A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Đổi mới công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới

QPTĐ- Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, góp phần xây dựng Đảng bộ Nhà trường vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với giáo dục truyền thống.

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có số lượng học viên thường xuyên ở mức cao. Mặt khác, mô hình đào tạo phong phú, đối tượng học viên đa dạng, có tác động nhất định đến công tác giáo dục chính trị. Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt sâu sắc các văn bản, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, quy chế của trên về công tác giáo dục chính trị, trọng tâm là Chỉ thị số 124 ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới; Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định phê duyệt ngày 23/7/2013. Từ đó, cụ thể hóa nội dung giáo dục chính trị vào nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thường kỳ, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại chức, bảo đảm chặt chẽ. Trong đó, lấy kết quả giáo dục chính trị là một nội dung, tiêu chuẩn để bình xét khen thưởng, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, quần chúng và tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng trong các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị. 

Quá trình thực hiện Đề án, Nhà trường đã vận dụng tốt các hình thức giáo dục chính trị cho các đối tượng như: Học tập chính trị; nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sinh hoạt chính trị, tư tưởng; thông báo thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở; kết hợp với tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, trực quan trên hệ thống pa nô, khẩu hiệu, qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Nhà trường hết sức coi trọng đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giảng dạy chính trị và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị.

Hàng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Trước hết, thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn, duy trì có hiệu quả hoạt động của Tổ giáo viên giảng dạy chính trị theo quy định. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng theo phân cấp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp đại đội, tiểu đoàn với phương châm: “Cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng cho giáo viên mới ra trường, người đi trước bồi dưỡng cho người đi sau”. Tổ chức bồi dưỡng thông qua tập huấn, hội thi giảng bài chính trị, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, sinh hoạt trao đổi. Chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2022, Nhà trường đã tham gia 14 đợt tập huấn cấp Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh với 56 lượt người. Đồng thời, tổ chức tập huấn 11 đợt cấp trường với 415 lượt người. Đặc biệt, đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo giáo án điện tử cho đội ngũ cán bộ chính trị, bí thư, cấp ủy, mời giáo viên chuyên ngành vi tính tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 trực tiếp giảng dạy. Thông qua bồi dưỡng, giúp đội ngũ cán bộ nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, đây là nội dung được Trường Quân sự Bộ Tư lệnh xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong thực hiện Đề án. Nhà trường đã chỉ đạo các Khoa giáo viên kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại, lấy người học làm trung tâm, phát huy khả năng sáng tạo độc lập của người học để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của mỗi học viên. Trong giảng bài, đã biết kết hợp có hiệu quả các phương pháp diễn giảng, đàm thoại, trực quan... Đồng thời, sử dụng phương pháp trực quan như: Xem phim tư liệu, tham quan truyền thống, hội thi tìm hiểu truyền thống, tìm hiểu hiến pháp, pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa; sử dụng băng, đĩa hình, phim tài liệu bổ trợ... 

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hàng năm, Nhà trường đã hoàn thành 100% nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng theo quy định. Việc phân cấp quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, quân số học tập đạt 99,5% trở lên (đối với học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, 100% quân số tham gia). Kết quả kiểm tra nhận thức chính trị hằng năm cho các đối tượng 100% đạt yêu cầu, trên 92% đạt khá, giỏi; kiểm tra chính trị cho các đối tượng học viên 100% đạt yêu cầu, trên 75% đạt khá, giỏi. Nhờ được giáo dục tốt, cán bộ, giáo viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Nhà trường có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có tính tổ chức, kỷ luật, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. 

Hiện nay, trên cơ sở chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ các hình thức giáo dục chính trị, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh tiếp tục đổi mới toàn diện các khâu, từ xây dựng, triển khai kế hoạch, đến tổ chức thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng nền nếp chính quy, quản lý tư tưởng, rèn luyện kỷ luật. Đảng ủy, Ban Giám hiệu coi đây là nội dung quan trọng trong thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết, mẫu mực, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”, tiếp tục xây dựng Nhà trường “Chính quy, thân thiện, cán bộ, giáo viên mẫu mực, học viên tích cực”. 

Nguyễn Xuân Tý


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ