A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không có việc người bày tỏ chính kiến bị bắt giữ

 

QPTĐ-Trong những năm qua, mỗi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam khởi tố, truy tố, xét xử các tội phạm xâm phạm về an ninh quốc gia, một số cơ quan, tổ chức nước ngoài thiếu thiện chí, có cái nhìn lệch lạc về Việt Nam như: Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Ngôi nhà Tự do (Freedom House), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW)... liền chỉ trích, có những cáo buộc mang tính áp đặt, can thiệp công việc nội bộ của cơ quan tư pháp của Việt Nam. Cùng với đó, trên các trang website và trang facebook như BBC, RFA, VOA, Chân trời mới media, Việt Tân..., các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị ra sức đăng các bài viết cổ súy cho các hành vi phạm tội của các đối tượng, gọi chúng với những cái tên mỹ miều “nhà hoạt động dân chủ”, “người bất đồng chính kiến”, “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”... 

 

 

Đối tượng Phước tại Tòa.

Ảnh: Internet


Mới đây nhất, cái tổ chức có tên gọi Người Bảo vệ nhân quyền lại vẫn điệp khúc lên án, chỉ trích Toà án nhân dân quận Ninh Kiều đưa ra xét xử, tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Hào (sinh năm 1965, đăng ký thường trú tại phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) 12 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Phước, sinh năm 1979, trú quán tại phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang với tội danh “Làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước” theo điều 117, Bộ  luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Chúng gọi các đối tượng trên là các “nhà hoạt động dân chủ”, “người bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” và kêu gọi phóng thích những đối tượng trên. Chúng cho rằng “việc kết án này là không đúng, đã vi phạm quyền tự do ngôn luận. Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền lên án việc kết án hai facebooker này và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho hai facebooker này”.


Thực tế, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế từ năm 1986 đến nay, chưa có người nào vì bất đồng chính kiến mà bị pháp luật xử lý. Tất cả những người bị xử lý đều có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không ít kẻ đã nhận tiền từ các tổ chức phản động nước ngoài, không ít kẻ mưu đồ thành lập tổ chức để phá hoại công cuộc xây dựng đất nước. Các thế lực thù địch nhiều khi chỉ thí cho một ít tiền thì những người này đã sẵn sàng hung hăng lập tổ chức, lập diễn đàn với âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng đất nước. Cũng đã có những người trót nhận tiền bạc của chúng nên mới phải gồng mình lên để có những bài viết theo yêu cầu. Trong một chừng mực nào đó, pháp luật của chúng ta còn khá nương nhẹ với những loại người này. Một công dân nếu đến trụ sở cơ quan công quyền lăng mạ, chửi bới thì có thể bị bắt giữ, bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự ngay lập tức… Nhưng một kẻ lập blog cá nhân, chửi bới bạt mạng, xúc phạm hết người này đến người khác, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu khống cho các tập thể và cá nhân khi bị xử lý thì lại nói là "bất đồng chính kiến".


Trở lại phiên tòa xét xử Phạm Xuân Hào, Hội đồng xét xử đã làm rõ phương thức, thủ đoạn hành vi phạm tội bị can. Trước khi bị khởi tố và truy tố trước tòa, Phạm Xuân Hào là kiến trúc sư, thạc sĩ, giảng viên Khoa Công nghệ Trường ĐH Cần Thơ. Phạm Xuân Hào bị cáo buộc là người có trình độ chuyên môn, nhận thức xã hội đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân, chia sẻ những bài viết có tích chất tiêu cực trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức cộng đồng mạng; đưa ra những thông tin trái chiều, xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xâm phạm lợi ích của người khác.


Còn đối với bị cáo Nguyễn Văn Phước, từ năm 2016 đến tháng 8/2018, Phước tự tạo và nhờ người thân tạo các tài khoản mạng xã hội facebook. Sau đó, Phước sử dụng các tài khoản này để theo dõi, gửi lời mời kết bạn với các tài khoản facebook có ảnh đại diện liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa, các đối tượng phản động lưu vong. Sau đó, Phước nhiều lần livestream nói chuyện về tình hình chính trị và chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, để hưởng ứng lời kêu gọi của các tổ chức phản động lưu vong, khoảng 11h ngày 29/4/2017, Phước làm ra 03 lá cờ vàng ba sọc đỏ (cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa), rồi dán 01 lá lên tường nhà, 02 lá cờ còn lại mang đến khu vực khóm Đông An 6, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên (gần nhà Phước) để treo lên.


Mặc dù hành vi phạm tội của hai đối tượng trên đã rõ và ngay trong phiên tòa, các đối tượng cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên, những cá nhân, tổ chức nói trên lại ra các “tuyên bố”, “yêu cầu”, “kêu gọi”... phê phán cơ quan tiến hành tố tụng, cho rằng các đối tượng trên không phạm tội, đồng thời đưa ra các yêu cầu có tính áp đặt, can thiệp công việc nội bộ nước khác. Lợi dụng điều đó, các phần tử phản động ở nước ngoài tung tin xuyên tạc, bóp méo sự thật lên các trang mạng xã hội; kích động, xúi giục các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước phản đối, đòi trả tự do cho các đối tượng trên.


Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” không có việc những người bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như tất cả các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Việc tuyên án đối với Phạm Xuân Hào và Nguyễn Văn Phước là đúng người, đúng tội, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.


Phương Minh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ