A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người Hà Nội bắn rơi máy bay tại hồ Hữu Tiệp

 

QPTĐ-Khi nhắc đến “hồ B52”, hay còn gọi là hồ Hữu Tiệp, thuộc làng Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, có lẽ không chỉ người dân Thủ đô mà rất nhiều khách nước ngoài từng biết đến. Bởi nơi đây đã ghi dấu chiến công xuất sắc của quân và dân Thủ đô trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, khi bắn hạ máy bay B52-một loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, vốn được mệnh danh là “pháo đài bay bất khả xâm phạm” của không lực Hoa Kỳ. Và một trong những người làm nên kỳ tích ấy, chúng tôi muốn nói tới Trắc thủ Nguyễn Đức Chiêu, sinh năm 1950, nguyên là Trắc thủ góc tà, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363-một người Hà Nội bắn rơi máy bay B52 tại Hà Nội.

 

 

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Chiêu ôn lại những năm tháng chiến đấu không thể nào quên. 

 

Một chiều Hà Nội mưa rét. Cái lạnh như càng cứa thêm vào da nhưng do hẹn trước với bác Chiêu và những người đồng đội tại nhà riêng của bác-số 34, ngõ 180, Trần Duy Hưng nên chúng tôi vẫn có mặt đúng giờ. Nhâm nhi cốc trà ấm nóng trên tay, bác Chiêu chậm rãi kể cho chúng tôi câu chuyện của 46 năm trước, với chiến tích không thể nào quên.


Bác Chiêu bồi hồi: “Ngày 18/12/1972, Mỹ bắt đầu cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội. Chiều 21/12/1972, Tiểu đoàn 72 được lệnh cơ động từ Hải Phòng lên tăng cường cho Sư đoàn 361 triển khai chiến đấu tại trận địa cánh đồng Đại Chu, Phong Châu, huyện Yên Phong, Hà Bắc (nay thuộc Bắc Ninh). Cả đơn vị thu hồi khí tài, gấp rút hành quân.

 

Chiều 25/12/1972, đơn vị đã vượt 200km có mặt tại vị trí, triển khai chiếm lĩnh trận địa. Đây là trận địa có công sự bằng đất, nằm ở phía Bắc Hà Nội, trên hướng chủ yếu của Sư đoàn phòng không 361. Sáng 26/12/1972, Tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu ở hướng Đông Bắc, Hà Nội. Tiểu đoàn là đơn vị có sở trường đánh các máy bay của không quân, hải quân mang nhiễu xung trả lời. Đêm 27/12/1972, địch dùng 54 lần chiếc B52, có 66 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm trợ tập trung đánh vào khu vực Đông Anh, Yên Viên, Bạch Mai, Văn Điển, Khuyến Lương, Đa Phúc, Dục Nội, Cổ Loa.


22 giờ 20 phút, Tiểu đoàn vào cấp 1 xong. Sau khi kiểm tra chức năng, khí tài sẵn sàng chiến đấu, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng mở máy thu kiểm tra nhiễu ở hướng Tây Nam, Tây Bắc, Bắc, có nhiều dải nhiễu tạp. Sau khi quan sát dải nhiễu xác định khả năng là tốp máy bay B52, Tiểu đoàn báo cáo tình hình nhiễu về sở chỉ huy Trung đoàn.


22 giờ 52 phút, Tiểu đoàn nhận được lệnh của Trung đoàn giao nhiệm vụ tiêu diệt tốp máy bay B52 mang số hiệu 491, từ hướng Tây Nam đang đánh vào Hà Nội. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt lệnh cho sĩ quan điều khiển và kíp trắc thủ Nguyễn Văn Tuyền, tôi (trắc thủ góc tà), Trương Đăng Khoa sục sạo phát hiện mục tiêu nhưng không thấy, chỉ xác định dải nhiễu đậm đặc ở phương vị 195 độ. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho kíp trắc thủ chọn dải và thống nhất dải nhiễu; sau khi thống nhất dải nhiễu ở phương vị 195 độ, xác định phần tử ổn định, Tiểu đoàn trưởng đối chiếu tốp mục tiêu kíp trắc thủ đang bám sát chính là tốp máy bay B52, mang ký hiệu 491, được Trung đoàn giao nhiệm vụ nên nhanh chóng hạ lệnh: Phóng 2 đạn, góc tà 280, phương vị 198, phương pháp điều khiển 3 điểm, ngòi nổ 11 giây chậm, bám sát bằng tay.


Kíp trắc thủ bám chính xác vào giữa hai dải nhiễu đậm mịn. Hai quả đạn nổ tốt, quả 1 gặp mục tiêu ở cự ly 34km, phương vị 203 độ; quả 2 gặp mục tiêu nổ ở cư ly 32km, phương vị 205 độ. Sĩ quan điều khiển báo cáo mục tiêu bị tiêu diệt. Trắc thủ quang học quan sát và báo cáo B52 cháy, rơi về phía Hà Nội. Mất dải nhiễu. Chiếc B52 nằm trong tốp 491 chưa kịp cắt bom đã trúng đạn, bốc cháy rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà, đường Hoàng Hoa Thám, nội thành Hà Nội, lúc 23 giờ 3 phút. Đây là chiếc máy bay B52 duy nhất bị bắn rơi khi giặc lái chưa kịp cắt bom trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 và cũng là chiếc máy bay B52 thứ 2 bị bắn rơi tại chỗ trên đường phố nội thành Hà Nội.


Khi chúng tôi bắn rơi chiếc này, hai chiếc khác bỏ chạy ra biển. Chúng tôi cũng ý thức được mình đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, cùng với quân và dân Hà Nội làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.


Bác Chiêu nhấn mạnh: “Trận địa Đại Chu của chúng tôi đến chỗ máy bay B52 rơi ở hồ Hữu Tiệp chỉ có mười mấy cây theo đường chim bay. Về sau, chúng tôi xem đường máy bay vào, nếu không rơi hôm đó khi nó chưa chắt bom thì vệt bom sẽ đi vào Quảng trường Ba Đình, tòa nhà Quốc hội, khu các vị lãnh đạo ở. Cụ Giáp biểu dương việc chúng tôi bắn hạ khi nó chưa kịp thả bom, nếu không thì thiệt hại sẽ rất lớn. Sau này, công binh của Sư đoàn 361 phải về gỡ bom ở xác máy bay, rồi xây cái bệ, kích lên để làm Bảo tàng ở ngay hồ Hữu Tiệp. Chúng tôi là kíp 2 trực hôm đó vì kíp 1 đã đánh rồi”.


Theo bác Nguyễn Đức Chiêu: “Các kíp chiến đấu được Quân chủng tập huấn rất kỹ cách đánh B52 khi nhìn thấy mục tiêu và khi không thấy mục tiêu nhưng trong chiến đấu, không phải lúc nào cũng thành công. Đêm ngày 16/4/1972, Mỹ huy động 270 lượt máy bay, trong đó có 9 B52 vào đánh phá Hải Phòng (đây là Chiến dịch Linebacker I, từ ngày 16-4 đến 30-10 năm 1972), chúng tôi đánh trực tiếp, 8 Tiểu đoàn Hoả lực dưới Hải Phòng bắn 98 quả tên lửa nhưng không rơi được cái nào (riêng Tiểu đoàn chúng tôi bắn nhiều nhất), song chính điều đó là bài học kinh nghiệm để khi bắn máy bay tại Hà Nội, chỉ cần hai quả đạn, chúng tôi đã hạ được B52. 


Sau Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, Tiểu đoàn 72 đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.


Tìm hiểu chúng tôi được biết, sinh ra và lớn lên tại thôn Hạ, xã Trung Hoà, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy), năm 1970, khi tròn 20 tuổi, bác Chiêu được lệnh động viên nhập ngũ khi đang là sinh viên năm thứ 2, Khoa Điện kim, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi luyện tập cơ bản tại Sư đoàn 320 (3 tháng), bác được  điều về Hải Phòng, thuộc Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363, với cương vị là Trắc thủ góc tà, lái đạn tên lửa Sam2, thường ở xe điều khiển tên lửa. 


Sau khi đánh B52 tại Hà Nội xong, đơn vị của bác làm nhiệm vụ cải tiến khí tài, đến năm 1974, bác được điều về làm quản lý Tiểu đoàn gần 1 năm, sau đó về Trường Bách Khoa học tiếp, rồi lại nhập ngũ vào Tổng cục Kỹ thuật, công tác tại Nhà máy Z127, với cương vị Phó quản lý Quản đốc Kỹ thuật, chuyên đúc mìn, lựu đạn, đạn cối. Năm 1986, bác Chiêu chuyển công tác sang Vụ Kỹ thuật, Bộ Công nghiệp nhẹ, đến 1994, về hưu. Về với đời thường, bác không nghỉ mà tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương.  


Nói về bác Nguyễn Đức Chiêu, Chủ tịch Hội CCB phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy Nguyễn Gia Vừa cho biết: “Chúng tôi là người cùng làng, xóm, cùng lớn lên ở dưới chế độ XHCN, cùng vào đại học. Anh Chiêu vào bộ đội tên lửa, còn tôi vào bộ đội xe tăng, mỗi người một lĩnh vực khác nhau nhưng chúng tôi ý thức việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ngay từ thành viên trong gia đình đến cộng đồng dân cư và trong Hội phường, nhất là các cháu thiếu nhi là nhiệm vụ thường xuyên và trách nhiệm xuyên suốt của chúng tôi. Trong chiến đấu, đồng chí Chiêu là nhân chứng lịch sử quan trọng làm nên Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, trở về với đời thường, với gia đình, đồng chí luôn làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha; với chi hội và cụm dân cư, đồng chí rất trách nhiệm trong mọi công việc, là tấm gương tiêu biểu trong tham gia công tác xã hội.


T.Hiền-T.Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ