QPTĐ- Quân đội nhân dân Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, quân đội ta luôn khắc ghi lời dạy của Người: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng, Phú Thọ ngày 19/9/1954.
Ảnh tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Là nhà chính trị thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời là nhà quân sự kiệt xuất và ở Người luôn có sự thống nhất biện chứng giữa tư tưởng chính trị và tư tưởng quân sự. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển truyền thống quân sự oanh liệt của dân tộc Việt Nam với học thuyết quân sự Mác-Lênin và tinh hoa quân sự của nhân loại.
Sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là khi Người đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên Báo Nhân đạo của Pháp (7/1920). Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Người những băn khoăn, trăn trở về bạn, thù; về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Ngay sau khi tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập Đảng và tập hợp lực lượng cho cách mạng. Những năm 1925-1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã mở các lớp đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Sau các khoá học, Người trực tiếp lựa chọn các học viên tiêu biểu tiếp tục đi học ở Trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm chuẩn bị nhân sự cho việc tổ chức một đội quân cách mạng. Tại đây, các học viên được học những kiến thức cơ bản về quân sự như: Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về quân đội, nguyên tắc tổ chức quân đội theo kiểu Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
Cùng với việc chuẩn bị về nhân sự, Nguyễn Ái Quốc còn cho xuất bản báo “Lính cách mệnh” nhằm tuyên truyền, giác ngộ binh lính người Việt. Báo “Lính cách mệnh” ra số đầu tiên tháng 2-1927 nhằm chuẩn bị tiến tới thành lập lực lượng vũ trang cách mạng. Nội dung chủ yếu của Báo nhằm giới thiệu quan điểm cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tính tất yếu của con đường bạo lực vũ trang đối với cuộc cách mạng dân tộc ở nước ta.
Đầu năm 1928, sau một thời gian ngắn ở Nhà An dưỡng mang tên Lê nin tại Liên Xô, Người bắt tay viết ngay cuốn sách mang tên “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”, một cuốn sách thể hiện nung nấu xây dựng bạo lực cách mạng, là nguồn gốc tư tưởng để sau này Người chỉ đạo xây dựng Quân đội ta. Cuốn sách đã chỉ ra nhiều vấn đề về huấn luyện, tác chiến, vũ khí trang bị… trong công tác quân sự cho chiến tranh du kích.
Đầu năm 1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị đã thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắt tắt) do Người trực tiếp soạn thảo. Chánh cương chỉ rõ, về chính trị: Đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công-nông-binh, tổ chức ra quân đội công nông. Như vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định việc tổ chức một đội quân cách mạng, quân đội công nông.
Từ cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc tham gia hoạt động trong “Văn phòng Bát lộ quân” do tướng Diệp Kiếm Anh làm chỉ huy. Trong thời gian này, Người viết cuốn sách nói về “khu quân sự đặc biệt” để tuyên truyền, vận động cho quân đội cách mạng. Tháng 6 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) và đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) vừa ở trong nước sang. Bằng trí tuệ thiên tài, Người đã phát hiện ra tài năng thiên bẩm của đồng chí Võ Nguyên Giáp nên giới thiệu Võ Nguyên Giáp đi học trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn “Cố gắng học thêm quân sự”.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 1/1941, Người trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 10/1941, Người chỉ đạo mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại đây, Người đã trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”…
Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 34 đội viên được biên chế thành một trung đội có 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Bài diễn văn tại buổi thành lập của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định quyết tâm của toàn thể các đội viên: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”.
Chỉ mấy ngày sau khi thành lập, tuy lực lượng ít, vũ khí trang thiết bị thô sơ (2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, 14 khẩu súng kíp) nhưng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (ngày 25-12-1944) và Nà Ngần (ngày 26-12-1944). Những chiến công đó đã tạo ra một luồn sinh khí mới cổ vũ, khích lệ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta và mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta; là bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng lúc đó. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đùm bọc, che chở của nhân dân, quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm trang sử vàng chói lọi của dân tộc và đang phấn đấu đến năm 2030, xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
VĂN LỘC