A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của người lính Bộ đội Cụ Hồ-Bài 1: Gặp người “mở mắt” trong trận đánh B-52

 

QPTĐ-Cách đây 46 năm, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng lực lượng phòng không, không quân quốc gia đã làm nên bản anh hùng ca vang dội địa cầu “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã tiêu diệt 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B-52, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam ngày 27/1/1973. Hoà chung không khí kỷ niệm 46 năm “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với một nhân chứng lịch sử mà chính ông đã góp một phần không nhỏ làm nên kỳ tích này. Đó là Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361.

 

 

Đại tá Đinh Thế Văn kể về những năm tháng chiến đấu không thể nào quên.

 

Người “mở mắt” trong trận đánh B-52


Tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không-Không quân hiện vẫn còn tài liệu ghi lại cách đánh B-52 của quân-dân ta, trong đó có phần nói về cách đánh độc đáo của Đinh Thế Văn-“vượt nửa góc”. Nếu so với lối đánh được huấn luyện rất kỹ từ trước-“bắn ba điểm” thì đánh “vượt nửa góc”, do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ đạo thực hiện nguy hiểm nhưng hiệu quả hơn; chỉ cần ta không tắt sóng ra-đa kịp thời, các trắc thủ không thao tác nhanh gọn, dứt điểm, đặc biệt là toàn đội không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ thì máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa ngay tức thì. 


Chính vì nắm được quy luật nên Tiểu đoàn đánh 18 trận thì 14 trận bắt được mục tiêu; 10 trận hoàn toàn đưa khí tài vào tự động nên xác suất đạt 98%; làm nên “Trận địa Chèm huyền thoại”. Tiểu đoàn trở thành một trong hai đơn vị Phòng không bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất của Quân chủng; được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Đại tá Đinh Thế Văn cũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau đó cũng đã có mặt tại trận địa Chèm để nghe Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn báo cáo cách đánh B-52 khá kỳ lạ ấy. 


Ông hồi tưởng: Năm 1971, tôi từ Tiểu đoàn phó lên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77. Khi ấy, Tiểu đoàn đóng quân tại Chèm (từ đầu năm 1971 đến cuối 1972), với nhiệm vụ đón đánh máy bay Mỹ từ hướng Tây Bắc. Đánh B-52, ta có sự chuẩn bị rất công phu, không kể ngày đêm. Trước khi bước vào chiến dịch, các trắc thủ của đơn vị đã được huấn luyện rất bài bản cách xác định dải nhiễu của B-52; có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn, chúng tôi thề với nhau “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.


Để bảo vệ “pháo đài bay” B-52, Mỹ đã nghĩ ra đủ biện pháp nhằm “bịt mắt” bộ đội tên lửa-đối thủ chính của B-52. Mỗi chiếc B-52 có từ 9-15 máy gây nhiễu điện tử… nhằm "bịt mắt" các loại radar của ta. Đặc biệt, đi kèm B-52 là các loại máy bay hộ tống, vừa giả dạng B-52 hòng nhử tên lửa ta phát sóng, để phóng tên lửa diệt radar.


Việc phân biệt B-52 thật, B-52 giả rất khó khăn nhưng do chúng tôi nắm rất chắc đặc tính kỹ, chiến thuật của các loại máy bay địch; điểm mạnh, yếu của B-52 nên có thể nhận ra chúng ngay, dù chúng có mưu mô, thủ đoạn đến đâu. Vì các loại F giả dạng hầu hết chỉ bay được ở độ cao 8.000m trở xuống, hiếm khi chúng leo lên hoạt động ở độ cao thường thấy của B-52 là 10km. Chúng không bao giờ bay dưới tầm ném bom của B-52 mà thường bay trước, thoát ly khi B-52 vào tầm cắt bom. Để phân biệt, chúng tôi kiểm tra chúng bằng cách phát lệnh điều khiển giả, khi bọn F thấy có tín hiệu điều khiển đạn, chúng thường nhanh chóng cơ động và như thế “quân bài” B-52 bị lộ.


Đại tá Đinh Thế Văn bồi hồi: Nếu đánh nhau, chỉ có dũng cảm không thôi, không đánh được giặc, mà phải có một trí thông minh; phải dám đánh và quyết đánh, cộng với truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm.


16giờ 30 phút, ngày 18-12-1972, đơn vị được thông báo sẽ có máy bay đánh vào Hà Nội. Khi đó trên màn hình hiện sóng Vi Co chưa có gì. 18 giờ 50, lệnh từ Sở chỉ huy cho vào cấp 1. Tiểu đoàn bắt đầu mở máy thu nhiễu, các màn hiện sóng nhiễu trắng xoá, thông tin nối với Trung đoàn nghe cũng rất nhỏ. Chỉ có mạng của FA của Sư đoàn còn nghe được; trên thông báo nhiều tốp B-52 đang bay vào Hà Nội. Các đơn vị chú ý tên lửa tập trung đánh B-52, cao xạ đánh máy bay F, chú ý nhiễu B-52 giả…


23 giờ 09, Tiểu đoàn nghiên cứu dải nhiễu B-52 có tham số nhỏ trên hướng 320 độ, Trung đoàn cho phép bắn. Đến cự ly 35km, mục tiêu ngày càng rõ, đến cự ly 32, Tiểu đoàn phóng 2 tên lửa, đạn điều khiển tốt, cho tự động cả 3 màn, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 23km, cả hai tên lửa đều nổ tốt. Trắc thủ TZK báo cáo mục tiêu B-52 cháy to, đồng thời trên màn hình  hiện sóng lúc đó, trắc thủ góc tà báo mục tiêu hạ thấp độ cao, nhiễu giảm nhiều và tản ra. Trên thông báo B-52 rơi tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. “Chưa bắn được B-52 thì lo (chỉ trong 2 tháng tôi trên cương vị của mình sút 2kg) nhưng khi làm được điều đó, chúng tôi vỡ oà vì sung sướng, đời tôi chưa bao giờ được hạnh phúc như phút giây này. Tôi phải cảm ơn cấp trên đã bố trí cho Tiểu đoàn đón đúng lõng B-52”-Đại tá Đinh Thế Văn nhấn mạnh.
Thời điểm đó, Chính uỷ Sư đoàn đã nói trên mạng FA: Cậu Văn đã “mở mắt” rồi, các chú cứ mạnh dạn đánh. Lời nói đó là động lực để mọi người tiếp tục bước vào trận đánh mới với khí thế mới. Tiểu đoàn không chỉ  “bắt” được, phát sóng được và vẫn tránh được Sơ-rai, đánh thành công bằng phương pháp PS.


Tới đêm thứ 3, tức đêm 20 và rạng sáng 21 tháng 12, chúng tôi bắn rơi được 3 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, 1 chiếc rơi ở Ba Vì. Đêm đó là rạng rỡ nhất của Tiểu đoàn 77, đồng thời cũng là oanh liệt nhất của quân và dân Hà Nội. Chính đêm đó, đế quốc Mỹ đã không còn hy vọng đánh B-52 nhưng để gỡ uy thế chính trị của mình nên chúng tiếp tục đánh…

Câu chuyện về người Đại tá già


Đến đầu làng thôn Đào Thục, chỉ cần hỏi nhà của Đại tá Đinh Thế Văn thì ai cũng biết. Họ biết ông không chỉ là người từng bắn rơi B-52, có lối sống giản dị, mẫu mực, trách nhiệm với bà con, lối xóm, mà còn quý mến bởi ông là nhân vật có đóng góp rất lớn cho việc duy trì và phát triển nghề tổ của làng có từ bao đời nay-Rối nước. 


Sinh ra và lớn lên tại  thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, năm 1953 giặc Pháp bố ráp dữ dội nên ông và gia đình sơ tán ra vùng tự do ở huyện Yên Thế, Bắc Giang. Cũng thời điểm đó, có đợt tuyển bộ đội, chàng trai trẻ Đinh Thế Văn mới 16 tuổi đã hăng hái tham gia nhưng không trúng tuyển vì chỉ nặng 38 kg, chiều cao cũng không đạt tiêu chuẩn. Đến tháng 2-1954, lúc này, mặt trận đang tràn ngập không khí chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nên ta có đợt tuyển thanh niên xung phong. Ông lại đăng ký và được tuyển vào Đại đội 268 chuyên đốt mìn phá đá, làm đường. Ở đây được một tháng, đơn vị được chuyển biên chế sang quân đội nhưng riêng ông không đủ cân nặng và chiều cao nên không được chuyển. 


Mặc dù Chỉ huy đơn vị động viên ông ở lại học tập nhưng khi đơn vị đi được 1km, thấy ông chạy theo năn nỉ, cuối cùng chỉ huy đơn vị đã chấp thuận để ông được vào bộ đội-Đại đội 268, Tiểu đoàn 531, Sư đoàn 312. Ngay sau khi nhập ngũ, ông được huấn luyện xạ kích bộ binh một tháng, sau đó tham gia đánh Điện Biên Phủ, bổ sung vào khẩu đội 12,7mm phòng không để bảo vệ bộ binh và hoạt động tiếp tế huyết mạch cho chiến trường, với vai trò là Chiến sĩ quan sát. Cả đơn vị bắn được 15 máy bay BA-Vanh xit, BA-Vanh cat… của địch lúc bấy giờ. 


“Đánh xong Điện Biên Phủ, tôi chuyển về Trung đoàn 250, Sư đoàn 367. Tôi được ở lại ngành thông tin, học hết Trung cấp Thông tin vô tuyến, tôi chuyển ngành sang Công ty Supe Phốt phát và hoá chất Lâm Thao, hoàn thiện hết Trung cấp hoá, sau chuyển vào học Đại học Bách Khoa. Đang học tại đây, có lệnh tái ngũ, tôi được tuyển ngay vào Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, với cương vị Sỹ quan điều khiển. Ngay sau đó, chúng tôi tiêu diệt được 5 máy bay ban đêm, ở độ cao rất thấp. 


Từ là anh chiến sĩ 12,7mm, rồi Trạm trưởng Trạm Phát của Quân chủng Phòng không, vào Tên lửa, đầu tiên là Sỹ quan điều khiển, sau đó trải qua các cương vị Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, năm 1973, ông được bổ nhiệm giữ chức Tham mưu trưởng Sư đoàn; Trưởng ban huấn luyện Chiến dịch của Quân chủng Phòng không (1980-1981); Chuyên viên tại Phòng Tác chiến của Bộ Quốc phòng. Ở cương vị nào ông cũng góp phần tạo nên những chiến công vang dội, được cấp trên đánh giá cao. Tháng 10-1989, Đại tá Đinh Thế Văn về nghỉ hưu.  


Về với đời thường, Đại tá Đinh Thế Văn không nghỉ mà tích cực tham gia công tác xã hội: Chủ tịch Hội khuyến học, đặc biệt, ông là người có công lớn trong việc vực múa rối nước truyền thống của làng Đào Thục, hoạt động mạnh mẽ cho tới bây giờ. 


T.Hiền-V.Thể-T.Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ