A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Hoài Đức: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN 

QPTĐ-Nằm ở phía Tây, cách trung tâm Thành phố khoảng 6km, huyện Hoài Đức có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ chung của Thủ đô; có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Đi cùng với đó là những khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN) nói riêng. Nhận thức rõ điều đó, phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng giáo dục QP-AN, những năm qua, Ban CHQS huyện Hoài Đức đã tham mưu cho huyện thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. 

Hội đồng Giáo dục QP-AN Thành phố kiểm tra nhận thức các thành viên Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện Hoài Đức.

Để thực hiện hiệu quả công tác này, trước hết, huyện coi trọng quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác giáo dục QP-AN cho cán bộ, đảng viên và toàn dân; trọng tâm là, Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”; Luật Giáo dục QP-AN, cùng các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục QP-AN Thành phố. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức, trách nhiệm và cụ thể hóa, xây dựng chủ trương, biện pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm của địa phương.

 Cùng với đó, huyện luôn quan tâm chỉ đạo kiện toàn Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp, bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần theo quy định; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và duy trì nghiêm túc nền nếp hoạt động. Ban CHQS huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho huyện xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc công tác này. Đặc biệt, cơ quan Quân sự huyện phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cùng cấp tham mưu cho Huyện thành lập Tổ giáo viên kiêm nhiệm (gồm cán bộ chủ chốt của lực lượng Quân sự, Công an, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, Ban Tuyên giáo Huyện ủy) làm nòng cốt trong giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. 

Trong triển khai thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, huyện thực hiện nghiêm túc và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh việc thường xuyên rà soát, cử cán bộ thuộc đối tượng 2, đối tượng 3 đi học các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do Thành phố và Bộ Tư lệnh tổ chức theo chỉ tiêu được giao, huyện còn tập trung làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 4. Thượng tá Hà Quang Trung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN huyện cho biết: Để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả thiết thực, Ban CHQS huyện phối hợp với các ban, ngành, Trung tâm bồi dưỡng chính trị xây dựng kế hoạch, phân loại đối tượng bồi dưỡng; tiến hành rà soát, lập danh sách bổ sung đối tượng 4, nhất là các trường hợp mới được bầu, mới được bổ nhiệm; cán bộ, đảng viên của các ban, ngành, đoàn thể cần phải bồi dưỡng… làm căn cứ xây dựng kế hoạch mở lớp. 

Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện còn chỉ đạo cơ quan Công an triển khai thực hiện nghiêm Thông tư số 05/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định về giáo dục QP-AN trong Công an nhân dân và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật cho công an các xã để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn mở lớp bồi dưỡng cho đảng viên ở cơ sở vào thời gian phù hợp với địa phương. Tính trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, toàn huyện đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 5.769 người thuộc đối tượng 3 và 4; giáo dục QP và AN cho 100% học sinh THPT trên địa bàn; 100% lực lượng DQTV, DBĐV được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự đúng theo chương trình, thời gian quy định. Thông qua bồi dưỡng kiến thức QP-AN, giúp các đối tượng nắm vững quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng, nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố QP-AN trên địa bàn. 

Cùng với đó, huyện chú trọng phổ biến kiến thức QP-AN cho toàn dân. Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa-Thể thao, Đài truyền thanh các xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Nội dung tập trung vào các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, củng cố QP-AN của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên; chính sách hậu phương quân đội; hoạt động của LLVT huyện. Cùng với đó, tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị; trong các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, Quân đội, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ… mang lại hiệu quả thiết thực.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm được rút ra, huyện Hoài Đức xác định tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP-AN, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ huyện vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Khánh Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ