A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác chăm lo người có công với cách mạng

 

QPTĐ-Hòa cùng không khí đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019, huyện Đan Phượng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo Tết cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Đây không đơn thuần chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là truyền thống, đạo lý “uống nước,nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.

 

 

Bà Bùi Thị Hợi (ngoài cùng bên trái) chia sẻ niềm vui có căn nhà mới với bà con lối xóm.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Bùi Thị Hợi (nạn nhân nhiễm chất độc hóa học), xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng vào một ngày cuối năm. Bà Bùi Thị Hợi, sinh năm 1953, tham gia tổng động viên năm 1975, đến năm 1978 thì về phục viên. Trong thời gian tham gia kháng chiến, bà làm công tác hậu cần thuộc Đoàn 702, Tây Nguyên. Những khu vực đơn vị bà làm nhiệm vụ là vùng bị nhiễm chất độc hóa học, cây chết khô trắng cả vùng. Hiện tại, bà Hợi là hộ độc thân, bản thân thường đau ốm. Ngôi nhà cấp 4 của bà đã xuống cấp.

 

Cuối năm 2017, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, Hội Chữ thập đỏ xã đã đảm nhận xây dựng cho bà căn nhà với tổng số tiền 86 triệu đồng (trong đó nguồn của Thành phố và huyện là 70 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ xã là 16 triệu đồng). Đón khách trong căn nhà mới khang trang, rộng rãi, bà Hợi phấn khởi chia sẻ: “Nhờ được Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ xây cho ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, tôi thật sự biết ơn. Trước đây, ngôi nhà này là nhà cấp 4, xây bằng vôi nên cũ nứt hết, mùa mưa thì ngập lụt và dột khắp nhà. Tết này có nhà mới sạch đẹp, được bà con hàng xóm sang thăm, động viên, tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền”.  


Hiện tại, huyện Đan Phượng có 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, hơn 2.000 gia đình liệt sĩ, 1.154 thương, bệnh binh, 250 người nhiễm chất độc hóa học, 601 cán bộ quân đội nghỉ hưu trên địa bàn… Để thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, Ban CHQS huyện đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác này. Các ngành, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động với nhiều hình thức như giúp đỡ gia đình chính sách neo đơn, ốm đau, bệnh tật; giúp đỡ, động viên gia đình chính sách bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó mà đến nay, trên địa bàn không còn hộ nghèo trong diện chính sách, mức sống của các gia đình chính sách đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.


Trao đổi về nội dung này, Thượng tá Phạm Văn Dũng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đan Phượng cho biết: Thực hiện chính sách người có công trên địa bàn, nhất là chính sách hậu phương quân đội, Ban CHQS huyện đã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện triển khai đầy đủ các hoạt động đối với chính sách người có công cũng như chính sách hậu phương quân đội đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Năm 2018, Ban CHQS huyện phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện và Bệnh viện Quân y 105 tổ chức thăm hỏi, tặng quà và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.823 đối tượng chính sách trên địa bàn, với tổng số tiền trên 450 triệu đồng; phối hợp thực hiện công tác xây và sửa nhà cho 230 hộ nghèo trên địa bàn, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (trong đó LLVT huyện đóng góp 20 triệu đồng, hỗ trợ 2 nhà). Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện tích cực tham gia ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Phòng chống lụt bão”… do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và huyện phát động. Đặc biệt, chuẩn bị cho Tết Kỷ Hợi 2019, chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, nhất là với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn, bảo đảm đúng, đủ, tận tình, chu đáo.


Trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, huyện luôn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở các xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương. Đặc biệt trong thực hiện các quy định về xét duyệt thủ tục hồ sơ cho các đối tượng chính sách được hưởng theo các Quyết định 290, 142, 62 và Quyết định số 49 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, công khai, không để xảy ra tiêu cực. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã tổ chức chi trả cho 1.967 đối tượng theo Quyết định số 290, với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng; chi trả cho 4.536 đối tượng theo Quyết định số 142, với tổng số tiền trên 18,5 tỷ đồng; 3.557 đối tượng theo Quyết định số 62, với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng và 645 đối tượng theo Quyết định 49, với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng.

 

Những việc làm đó đã thể hiện lòng tri ân và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách của huyện nói chung và của Ban CHQS huyện nói riêng với những người có công với đất nước, từ đó tạo được lòng tin trong nhân dân. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động với nhiều hình thức giúp đỡ gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống như giúp đỡ gia đình neo đơn, đau ốm, bệnh tật, trong lao động sản xuất, giúp họ giảm đi những khó khăn trong cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị-xã hội ở địa phương.


Một mùa Xuân mới đã về.  Cùng với toàn dân hân hoan đón Tết, những việc làm ý nghĩa, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Đan Phượng đã góp phần làm vơi đi những thiệt thòi và mất mát của các gia đình chính sách, giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống, đồng thời, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

 

Hà Anh-Văn Thể

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ