BRICS+ vươn tầm thành tổ chức lớn mạnh toàn cầu
QPTĐ- Trong thời gian 3 ngày (từ 22 đến 24/10), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và đối tác (BRICS+) tổ chức ở thành phố Kazan (Nga). Đây là hội nghị cấp cao BRICS thường niên và đối tác lần thứ 16 được xoay vòng tại các quốc gia sáng lập. Năm 2024, Nga là Chủ tịch luân phiên. BRICS+ 15 được tổ chức thành công tại Nam Phi (10/2023).
Lãnh đạo các nước thành viên thông qua tuyên bố chung Kazan.
Ảnh: TASS
Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ 16 thu hút sự tham gia của hơn 20.000 quan khách đến từ 9 nước thành viên và 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 24 lãnh đạo quốc gia (Tổng thống, Chủ tịch nước, Thủ tướng) và 6 tổ chức quốc tế. BRICS+ 16 có sự hiện diện của Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres và lãnh đạo các quốc gia: Tổng thống nước chủ nhà V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, Tổng thống Iran M.Pazeshkian, Tổng thống Ai Cập A.Sisi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Erdogan, Tổng thống Palestine M.Abbas, Chủ tịch Lào Th.Sisonlith, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
BRICS là một hiệp hội không chính thức Nhóm Các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil (thành lập năm 2006), sau đó thêm Nam Phi (2011); là tên chữ cái của 5 quốc gia sáng lập. Hội nghị cấp cao BRICS-15 tại Nam Phi (10/2023) quyết định dung nạp thêm 6 thành viên gia nhập (từ 1/2024), bao gồm Ai Cập, UAE, Iran, Ethiopia, Arab Saudi, Argentina. Ngay sau đó, Argentina có sự xáo trộn nội các và có đơn xin rút khỏi khối. Arab Saudi cũng chần chừ, chưa hoàn tất thủ tục gia nhập. Vậy là, từ năm 2024, khối có 9 thành viên- BRICS+.
Trong thập niên qua, BRICS không chỉ lớn mạnh về số lượng thành viên, mà sự tăng trưởng nội khối về kinh tế, đầu tư, thương mại đã hấp dẫn các quốc gia, khiến 34 nước có nguyện vọng tham gia. Một số nước đã có đơn, sẵn sàng gia nhập như Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO), Algeria, Bangladesd, Bahrain, Belarus, Cuba, Venezuela, Kuwait, Senegal, Morocco, Palestine, Serbia; trong khối ASEAN có 2 nước: Thái Lan, Indonesia.
Hiện, các quốc gia thành viên BRICS chiếm 46% dân số thế giới (hơn 3 tỉ người), chiếm hơn 36,7% GDP toàn cầu, hơn 60.000 tỉ USD vào cuối năm 2023 (so với 29,6% GDP, hơn 43.000 tỉ USD của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới-G7, bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, BRICS sẽ đạt tỉ trọng 37% trong năm nay, trong khi G7 giảm xuống còn 28%. Tăng trưởng của các nền kinh tế BRICS đạt 4,4%/năm, so với tăng trưởng trung bình toàn cầu là 3,2% và tăng trưởng của G7 chỉ 1,7%.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB, 4/2024), trong số các thành viên của BRICS, Trung Quốc có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua (PPP) đứng đầu thế giới với quy mô 35.000 tỉ USD; Ấn độ đứng thứ 3 là 14.600 tỉ USD; Nga đứng thứ 4 với 6.450 tỉ USD. Có 4 nước thành viên BRICS lọt vào Top 10 nước hàng đầu thế giới về sở hữu tài nguyên khoáng sản, bao gồm Nga (số 1) với 75.000 tỉ USD; Iran (thứ 5) 27.300 tỉ USD; Trung Quốc (thứ 6) 23.000 tỉ USD; Brazil (thứ 7) 21.800 tỉ USD.
Thực tế hai thập niên qua, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Với việc mở rộng thành viên và dự kiến sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai gần, tổ chức này đang dần tập hợp các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển có quy mô lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia chính trị cho rằng, BRICS đã và đang trở thành nguồn tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu, trong những năm tới, nhờ quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Nếu không hạn chế phát triển thành viên, những năm tới, BRICS+ sẽ có sự tham gia khối của 40 đến 47 nước, trở thành nhóm có số lượng nước lớn nhất hành tinh, trong khi Liên minh châu Âu (EU) có 27 nước; khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) 32 nước; Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 10 nước; kể cả G7, G20.
Là quốc gia Chủ tịch luân phiên BRICS+ năm 2024, Liên bang Nga tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính gồm: Chính trị và an ninh; kinh tế và tài chính; quan hệ văn hóa và nhân đạo. Chủ trì Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ 16, Tổng thống Nga V.Putin đặt mục tiêu, thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm tạo ra một “trật tự thế giới mới” với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”.
Tại Hội nghị BRICS+ và BRICS+ cùng đối tác, các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc tạo ra một hệ thống tài chính và chính trị mới với đặc trưng công bằng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, ủng hộ nguyên tắc đa phương và tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu. Tuyên bố chung của BRICS+ 16 khẳng định, kết quả hội nghị đã củng cố vị thế của BRICS trên trường quốc tế và sẽ phát triển sự hợp tác giữa các nước tham gia trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị đã xem xét cơ chế về các nước đối tác của BRICS, để qua đó thiết lập mô hình hợp tác, hội nhập, giúp cho BRICS ngày càng có ảnh hưởng cũng như mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước tham dự. Thực tế, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đang dần trở thành tổ chức tập hợp các nền kinh tế có quy mô lớn nhất toàn cầu. Hội nghị này có thể đã góp phần định hình những nguyên tắc cơ bản mới phát triển thế giới.
Tuyên bố chung BRICS+ 16 ghi nhận nỗ lực hiệu quả của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với nguồn vốn hàng trăm tỉ USD đầu tư, cho vay đối với các thành viên và đối tác, hỗ trợ các nước nghèo, chậm phát triển, không đặt ra các điều kiện về chính trị, ràng buộc bất bình đẳng. BRIC+ chủ trương chống “đô la hóa”; gần 160 nước đã sử dụng hệ thống thanh toán SPFS của Nga, “BRICS Pay”, thay thế hệ thống thanh toán SWIFT do Mỹ khống chế. Nga và Trung Quốc đang nỗ lực để BRICS ra đời một đồng tiền mới. Tuy nhiên, với lý do tập trung vào việc giúp các nước mới gia nhập khối hòa nhập vào nhóm, BRICS tạm dừng xem xét kết nạp thành viên mới tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov trao đổi với báo giới: Bất kỳ quốc gia nào gia nhập BRICS đều không nên tham gia vào các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với bất kỳ thành viên nào của BRICS, đồng thời nhấn mạnh: Đây là tiêu chí quan trọng để Moskva chào đón các thành viên mới.
HÀ NGỌC