A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vững vàng hậu phương lính đảo

 

QPTĐ-Xuân Kỷ Hợi chuẩn bị gõ cửa đến mọi nhà. Một cái Tết nữa lại đến trong niềm vui sum họp. Nhưng cũng có biết bao người vợ của lính đảo nhiều năm phải đón Tết trong cảnh vắng trụ cột của gia đình. Niềm vui ngày Tết của họ chưa trọn vẹn nhưng các chị vẫn vững tâm, thủy chung một lòng, từng ngày vun vén hạnh phúc gia đình, là điểm tựa để các anh thêm chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.

 

 

Ban CHQS xã Đồng Tháp thăm, động viên gia đình Đại úy QNCN Đỗ Văn Hải.

 

Một chiều cuối năm 2018, chúng tôi có dịp về xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng thăm gia đình chị Lê Thị Phương Thùy (sinh năm 1981), vợ Đại úy QNCN Đỗ Văn Hải, Nhân viên Ban Kỹ thuật, Đảo Nam Yết, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng anh chị nằm sâu trong ngõ thuộc đội 4, thôn Bãi Tháp. Đang cùng 2 con dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết, thấy khách, chị Thùy dừng tay vui vẻ đón tiếp. Bên chén trà ấm giữa chiều Đông giá lạnh, trò chuyện với chị, chúng tôi được nghe chị chia sẻ về mối lương duyên của mình cũng như nỗi niềm của người vợ lính đảo. 

 


Đại úy QNCN Đỗ Văn Hải, sinh năm 1973, nhập ngũ năm 1992. Năm 2003, trong một chuyến về phép, anh đã quen và đem lòng yêu Thùy, cô gái cùng xã bán hàng ở cạnh nhà mình. Lúc đó, Thùy có nhiều chàng trai đeo đuổi nhưng chị chưa thật sự yêu ai. Lần đầu gặp gỡ, Thùy ấn tượng bởi vẻ ngoài của anh. Dáng người to khỏe, phong trần, nụ cười thân thiện, làn da rám nắng. Về nghỉ phép nhưng ngày nào anh cũng chăm chỉ ra đồng làm việc giúp đỡ bố, mẹ. Gần hai năm anh chị hẹn hò tìm hiểu, tình yêu lớn lên trong sự cảm thông, chia sẻ. Năm 2005, anh chị xin phép gia đình, đơn vị tổ chức đám cưới. Sau tuần trăng mật ngắn ngủi, Hải trả phép và được đơn vị phân công ra Trường Sa làm nhiệm vụ. 


Những ngày xa chồng, Thùy mới thấu hiểu hết những khó khăn. Không chỉ là sự cô đơn, trống vắng mà còn là nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Thùy không có công việc ổn định nên mọi chi tiêu trong gia đình đều trông vào đồng lương của anh. Nghĩ vậy, chị kiếm việc làm thêm và tích cực trông nom ruộng, vườn của gia đình. Chị tâm sự: “Thời chiến, nhiều phụ nữ âm thầm chịu đựng, hy sinh, mất mát to lớn khi có chồng là bộ đội. Chiến tranh làm nhiều người trong số họ trở thành “vợ góa, con côi”. Cũng có người trở thành vợ của thương binh nặng để bù đắp sự mất mát lớn lao mà các anh đã cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc. Họ chịu thiệt thòi hơn tôi nhiều. Vì tình yêu dành cho anh, tôi tự nhủ sẽ luôn là hậu phương vững chắc, là chỗ dựa tinh thần để anh chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió, kiên cường bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.


Gần 14 năm chung sống, anh chị có với nhau hai mặt con, đủ nếp tẻ. Cháu đầu là Đỗ Ngọc Hương Ly, 13 tuổi, học lớp 7; cháu thứ 2 là Đỗ Ngọc Hải Đăng, 8 tuổi, học lớp 3. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, vâng lời mẹ. Anh Hải công tác ngoài Trường Sa, chị Thùy đã quen với cuộc sống một mình tự lo liệu tất cả mọi việc và chăm sóc con cái khi chồng vắng nhà. Chị vẫn thường làm những công việc gia đình vốn dĩ của “phái mạnh” như: Sửa điện, sửa bàn ghế bị hỏng, lợp lại mái ngói hay làm mâm cỗ ngày Tết, thay anh đi tảo mộ cuối năm, cúng Giao thừa, đi chúc Tết hai bên nội, ngoại. Chị cho biết: “Làm vợ anh đã được 14 năm thì có 9 năm liền đón Tết vắng chồng. Do đặc thù công việc của người lính biển nên mỗi năm anh chỉ được về thăm nhà một lần, có khi là 2 năm. Khi tôi sinh hai cháu, anh không có ở bên, khi mẹ anh mất, vì nhiệm vụ, anh cũng không về được. Tôi thấy thương anh nhiều hơn”.


Nhưng chính niềm tin và sự sẻ chia đã làm cho tình cảm vợ chồng anh chị thêm bền chặt và càng trân trọng hơn những giây phút được ở bên nhau. Giữa năm 2015, khi anh Hải đang công tác ở đảo Trường Sa Lớn, chị Thùy được Quân chủng Hải quân tạo điều kiện tham gia Đoàn thân nhân cán bộ, chiến sĩ ra thăm quần đảo Trường Sa. Lần ấy, anh chị ở bên nhau được 6 ngày, rồi chị lại cùng Đoàn trở về đất liền. Chị bảo có đi biển mới thấy hết gian khổ của những người đang làm nhiệm vụ giữ đảo. Chị hiểu, công việc của anh và càng tự hào hơn khi được làm vợ bộ đội Trường Sa. 


Ngoài việc nuôi dạy hai con, chị Thùy còn chăm sóc bố chồng 83 tuổi bị tai biến, nằm một chỗ gần 2 năm nay (Ông cụ mới mất dịp Tết Dương lịch vừa qua). Mẹ con chị vẫn luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tặng quà của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể mỗi khi có công việc hay vào những dịp lễ, tết. Nhớ chồng, 3 mẹ con chị lại gọi điện để nghe anh kể những câu chuyện về cuộc sống, công việc của người lính đảo và cũng để thông báo tình hình người thân trong nhà. Ba mẹ con vẫn luôn động viên tinh thần, nhắc anh giữ gìn sức khỏe, sát cánh cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 


- Lấy chồng bộ đội, nhất là bộ đội Trường Sa, vất vả là thế, nếu được chọn lại, chị có dám yêu và lấy chồng bộ đội Trường Sa nữa không?-Tôi hỏi. 


Chị cười hiền hậu: 
- Em vẫn chọn ạ! 


Chia sẻ của chị Thùy giúp chúng tôi hiểu thêm về những khó khăn hàng ngày của người vợ lính thời bình. Chính sự nỗ lực, cố gắng của chị đã giúp Đại úy QNCN Đỗ Văn Hải thêm vững vàng nơi đảo xa. Chia tay mẹ con chị Thùy, tôi lại nhớ tới những lời thơ trong bài thơ “Mùa Xuân lính biển” của tác giả Phạm Thị Xuân Oanh, ngợi ca đức hy sinh trong tình yêu của những người lính đảo. Tình yêu của họ chỉ biết có niềm tin, sự thủy chung, son sắt nhưng lại được đặt trong tình yêu lớn lao là tình yêu Tổ quốc: “Có những mùa Xuân vắng mai đào khoe sắc/ Súng trên vai mắt đau đáu xa bờ/ Én gọi xôn xao nghe lòng quay quắt/ Cái Tết xa nhà chập choạng trong mơ… Có những mùa Xuân ta chẳng gần nhau/ Em và anh nối đôi bờ biển rộng/ Chỉ có niềm tin cho tình yêu nương náu/ Em giữ bờ, anh giữ biển mênh mông”.

 

Hữu Thu

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ