A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung đoàn Thủ đô: Mưu trí, dũng cảm, giam chân địch 60 ngày đêm trong thành phố

 

QPTĐ-Thời gian càng lùi xa, song chiến công bám trụ trong lòng thành phố suốt 60 ngày đêm của Trung đoàn Thủ đô mãi sáng chói, tiêu biểu cho chiến tranh toàn dân, toàn diện của dân tộc, với  truyền thống bất khuất, không ngại  hy sinh gian khổ, để đổi lại tư do, ấm no, hạnh phúc. Qua 60 ngày đêm chiến đấu, LLVT Thủ đô trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy giao cho và viết lên bản hùng ca bất tử.

 

 

Các chiến sĩ Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô chiến đấu trong những ngày Toàn quốc kháng chiến.      

Ảnh tư liệu

 

Tiểu đoàn 101 sau các cuộc chiến đấu tại Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn, Nhà đèn Bờ Hồ, Tòa Thị chính rút về khu vực phố Hàng Bè, sau đó được Ủy ban Kháng chiến Liên khu 1 chấn chỉnh về tổ chức. Các đại đội thuộc Tiểu đoàn 101 được phân công về làm nòng cốt cùng tự vệ và phân khu còn lại của Liên khu là Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức chiến đấu trên địa bàn của mình. Theo quy định, Ủy ban Kháng chiến các phân khu thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang của phân khu. Song do bận nhiều việc của một cơ quan chính quyền trong tổ chức phục vụ chiến đấu, lo việc tản cư nhân dân nên việc chỉ đạo tác chiến gặp nhiều khó khăn. Ủy ban Kháng chiến các Phân khu, kể cả cấp Liên khu, không phối hợp được hoạt động của các lực lượng chiến đấu, không thống nhất được sự chỉ đạo và chỉ huy nên hiệu quả chiến đấu bị hạn chế. Từ thực tế đó, chủ trương hợp nhất các lực lượng vũ trang để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy, dần dần hình thành.


Ngày 25/12/1946, Ủy ban Kháng chiến Liên khu họp và quyết định hợp nhất LLVT cả chủ lực và tự vệ tại mỗi phân khu thành một tiểu đoàn. Trên cơ sở hình thành các Tiểu đoàn 101, 102, 103, Ủy ban Kháng chiến Liên khu 1 đề nghị Khu ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu 11 cho phép thành lập Trung đoàn Liên khu 1 để tập trung chỉ huy tác chiến. Bộ Chỉ huy Chiến khu 11 chấp thuận việc thành lập Trung đoàn Liên khu 1, chỉ định đồng chí Hoàng Siêu Hải, cán bộ Vệ quốc đoàn làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Trung Toản, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu 1 làm Chính trị viên. Đồng chí Hoàng Phương, cán bộ Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, được Liên khu ủy và Ủy ban Kháng chiến Liên khu chỉ định làm Tham mưu trưởng và tham gia Ban chỉ huy Trung đoàn. Các cơ quan trực thuộc có Ban Tham mưu, Ban Tuyên truyền, Ban Quản lý, Ban Y tế… Bệnh xá của Trung đoàn đặt tại hiệu buôn Nam Long, phố Hàng Buồm. Trung đoàn còn tổ chức một xưởng sửa chữa vũ khí. 


Ngày 6-1-1947, Lễ thành lập Trung đoàn Liên khu 1 được tổ chức trọng thể tại Tòa soạn báo Lao động, số 51 phố Hàng Bồ. Đây là Trung đoàn thành lập đầu tiên trong khói lửa của cuộc kháng chiến, biểu hiện sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên khu 1 nói riêng và Thủ đô nói chung. Lực lượng nòng cốt để thành lập Trung đoàn thực ra chỉ có 2 Đại đội vệ quốc đoàn của Tiểu đoàn 101 cũ. Lực lượng bổ sung phần lớn là tự vệ, công an xung phong và rất nhiều dân thường tình nguyện… Tin Trung đoàn Liên khu 1 ra đời bay ra ngoài hậu phương rất nhanh. Hội nghị quân sự toàn quốc họp ngày 12/01/1947, tại Chúc Sơn (Chương Mỹ), sau khi nghe báo cáo tình hình chiến đấu của các địa phương và Thủ đô từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Hội nghị biểu dương tinh thần chiến đấu của quân và dân cả nước, đồng thời, quyết định tặng Trung đoàn Liên khu 1 của Hà Nội danh hiệu Trung đoàn Thủ đô.


Kể từ khi ra đời và chiến đấu ngoan cường trong suốt 60 ngày đêm, đợt chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội đã kết thúc thắng lợi. Trong 60 ngày đêm đánh địch. Lực lượng vũ trang Thủ đô đạt được những thành tích to lớn, góp phần rất quan trọng chặn đánh quân địch, bảo vệ cơ quan Trung ương, Chính phủ, các đoàn thể và cơ quan của thành phố rút ra ngoài được an toàn. Đồng thời, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 2.000 địch, phá hỏng 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng 7 máy bay địch, bắn chìm 2 ca nô, thực hiện tốt mục tiêu, tiêu hao, tiêu diệt lớn lực lượng tinh nhuệ của địch. Đó là một kết quả đáng tự hào khi mở đầu kháng chiến, trong thời điểm LLVT mới thành lập, chưa có kinh nghiệm tác chiến.


LLVT Thủ đô giam chân địch được 60 ngày đêm, vượt mức yêu cầu trên giao, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian chuẩn bị bước vào kháng chiến lâu dài. Riêng Trung đoàn Thủ đô hy sinh 160 người. Sau 60 ngày đêm chiến đấu, LLVT Thủ đô đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Từ 5 Tiểu đoàn chủ lực đã phát triển thành 1 Trung đoàn và 7 Tiểu đoàn chủ lực. LLVT Thủ đô từ bộ đội chủ lực tới dân quân tự vệ đều được thử thách trong khói lửa.


Ngày 18-2-1947, Trung đoàn đã nhận được bức thư động viên của đồng chí Võ Nguyên Giáp như sau: “Các cấp chỉ huy. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Tôi thay mặt toàn thể Quân đội quốc gia Việt Nam hoan nghênh tinh thần anh dũng của các chiến sĩ. Các chiến sĩ đã chiến đấu 2 tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam. 


Các chiến sĩ lại mở được đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo toàn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần.


Cho đến ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất.
Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm Thủ đô một nước độc lập, thống nhất.
Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù.
Muôn năm, tinh thần oanh liệt của Thủ đô!
Muôn năm, tinh thần trung dũng của Trung đoàn Thủ đô!”.


Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ