quảng trường Đỏ là màn diễu hành của 77 máy bay tượng trưng cho 77 năm chiến thắng phát xít. Đó là các máy bay cường kích Su-25; tiêm kích MiG-29MT, Su-30SM; máy bay vận tải hạng nặng, tiếp dầu trên không Il-78, máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân Tu-95MS, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, “Thiên Nga trắng” Tu-160, máy bay trực thăng chiến đấu: Mi-8, Mi-26, Mi-35.
Hình ảnh vũ khí hiện đại của Nga trong tổng duyệt cho Lễ diễu binh kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng (9/5/1945-9/5/2022). (Ảnh: Internet)
Diễu binh qua lễ đài là xe tăng huyền thoại T-34 của Hồng quân trong Thế chiến II, các mẫu xe tăng hiện đại: T-72B3M, T-90M, T-14 Armata và nhiều loại xe bọc thép; pháo tự hành MSTA-S, tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars-“ngôi sao diễu binh” năm 2022; hệ thống phòng không hiện đại S-400, S-500.
Tại nhiều thành phố, bến cảng, quân đội Nga tiến hành Lễ duyệt binh, diễu binh có sự tham gia của các quân, binh chủng: Hải-Lục-Không quân, Tên lửa, Lực lượng Hàng không vũ trụ.
Việc Moskva, kể từ năm 1991-sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, phô trương sức mạnh quân sự trong Ngày Chiến thắng, dần dần trở thành một biểu tượng mới của Nga, không ngoài mục đích nâng cao cảnh giác, chống lại các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Nga-Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov tuyên bố.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat “bất khả chiến bại”, có thể bắn trúng bất cứ mục tiêu nào trên Trái đất “khiến kẻ thù phải nghĩ lại”.
Mỗi quả đạn Sarmat mang lượng nhiên liệu 178 tấn, tầm bắn hơn 18.000 km, với 10 đầu đạn có sức công phá tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, tốc độ bay tối đa 24.900 km/h, tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Về lý thuyết, Sarmat có thể xóa sổ một diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas (Mỹ).
Trước đó, Nga đưa vào sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và Avangard, tốc độ Mach-8 đến Mach-20. Nga sử dụng tên lửa Kinzhal tấn công kho vũ khí vùng Ivano, Frankivsk, phía Tây Ukraine. Tên lửa Kinzhal và Kalibr đã phá hủy hàng ngàn mục tiêu quân sự của Kiev.
Tháng 9/2021, quân đội Nga biên chế “Rồng lửa” S-500, có thể tiêu diệt mục tiêu siêu vượt âm cũng như máy bay không người lái (UAV) ở khoảng cách 500-600 km.
“Năm nay, hơn 3.000 vũ khí tiên tiến và khí tài quân sự sẽ được cung cấp, đồng thời, quân đội đưa vào hoạt động khoảng 170 cơ sở hạ tầng quân sự”-Đại tướng S.Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga xác nhận.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước qua tuần thứ 10, Moskva tuyên bố, đã bước qua giai đoạn 2 của chiến dịch. Tuy nhiên, giới chức phương Tây khó lường việc Điện Kremlin có mở rộng quy mô chiến dịch hay tuyên bố một thắng lợi về quân sự trong thời điểm này? Tổng thống Nga có ban bố lệnh thiết quân luật, lệnh tổng động viên hay chính thức tuyên bố chiến tranh với Ukraine?
Trên thực tế, quân đội Nga và lực lượng ly khai Donbass đã mở rộng “vùng giải phóng” ở miền Đông, miền Nam và miền Tây Ukraine, từ Lugansky, Donetsky ngược lên vùng biên giới: Izyum, Kharkiv, Sumy, Chernihiv, Chernobyl; xuôi đến Mariupol, Melitopol, Kherson, Osessa, Mykolaiv nối với bán đảo Crimea. Vậy là, Nga đã thiết lập một hành lang giữa Nga và khu vực Donetsky với Crimea, cũng như kiểm soát hoàn toàn biển Azov, cô lập Ukraine?
Hiện, Ukraine bị thiệt hại nặng nề cả về người, vũ khí và cơ sở hạ tầng quân sự, kinh tế. Tổng thống V.Zelensky tuyên bố, tiếp tục nối lại đàm phán hòa bình với Nga nhưng ông không ngừng kêu gọi Mỹ, phương Tây viện trợ vũ khí để “phòng thủ, chống lại Nga”. Kiev vẫn để ngỏ khả năng gia nhập khối quân sự NATO-Điều mà Moskva coi là “lằn ranh đỏ”.
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ J.Biden và các nhà lãnh đạo G-7 họp trực tuyến, điện đàm với Tổng thống Ukraine V.Zelensky thể hiện sự đoàn kết, hứa cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Mỹ cấp pháo hạng nặng 155 mm, tên lửa phòng không Stinger, radar chống pháo binh, thiết bị gây nhiễu điện tử, máy bay không người lái trị giá 150 triệu USD, nâng tổng số viện trợ trong 3 tháng qua lên 3,4 tỉ USD. Tổng thống J.Biden trình Quốc hội khoản hỗ trợ trị giá 33 tỉ USD, trong đó có 20 tỉ USD hỗ trợ quân sự. Đức (6/5) cấp thêm 7 lựu pháo tự hành PZH-2000. Anh viện trợ thêm tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không trị giá 376 triệu USD, trong tổng số 1,6 tỉ USD hỗ trợ vũ khí.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp E.Macron (3/5), Tổng thống Nga V.Putin yêu cầu Mỹ và châu Âu dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. “NATO cung cấp vũ khí cho Kiev đồng nghĩa đang tham chiến chống lại Nga”.
HÀ NGỌC