A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với “Thuyết âm mưu”

 

QPTĐ-Thuyết âm mưu (conspiracy theory) hay thuyết ngờ vực là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Một giả thuyết âm mưu là một giả thuyết mang tính giải thích, theo đó buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị, xã hội. Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn tán, thêm các chi tiết. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của dư luận. Ngày nay, thuyết âm mưu lại càng nở rộ nhờ Internet kết nối toàn cầu. Báo điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân tích để nhằm một hoặc nhiều mục đích nào đó.

 

 

Thuyết âm mưu nở rộ trên các trang mạng xã hội.


Đối với nước ta, các thế lực thù địch đang sử dụng thuyết âm mưu để chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng sử dụng thuyết âm mưu để tạo ra những xung đột, tranh cãi liên quan đến sự thật của từng vụ việc, từ đó suy diễn, quy kết vô căn cứ, thậm chí xuyên tạc sự thật nhằm chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Gần đây, chúng thường tung ra nhiều thông tin xuyên tạc về sức khỏe lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng ác tâm “gắp lửa bỏ tay người”, bịa đặt trắng trợn, song lại cố tình tỏ ra thạo tin kể tường tận như đang tường thuật diễn biến một số vụ việc, trong khi thực chất là hoàn toàn bịa đặt, đoán mò, gán ghép theo kiểu cóp nhặt... Chúng dựng ra chuyện nhóm này, nhóm kia hãm hại… song thực tế chúng không hề có mặt ở nơi xảy ra sự việc, thông tin chỉ dựa theo các trang mạng, từ Facebook cá nhân một vài đối tượng xấu để bịa đặt, suy diễn, kích động làm “nóng” tình hình.


Năm 2018, trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong khi toàn dân tỏ lòng tiếc thương vô hạn vị Chủ tịch nước đáng kính của mình, thì lại có những phần tử phản động chuyên kiếm cớ để “chọc ngoáy” nhằm bôi nhọ chế độ, nói xấu Đảng và Nhà nước. Chúng lợi dụng sự ra đi của Chủ tịch nước để thể hiện dã tâm thâm độc, đầy ác ý, một âm mưu chính trị đê hèn khi tung tin thất thiệt lúc này để gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự “hoài nghi” trong dư luận xã hội về nguyên nhân cái chết của Chủ tịch nước là do “đầu độc”, sự ra đi của ông là do “đấu đá” nội bộ, tranh giành quyền lực… trong chính quyền, đó là “cái chết oan uổng của một chính trị gia Cộng sản” và rỏ nước mắt “cá sấu”…tiếc thương nhằm kích động người dân…


Còn có rất nhiều vụ việc khác được gắn với thuyết âm mưu như: Vụ học sinh Trường Getway tử vong trên xe ô tô đưa đón; cháy kho chứa hàng của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hay vụ đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước của Nhà máy nước mặt sông Đà, ảnh hưởng tới 250.000 người dân Hà Nội...Gần đây nhất, sau sự ra đi đột ngột của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An, mạng xã hội lại dậy sóng. Trong khi cơ quan chức năng đang điều tra và chưa có bất cứ kết luận nào nhưng rất nhiều bài viết trên mạng xã hội và một số tờ báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam lại đưa tin theo kiểu suy diễn, làm sự việc trở nên lạc điệu, thậm chí là mảnh đất màu mỡ để “đám kền kền” “dân chủ”, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước.


Tự do ngôn luận là quyền của mỗi người và mỗi người đều có quyền nêu ý kiến của mình trước một sự việc nào đó. Nhưng không được quên, mọi ý kiến phải phù hợp với nguyên tắc logic, mọi luận điểm phải xuất phát từ yếu tố thực tế và có thật chứ không thể dựa vào phán đoán, suy luận của mình để tung tin bịa đặt.


Đứng về mặt pháp lý, hành vi tung tin sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Điều 8 Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm việc: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”. Về mặt đạo lý, hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, thậm chí táng tận lương tâm đến mức bịa đặt cả nguyên nhân dẫn đến cái chết của con người là hành vi vô đạo đức, không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh. Nó phải bị phê phán, đấu tranh bằng dư luận tiến bộ, lương tâm và đạo lý con người.


Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người cần tỉnh táo, biết phân biệt đúng sai và luôn có thái độ đúng đắn trước mọi thông tin, có ý thức cao với hành vi của mình khi tham gia sử dụng mạng xã hội. Cần sàng lọc, nhận diện những trang thông tin, diễn đàn, fanpage… thường xuyên đăng tải những thông tin xấu, nhằm đề cao cảnh giác với thuyết âm mưu; hết sức thận trọng với việc đưa thông tin lên mạng hoặc like, share những thông tin chưa được kiểm chứng; đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ