Xã Chương Dương, huyện Thường Tín: Đoàn kết, đồng lòng xây dựng nông thôn mới
Trong Lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) năm 2016 của xã Chương Dương, đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Thường Tín phấn khởi cho biết: Trong số 54 xã được công nhận đạt chuẩn NTM vừa qua, Chương Dương là xã điển hình nhất. Không chỉ có số điểm cao mà xã còn được Tổ Công tác giúp việc Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đánh giá là một trong những xã mà chính quyền và nhân dân có sự đoàn kết, đồng lòng cao nhất trong phong trào xây dựng NTM.
Đường làng ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín được bê tông hóa khang trang, sạch, đẹp.
Được biết, trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Chương Dương có 3 tiêu chí đạt chuẩn. Sau 5 năm (2011-2016), bằng sự nỗ lực phấn đấu, xã Chương Dương đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Nhiều công trình thiết yếu được xây dựng, như trạm y tế xã, các phòng học, phòng chức năng của 3 nhà trường, với tổng kinh phí đầu tư hơn 35 tỷ đồng. Các tuyến đường giao thông nông thôn và 6 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài gần 2km được bê tông hóa với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tiếp cận với đề án 02 áp dụng cơ chế đặc thù, xã đã chỉ đạo thi công 56 tuyến đường giao thông thôn xóm với tổng chiều dài các công trình gần 7km. Ngoài việc đầu tư kinh phí của Thành phố và huyện, nhân dân trong xã đã đóng góp trên 2 ty đồng, 2.736 ngày công, hiến 112 m2 đất để làm đường xây dựng NTM.
Bà Dương Thị Tư ở thôn Chương Lộc cho biết: Còn nhớ, cách đây chỉ độ sáu, bảy năm trước, mỗi khi trời mưa thì đường làng ở Chương Dương lầy lội, nhiều chỗ như vũng trâu đằm. Xe đạp, xe máy nhiều khi không đi được mà phải xuống dắt bộ. Cũng vì đường đất nên vào vụ thu hoạch hoa màu của bà con rất vất vả. Bắp cải, su hào cắt từ ruộng lên cho vào sọt, đưa lên xe thồ phải mất vài tiếng đồng hồ mới lên được chợ huyện. Nay thì đường bê tông, xe máy, ô tô chạy bon bon. Tối đến, bất cứ con đường nào dù lớn, nhỏ đều được lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Điện sáng từ trong làng ra đến bờ đê sông Hồng. Người dân có thể tản bộ trên đường, vừa thể dục, thể thao và trò chuyện rôm rả xóm làng. Từ ngày có điện đường, các tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn.
Một trong những điểm nổi bật ở Chương Dương đó là toàn dân đoàn kết, đồng thuận trong xây dựng NTM, nhất là công tác dồn điền đổi thửa. Có thể nói, đây là một “cuộc cách mạng” giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Làm nông thì ai cũng muốn ruộng nhà mình ở gần đường, gần nước, thuận tiện chăm sóc và thu hoạch. Nhưng khi nghe những phân tích của lãnh đạo xã, cán bộ thôn trong các cuộc họp, hầu hết người dân nơi đây đều đồng tình và vào cuộc thực hiện nhanh chóng. Và kết quả sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, mỗi hộ gia đình chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng. Người dân không mất thời gian làm nhiều mảnh ruộng nhỏ lẻ mà tập trung sản xuất trên mảnh ruộng lớn. Việc điều tiết nước, theo dõi phòng trừ sâu bệnh, thời gian chăm sóc, thu hoạch cũng trở nên thuận lợi hơn.
Bây giờ, đến Chương Dương nhìn đâu cũng thấy đẹp. Những ngôi nhà khang sang được xây dựng kiên cố. Đường sá quy hoạch gọn gàng, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khiến bức tranh quê hương vừa hiện đại vừa tràn đầy sức sống. Nhưng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM không phải là đích đến cuối cùng mà Chương Dương phải tiếp tục phát triển như lời Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín phát biểu trong Lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới: Phát huy kết quả đạt được, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao hơn nữa chất lượng của các tiêu trí NTM; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phấn đấu thu nhập của người dân cao hơn nữa; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.
P.Linh