A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

 

QPTĐ-Xác định xây dựng môi trường văn hóa trong Nhà trường và nét đẹp văn hóa của mỗi quân nhân sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học, SSCĐ, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần trong đơn vị, những năm qua, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn chú trọng đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần không nhỏ để Nhà trường hoàn thành toàn diện các mặt công tác, nhiều năm liền được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc và được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô khen thưởng... Để hiểu hơn những kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đoàn Chí Thắng, Chính ủy Nhà trường.

 

 

Lễ khai giảng năm học 2019-2020 ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

 

PV: Thời gian qua, nét đẹp người chiến sĩ Thủ đô luôn được coi trọng và phát huy trên mọi lĩnh vực? Xin đồng chí cho biết việc triển khai thực hiện nội dung này ở Nhà trường như thế nào?


Đại tá Đoàn Chí Thắng: Xây dựng nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ Thủ đô” với những phẩm chất tiêu biểu trong thời kỳ mới, trên cơ sở tiêu chí của Bộ Tư lệnh, Nhà trường xác định, mỗi cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, học viên cần phải là người có trí tuệ, văn hóa, sức khỏe tốt, tận tụy với công việc; thực hiện nếp sống văn minh; luôn giao tiếp, ứng xử có văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần phải vững về chuyên ngành, có kiến thức hiểu biết toàn diện, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; yêu thương, sẻ chia giúp đỡ nhau và có lối sống mình vì mọi người, giản dị, trung thực trong từng hành động. Ở từng tập thể, tinh thần đoàn kết phải được phát huy cao độ. Quan hệ cấp trên-cấp dưới, thầy-trò, đồng chí-đồng đội, quân-dân đúng mực, kính trọng, lễ phép, chân tình, tận tụy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân: Xây dựng gia đình hạnh phúc; sống khiêm tốn, giản dị, cởi mở, tự trọng và trung thực...


5 năm qua, Nhà trường đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng cho 35 đối tượng, 505 lớp với quân số: 20.859 đồng chí. Nhà trường tổ chức thi, kiểm tra, thi tốt nghiệp tổng số 1.587 lần, trong đó: 100% đạt yêu cầu, trên 89,4% khá.
Điểm nổi bật đó là, quá trình dạy và học, Nhà trường duy trì nghiêm việc “dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá thực chất”, nói không với những biểu hiện tiêu cực trong dạy và học. Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, giáo viên, học viên… luôn có động cơ phấn đấu đúng đắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm; tích cực tham gia hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, hiến máu tình nguyện; tích cực tham gia phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn. Doanh trại đơn vị được chỉnh trang, tu sửa ngày càng chính quy, xanh, sạch, đẹp…


Đặc biệt, thời gian gần đây thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao trong phòng, chống dịch Covid-19, Nhà trường đã làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là xác định tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đối với nhiệm vụ tiếp nhận cách ly công dân từ quốc gia có dịch trở về Việt Nam 2 đợt với trên 1.500 người. Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí nguy cơ lây nhiễm cao nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cán bộ, nhân viên Nhà trường đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, nhiều đồng chí còn xung phong nhận nhiệm vụ tiếp đợt 2, hoàn thành tốt nhiệm vụ, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân, được các cấp biểu dương khen thưởng.


PV: Để có được kết quả như vậy, Trường Quân sự đã có giải pháp cụ thể như thế nào?


Đại tá Đoàn Chí Thắng: Để phát huy nét đẹp của người chiến sĩ Thủ đô, Nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ:


Trước tiên, Nhà trường quán triệt và triển khai hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào thi đua dạy và học, huấn luyện, SSCĐ… và các cuộc vận động, các phong trào của Trung ương, địa phương. Cùng với đó là các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, qua đó có sức lan tỏa đến mọi quân nhân trong Nhà trường.


Thứ 2, kết hợp chặt chẽ giữa dạy học và xây dựng nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa sư phạm quân sự; tổ chức cho 100% cán bộ, chiến sĩ đăng ký thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử giữa đồng chí, đồng đội, tạo nét đẹp văn hóa trong mỗi quân nhân và tập thể quân nhân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo bầu không khí đoàn kết, thân ái, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ và nhân dân.


Thứ 3, thực hiện nghiêm xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, quy định của Nhà trường, đơn vị, lễ tiết tác phong quân nhân nhất là ứng xử văn hóa trong Nhà trường Quân đội.


Thứ 4, quan tâm đầu tư xây dựng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp. Hằng năm, Nhà trường huy động hàng nghìn ngày công của quân nhân (trong ngày nghỉ, giờ nghỉ) củng cố doanh trại; chỉnh trang, làm mới hệ thống bảng biển, pa nô, áp phích tuyên truyền cổ động, bồn hoa, cây cảnh...


PV: Theo đồng chí, việc phát huy nét đẹp văn hóa tại Nhà trường có tác động như thế nào trong việc dạy tốt, học tốt?


Đại tá Đoàn Chí Thắng: Phát huy nét đẹp văn hóa người Chiến sĩ Thủ đô có tác dụng rất tốt trong việc dạy tốt và học tốt, bởi vì: Giảng dạy và học tập là các quá trình truyền thụ và lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm và cả đạo đức, tác phong. Quá trình ấy có đạt được kết quả tốt đẹp hay không chính là cách ứng xử sư phạm có tốt hay không để tạo hưng phấn kích thích quá trình giảng dạy và học tập. Người giáo viên, học viên không chỉ thực hiện trách nhiệm giảng dạy, học tập theo chương trình đề ra mà còn phải biến yêu cầu, trách nhiệm ấy thành nhu cầu, đam mê, chiếm lĩnh tri thức của bản thân. Động viên thúc đẩy nhu cầu tự giáo dục của người học phát huy tính năng động sáng tạo; gắn kết gợi ý, giao thoa giữa người dạy và người học. Điều đó chỉ có thể thực hiện được thông qua việc phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp của người chiến sĩ Thủ đô trong tình hình mới.


PV: Thời gian tới, Nhà trường có phương hướng cụ thể như thế nào trong việc tiếp tục phát huy nét đẹp văn hóa người chiến sĩ Thủ đô? 


Đại tá Đoàn Chí Thắng: Nhà trường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội; tích cực đấu tranh với mọi biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa; tạo môi trường và điều kiện tốt nhất cho bộ đội tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong  Nhà trường.


Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong xây dựng môi trường văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những đơn vị làm tốt, mô hình hiệu quả để phát huy và nhân rộng; chấn chỉnh kịp thời những nơi làm chưa tốt,  những biểu hiện hình thức, hiệu quả thấp; đồng thời, phê phán nhận thức lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa.


Tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn hóa trong dạy và học; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các thiết chế văn hóa trong xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú; tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa; kết hợp “trên, dưới cùng lo”, bảo đảm tốt tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; thực sự là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong từng lĩnh vực đảm nhiệm, góp phần để đơn vị hoàn thành toàn diện các mặt công tác.


PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ