Độ tuổi nghỉ hưu: Điểm mới của Bộ luật Lao động 2019
QPTĐ-Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021 với nhiều nội dung mới, trong đó có quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung. Và đối với các đối tượng công tác trong quân đội nói riêng, quy định đó có trực tiếp điều chỉnh về tuổi phục vụ tại ngũ, tuổi nghỉ hưu không? Những tổng hợp sau đây mong muốn sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung này.
Bộ luật Lao động không trực tiếp điều chỉnh tuổi phục vụ tại ngũ của các đối tượng công tác trong quân đội.
Các đối tượng công tác trong quân đội hiện nay bao gồm: Sĩ quân, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, nhóm chủ thể mà địa vị pháp lý đã được pháp luật quy định đầy đủ, đồng thời là đối tượng chủ yếu được giải quyết chế độ hưu trí trong quân đội hiện nay.
Độ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật lao động
Tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Theo đó, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Tại Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu. Riêng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân…, nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi: “Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng (CN&VCQP) có quy định khác”.
Đây là điểm mới đáng lưu ý của Bộ luật Lao động năm 2019 so với các quy định trước đó. Lần đầu tiên tại đạo luật gốc điều chỉnh quan hệ lao động có quy định đối với lao động trong lực lượng vũ trang và cơ yếu. Theo đó, các đạo luật chuyên ngành quy định cụ thể về độ tuổi phục vụ, độ tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh. Đồng thời, có những chủ thể vừa là đối tượng điều chỉnh của luật chuyên ngành (chịu sự quy định về độ tuổi phục vụ tại ngũ, độ tuổi phục vụ), vừa thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật lao động (về độ tuổi hưởng chế độ hưu trí).
Tuổi phục vụ, tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng công tác trong quân đội
Luật Sĩ quan QĐNDVN, Luật QNCN, CN&VCQP quy định tuổi phục vụ tại ngũ, tuổi phục vụ của các đối tượng công tác trong quân đội như sau:
Đối với sĩ quan, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, cấp úy: Nam, nữ 46 tuổi; Thiếu tá: Nam, nữ 48 tuổi; Trung tá: Nam, nữ 51 tuổi; Thượng tá: Nam, nữ 54 tuổi; Đại tá: Nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi; cấp Tướng: Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Đối với các trường hợp kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ là khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ so với hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm trên đây không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Đối với QNCN, tại Điều 17 Luật QNCN, CN&VCQP quy định, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của QNCN theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp uý QNCN: Nam, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá QNCN: Nam, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. QNCN có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm so với hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm.
Quân nhân trong các trường hợp trên mà đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và đủ hạn tuổi cao nhất theo quy định tại Luật Sĩ quan QĐNDVN hoặc Luật QNCN, CN&VCQP khi thôi phục vụ tại ngũ được hưởng lương hưu.
Ngoài ra, quân nhân được nghỉ hưu khi đáp ứng đủ điều kiện: “Đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, nam quân nhân có đủ 25 năm trở lên, nữ quân nhân có đủ 20 năm trở lên công tác trong Quân đội, trong đó có ít nhất 05 năm tuổi quân, mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được” - Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.
Riêng với đối tượng chiến đấu viên, thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng BHXH, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Đối với công nhân và viên chức quốc phòng, theo quy định tại Điều 31 Luật QNCN, CN&VCQP thì CN&VCQP được nghỉ hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về BHXH.
Trường hợp khác, chủ thể có đủ 15 năm là công nhân quốc phòng và có đủ 20 năm đóng BHXH thì nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi được nghỉ hưu. CN&VCQP chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo hai trường hợp trên đây, do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng, nếu nam đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được nghỉ hưu.
Bộ luật Lao động năm 2019 điều chỉnh về tuổi hưởng chế độ hưu trí của đối tượng nào trong quân đội?
Mặc dù không trực tiếp điều chỉnh tuổi phục vụ tại ngũ của các đối tượng công tác trong quân đội, nhưng pháp luật lao động hiện hành có chi phối đến tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu đối với quân nhân trong các trường hợp sau:
Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định: Các điểm a, b khoản 1 Điều 8; khoản 3 Điều 9 và khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 33/2016/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, quân nhân đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, gồm: Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên; nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên; nay sẽ bị chi phối bởi lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu theo Điều 219 Bộ Luật lao động, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.
Đồng thời, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 33/2026/NĐ-CP Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH (nghỉ hưu trong trường hợp suy giảm khả năng lao động), cũng bị chi phối theo.
Hiện nay các quy định cụ thể về điều kiện nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng chịu sự tác động của Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP nêu trên đang chờ hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Với những quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 về độ tuổi, về sự phân biệt sơ khai giữa tuổi nghỉ hưu với ý nghĩa là tuổi chấm dứt quan hệ lao động (hay còn gọi là tuổi phục vụ tại ngũ, tuổi phục vụ đối với các đối tượng công tác trong quân đội) và độ tuổi hưởng chế độ hưu trí, sẽ tạo tiền đề để hoàn thiện các luật chuyên ngành quy định địa vị pháp lý của sĩ quan, QNCN, CN&VCQP theo hướng bảo vệ tính đặc thù của hoạt động quân sự quốc phòng để bộ đội yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Lê Thị Thu Hoài