A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga cảnh báo, NATO thổi bùng xung đột ở châu Âu

 

QPTĐ-Phát biểu với báo chí sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ J.Biden (tối ngày 12/2, giờ Việt Nam), Trợ lý Tổng thống Nga Y.Ushakov cho biết, cuộc đàm phán được tổ chức theo yêu cầu của phía Mỹ, với lý do phương Tây lo ngại về một cuộc “xâm lược Ukraine của Nga” sắp xảy ra. 

Đây là cuộc điện đàm thứ 3 Nga-Mỹ về tình hình Ukraine, sau 2 cuộc điện đàm diễn ra trong tháng 1 và cuộc gặp cấp cao giữa nguyên thủ hai nước tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ (6/2021). Cuộc đàm phán được phát ngôn viên Tổng thống hai nước tuyên bố báo chí, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, không có giải pháp đột phá. Hai bên cam kết tiếp tục các nỗ lực ngoại giao

Nhiều trang thiết bị, vũ khí hạng nặng được Nga và Ukraine triển khai dọc hai bên biên giới. (Ảnh: Internet)   

Tổng thống V.Putin chỉ trích những nỗ lực của phương Tây, không ngoài mục đích quân sự hóa, chuyển vũ khí hiện đại, phương tiện chiến tranh cho Ukraine nhằm hậu thuẫn chính quyền Kiev giải quyết xung đột miền Đông Donbass bằng vũ lực. Nga khẳng định, các nước phương Tây không đủ gây áp lực để Kiev thực hiện thỏa thuận Minsk ký năm 2015 giữa 4 nước: Đức, Pháp, Nga, Ukraine, nhằm vạch ra một lộ trình thoát khỏi xung đột miền Đông, giữa chính quyền Trung ương Kiev với phe ly khai Donetsk và Lugansk. 

“Trong bối cảnh các cáo buộc liên quan đến một cuộc xâm lược của Nga, các điều kiện đang được tạo ra cho các hành động khiêu khích. Đằng sau những cáo buộc động binh, phương Tây đang tạo điều kiện cho các hành động gây hấn của quân đội Kiev”-Thư ký Tổng thống Nga nói. 

Tổng thống J.Biden giữ quan điểm cứng rắn, cảnh báo “một cuộc xâm lược nữa của Nga vào Ukraine sẽ gây ra đau khổ cho người dân và làm giảm vị thế của Nga”. Tổng thống Mỹ đề cập đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tiềm tàng chống Nga về tình hình Ukraine. “Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả một cách nhanh chóng, dứt khoát, buộc Nga phải trả giá đắt nếu xâm lược Ukraine”-Thông báo của Nhà Trắng về nội dung cuộc điện đàm nêu rõ. 

Ngày 12/2, Mỹ và phương Tây sơ tán hầu hết nhân viên sứ quán tại Ukraine và hối thúc các công dân nhanh chóng rời khỏi đất nước này. Mỹ, Anh tuyên bố, rút hết chuyên viên quân sự hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine. 

Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ các thông tin của Mỹ và phương Tây về một “cuộc xâm lược”, là sai lệch, khiến căng thẳng khu vực leo thang. 

Quan hệ Nga-Mỹ, phương Tây hay Nga-Ukraine căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau sự kiện Crimea trở về Nga (3/2014). Chính quyền Kiev do Tổng thống P.Poroshenko (thân phương Tây) đứng đầu gọi Nga là “kẻ xâm lược”, bán đảo Crimea là “lãnh thổ bị tạm chiếm”. Kiev thực thi hàng loạt chính sách “bài Nga, thân Mỹ” bao gồm cả việc hạ bệ tượng đài, phá hủy các công trình văn hóa, lịch sử thời kỳ Liên Xô liên quan đến nước Nga, cấm sử dụng tiếng Nga trong trường học. 

Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận Nga, áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất về kinh tế, chính trị, ngoại giao, thương mại lên Nga, tập trận áp sát biên giới “chống lại cuộc xâm lược từ Nga”. Giữa năm 2014, hai tỉnh Donetsk và Lugansk có chung đường biên giới với Nga, tuyên bố thành lập nước cộng hòa, ly khai khỏi Ukraine. Chiến sự nổ ra trong những năm qua khiến Ukraine lâm cảnh “nồi da nấu thịt”, hơn 10 ngàn người tử vong, hàng triệu người khác mất nhà cửa, phải tị nạn. Năm 2021, quan hệ Nga-Mỹ, NATO thêm căng thẳng, sau những tuyên bố, va chạm trong các cuộc tập trận và giám sát tập trận của các bên, gần nhất là cuộc tập trận của NATO-Mỹ-Ukraine khu vực biển Đen. Chính phủ Kiev dưới thời Tổng thống V.Zelensy gia tăng thúc đẩy chương trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt. 

Tháng 12/2021, Nga đưa ra đề xuất 8 điểm về an ninh với Mỹ, phương Tây và NATO. Đề xuất bao gồm không mở rộng liên minh về phía Đông, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997, rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan và các quốc gia Baltic: Latvia, Lithuania, Estonia (Liên Xô cũ), hạn chế triển khai tên lửa tầm ngắn, tầm trung; chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự. 

Tuy nhiên, các đề xuất của Nga đã bị Mỹ và NATO bác bỏ. Moskva coi việc NATO kết nạp Ukraine làm thành viên là “lằn ranh đỏ”. “Tên lửa của NATO triển khai ở sườn phía Đông, Ukraine đe dọa an ninh Nga, vì chỉ cần 5 phút là có thể bay đến Moskva”-Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ. Trong tháng qua, Nga tiến hành 2 cuộc tập trận quy mô lớn khiến phương Tây quan ngại cho rằng, Moskva tập trung hơn 100 ngàn quân đến biên giới, có kế hoạch động binh xâm lược Ukraine. 

Quân đội Nga (25-29/1) huy động một lực lượng lớn vũ khí, khí tài tập trận quy mô lớn ở Bắc Cực, tuyến hàng hải phương Bắc, biển Đen với khoảng 140 tàu chiến, tàu yểm trợ, hơn 60 máy bay, 10 ngàn binh sĩ cùng hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Hạm đội Biển Đen điều động hơn 30 tàu chiến tập trận gần Crimea.

Nga điều hơn 30 ngàn binh sĩ đến Belarus cùng hệ thống tên lửa S-400, tổ hợp tên lửa Pantsir-S, tổ hợp pháo AA, tiêm kích Su-35, lính dù, lính đặc nhiệm tập trận (giai đoạn 1 từ ngày 1-9/2, giai đoạn 2 kéo dài đến ngày 20/2). NATO lập tức phản ứng, như một động thái khuyến khích Ukraine. Mỹ điều pháo đài bay” B-52, tiêm kích F-16 đến châu Âu, cùng 3.000 binh sĩ đến Ba Lan hội quân cùng 1.700 lính thường trực tại đó và 1.000 binh sĩ, khí tài đến Romania. Thủ tướng Anh B.Johnson (9/2) tuyên bố, đưa thêm máy bay chiến đấu, tàu hải quân đến phía Nam châu Âu và phía Đông Địa Trung Hải cùng 1.000 quân đối phó với khủng hoảng Ukraine.  

Tháng qua, Mỹ và phương Tây chuyển cho Ukraine hơn 1.500 tấn vũ khí, đạn dược, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không Stinger, hệ thống chống tăng Javelin, hệ thống tên lửa tầm cao THAAD, tổng số tiền viện trợ hơn 1,5 tỉ USD. 

Hiện, ngoại giao con thoi đang tập trung tháo ngòi nổ căng thẳng Nga-Ukraine mà thực chất là Nga-Mỹ, NATO. Thủ tướng Pháp E.Macron, Thủ tướng Đức O.Scholz, Ngoại trưởng L.Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Anh B.Wallace đã có chuyến công du đến Moskva mang sứ mệnh tìm kiếm hòa bình. Dư luận cho rằng, thổi bùng căng thẳng Nga-Ukraine, chỉ Mỹ là ngư ông đắc lợi?

NHẬT MINH
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ