A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trưởng thành qua từng ngày quân ngũ

Bài 1: Gần gũi sẻ chia, lắng nghe bộ đội 

Huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) là bước khởi đầu, mang tính bản lề, tạo cơ sở hình thành kỹ năng quân sự, phẩm chất, bản lĩnh của người quân nhân cách mạng. Đặc thù huấn luyện CSM là cường độ cao, tiêu tốn nhiều thể lực, trí lực và thời gian khép kín. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện CSM đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là nắm chắc, quản lý chặt chẽ tư tưởng bộ đội.

 

 

QPTĐ-Trong quản lý con người, thì quản lý tư tưởng là khó khăn, phức tạp nhất, vì tư tưởng của con người phụ thuộc nhiều yếu tố, dễ biến động, nảy sinh ở các thời điểm khác nhau. Đối với CSM, việc quản lý, nắm bắt tình hình tư tưởng càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do vậy, yêu cầu bám sát đời sống bộ đội để nắm bắt, quản lý tư tưởng, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường trong sinh hoạt,  học tập của CSM, có biện pháp xử lý phù hợp, đã và đang được Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 thực hiện hiệu quả.

Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.

Nắm tư tưởng qua nhiều “kênh”

Năm 2021, Trung đoàn 692 tiếp nhận và huấn luyện 1.508 CSM đến từ 6 tỉnh, thành, trong đo, có 108 là chiến sĩ nữ. Ngay từ ngày đầu CSM về đơn vị, cán bộ các cấp trong Trung đoàn đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm nắm chắc lý lịch, hoàn cảnh gia đình, tình hình tư tưởng từng chiến sĩ. Giới thiệu về “kênh” quan trọng trong nắm tư tưởng, Đại úy Đặng Văn Hạnh, Chính trị viên phó, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 cho biết: “Khi tiếp nhận chiến sĩ về đơn vị, cán bộ từ Tiểu đội đến Đại đội hướng dẫn anh em viết đầy đủ thông tin lý lịch trích ngang, sau đó cán bộ Trung đội trực tiếp gọi điện thông báo cho gia đình biết con em mình đã đến đơn vị an toàn, đồng thời, sơ bộ nắm thông qua gia đình, đối chiếu với bản trích ngang để biết tính cách, đặc điểm, tâm lý của quân nhân làm cơ sở nắm, phân loại tư tưởng bộ đội mình quản lý”. 

Từ kênh “gọi điện” cho gia đình mà chỉ huy Tiểu đoàn 6 kịp thời biết được trường hợp chiến sĩ Võ Tuấn Kiệt, Trung đội 2, Đại đội 9 hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố Kiệt mất sớm, mẹ bỏ nhà đi từ năm 2006 không rõ tung tích. Trước khi nhập ngũ, Kiệt ở với anh trai của mẹ nhưng bác bị bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu. Thời gian đầu vào đơn vị, Kiệt ít nói chuyện, không chia sẻ với đồng đội, sống khép mình. Trong học tập, huấn luyện, sinh hoạt hàng ngày, Kiệt thường không tập trung, kết quả thực hiện nhiệm vụ thấp. Thỉnh thoảng vào các buổi trưa, Kiệt không ngủ, ra sau nhà ngồi một mình, khi cán bộ bắt gặp hỏi lí do, trả lời không cụ thể. Nắm được hoàn cảnh đó, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm đến biểu hiện của Kiệt; phân công đồng chí Trung đội trưởng trực tiếp quan tâm, động viên. Nhờ vậy, Binh nhì Võ Tuấn Kiệt dần lấy lại tự tin, yên tâm công tác, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể. 

Từ “trích ngang” và nắm thông qua gia đình giúp đội ngũ cán bộ đơn vị chủ động hơn trong quản lý và giải quyết tư tưởng CSM. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình một số CSM còn nhiều khó khăn, khiến bộ đội chưa thực sự yên tâm công tác. Trung úy Nguyễn Văn Tiến, Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 2 cho biết: “Khi phân công, giao nhiệm vụ cho CSM phải đi từ dễ đến khó, tạo điều kiện giúp cho chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng niềm tin cho họ phấn đấu vươn lên. Khi chiến sĩ có thành tích phải kịp thời biểu dương, khuyến khích, nếu có khuyết điểm phải chỉ bảo, uốn nắn một cách tận tình, chặt chẽ. Không nóng vội, chủ quan trong giáo dục CSM”. Được biết, ngoài việc viết trích ngang theo quy định, mỗi cán bộ khung từ cấp tiểu đội đến đại đội đều có sổ tay cá nhân để đăng ký, ghi chép lại những đặc điểm, hoàn cảnh riêng của từng CSM, từ đó tiện theo dõi, nắm chắc và kịp thời xử lý các biểu hiện tư tưởng nảy sinh.

Mẫu mực thực hiện “4 cùng”

Trung tá Nguyễn Hữu Chẩn, Chủ nhiệm Chính trị, Trung đoàn 692 cho biết: “CSM ngày đầu làm quen với các chế độ nền nếp sinh hoạt, học tập theo thời gian quy định sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, dễ nảy sinh tư tưởng chán nản. Do đó, cùng với việc phát huy tốt vai trò các tổ công tác như: Tổ 3 người, Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý, Tổ chiến sĩ bảo vệ... Cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn xác định, quản lý tư tưởng ở cấp trung đội là khâu rất quan trọng. Nếu cán bộ trung đội chỉ nghe báo cáo gián tiếp thì không thể làm tốt công tác tư tưởng. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ trung đội, tiểu đội phải thực hiện “4 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với bộ đội”. Cũng là đối tượng CSM nhưng huấn luyện chiến sĩ nữ lại có đặc thù riêng. 

Sinh hoạt Tổ 3 người của CSM Đại đội 14, Trung đoàn BB692

Trung úy Dương Hữu Luân, Chính trị viên Đại đội 14 cho biết: “Đặc điểm của chiến sĩ nữ  là thích nói nhẹ nhàng, chưa quen mệnh lệnh, khi không vừa lòng việc gì là hay hờn dỗi. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu cán bộ đơn vị phải bám sát đời sống bộ đội, trong sinh hoạt, học tập phải mẫu mực làm gương, nói ít, làm nhiều, thông qua hành động, việc làm cụ thể để giáo dục, hướng dẫn bộ đội tự giác khép mình vào khuôn khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật”. Binh nhì Phạm Thị Thu Thảo, Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 14 chia sẻ: “Đêm đầu tiên xa gia đình em đã khóc và tủi thân khi không có bố mẹ bên cạnh, bất chợt chị Mai tiểu đội trưởng vào ôm em và bảo “ngày đầu tiên về đơn vị chị cũng thế”, động viên như chị em trong gia đình, từ đó em cảm thấy yên tâm hơn”. Sự sâu sát, quan tâm, chia sẻ và nêu gương của cán bộ các cấp đối với CSM ngay từ những ngày đầu đã tạo ra môi trường cởi mở, gần gũi thân thiện, góp phần quan trọng giúp CSM của Trung đoàn 692  nhanh chóng hòa nhập với đơn vị, an tâm tư tưởng, tích cực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ