A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BRICS: Tổ chức kinh tế, thương mại hấp dẫn toàn cầu

QPTĐ- Thủ tướng Malaysia I.Anwar vừa có chuyến thăm cấp cao 3 ngày (19-21/8) đến New Delhi, hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ N. Modi về phát triển quan hệ song phương và tìm kiếm sự ủng hộ gia nhập BRICS của nước này trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS họp tại Kazan (Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga, tháng 10 tới)-Báo chí Malaysia đưa tin.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 24.8.2023.

 Ảnh: Xinhua

Trước đó (6/2024), Chính phủ Malaysia đã chính thức nộp đơn gia nhập BRICS với lý do, thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa, đa cực của Malaysia “bằng cách thu hút nhiều các đối tác có cùng chí hướng hơn” và đa dạng hóa quan hệ đối tác, hướng tới mục tiêu “phi USD hóa” quan hệ thương mại, có lợi ích về mặt chiến lược cho đất nước. Thủ tướng I.Anwar và Thủ tướng N.Modi thảo luận về các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chuẩn bị cho Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2025.

Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã hoàn tất thủ tục nộp đơn gia nhập BRICS nhân Hội nghị Ngoại trưởng của khối này nhóm họp (10-11/6) với nguyện vọng, Bangkok sẽ là thành viên chính thức của BRICS ngay trong Hội nghị thượng đỉnh của khối (họp tại Nga, 10/2024). Vậy là, khu vực Đông Nam Á, đã có 2 quốc gia, cũng là 2 thành viên khối ASEAN có nguyện vọng gia nhập BRICS. 

Vì sao BRICS lại có sức hấp dẫn vậy? BRICS là tên gọi Nhóm các nền kinh tế mới nổi, là tổ chức hợp tác kinh tế, thương mại đa quốc gia, thành lập năm 2006 bao gồm 4 nước sáng lập: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Năm 2011, Nam Phi chính thức tham gia. Tháng 1/2024, kết nạp thêm 5 nước thành viên: Ai Cập, Iran, Arab Saudi, UAE và Ethiopia. Tổ chức này có 10 quốc gia thành viên, có thể gọi là BRICS+ nhưng vẫn lấy tên ban đầu: BRICS, bất chấp việc mở rộng.

Hiện, BRICS có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2, dân số 3,21 tỉ người, tương đương với hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 46% dân số thế giới. GDP của BRICS chiếm 31,5% toàn cầu, trong khi Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) chiếm 30,7% GDP thế giới. Đáng nói, BRICS tập hợp các quốc gia đông dân, diện tích rộng, có thị trường hàng hóa, thương mại lớn, có tiềm lực quân sự, quốc phòng mạnh, nhiều nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và có tiềm năng phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2028, BRICS sẽ nới rộng khoảng cách với G7.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nam Phi (2023), đã có 40 quốc gia bày tỏ nguyện vọng gia nhập BRICS, trong đó có những thành viên tiềm năng như Colombia, Zimbabwe, Thái Lan, Malaysia, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Venezuela, Cuba, Bahrain, Kazakhstan, Pakistan, Bolivia. Có những quốc gia châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO), Serbia đã nhiều năm theo đuổi nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU), bất thành bởi phải chấp nhận những điều kiện chính trị kèm theo. Ví như, EU nêu điều kiện gia nhập với Serbia là phải công nhận tỉnh ly khai Kosovo (Liên bang Nam Tư cũ).

“BRICS không yêu cầu bất cứ điều gì từ Serbia và cho chúng tôi nhiều hơn những gì chúng tôi mong muốn. Trong khi đó, EU yêu cầu chúng tôi mọi thứ và tôi không còn chắc chắn họ có thể cho chúng tôi những gì. Chúng tôi coi BRICS là một cơ hội và một giải pháp thay thế. Serbia đang tích cực xem xét tất cả các khả năng mà BRICS đưa ra và hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia thành viên”-Phó Thủ tướng Serbia A.Vulin nói.

Tuy không chính trị hóa BRICS nhưng với tư cách nước chủ nhà, Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2024, tại Hội nghị Ngoại trưởng khối (6/2024), Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov cho biết: Bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập BRICS đều không nên tham gia vào các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của Mỹ và phương Tây, áp đặt đối với bất kỳ thành viên BRICS nào, bao gồm cả Nga; đây là tiêu chí quan trọng để Moskva chào đón các thành viên mới.

Trên thực tế, BRICS đang hướng tới xây dựng một trật tự thế giới đa cực nhằm đối trọng với Mỹ. Nhiều tổ chức khác cũng đang có tham vọng này, hòng thoát khỏi sự thống trị sau Chiến tranh Lạnh của Mỹ, bao gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Liên minh châu Phi, Tổ chức Kinh tế Á-Âu. Nhiều tổ chức này do Nga, Trung Quốc, Arab Saudi dẫn dắt.

Thành tựu lớn nhất của BRICS là tài chính, với 100 tỉ USD dự trữ ngoại hối dùng để cho các nước thành viên vay trong trường hợp khẩn cấp. Năm 2015, BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) có khoản vay 33 tỉ USD đầu tư cho các dự án giao thông, cấp nước, cơ sở hạ tầng, không kèm theo điều kiện chính trị, khá hấp dẫn. Mối quan hệ thương mại giữa 5 nước thành viên (giai đoạn 2017-2022) tăng 56% lên 422 tỉ USD, trong đó tăng trưởng mạnh phải kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Trung Quốc vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, là cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới.

Hiện nay và tương lai gần, các thành viên của BRICS bao gồm các quốc gia hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ, lại có các đối tác có trữ lượng dầu, khí lớn như Venezuela, sẽ là cơ hội để khối này chiếm lĩnh, điều tiết “vàng đen” toàn cầu; là cơ hội để tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn từ các quốc gia thành viên giàu có, độc lập về chính trị, phi đô la hóa.

Mấy năm nay, BRICS trăn trở với kỳ vọng ra đời một đồng tiền chung mang đậm dấu ấn BRICS và hệ thống thanh toán mới thay thế SWIFT, khả năng sẽ được đưa ra bàn thảo, quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh tại Liên bang Nga năm 2024. Đây cũng là ý tưởng được các quốc gia thành viên thông qua tại Hội nghị cấp cao Nam Phi năm 2023, nhằm hướng tới một kỷ nguyên mới về phi đô la hóa kinh tế toàn cầu. Hiện, BRICS ra đời hệ thống thanh toán mới, có 159 nước hưởng ứng, thanh toán toàn cầu không cần đồng USD.

Thực tế, mấy năm qua, trao đổi thương mại giữa Nga-Trung Quốc, Nga-Ấn Độ đạt mức tăng trưởng cao và được thanh toán bằng đồng nội tệ giữa các nước, tránh lệnh cấm vận của Mỹ, phương Tây nhằm vào Nga. Brazil cũng là thị trường nhập khẩu phân bón kỷ lục với đối tác Nga, kể cả Trung Quốc. Đó là thành công hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư từ khối BRICS.

LINH AN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ