A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họ bị lừa hay hợp tác cùng lừa?

 

QPTĐ-Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội (25/1) hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (sinh năm 1984, kinh doanh tự do, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng cộng hơn 430 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân. Đáng nói, trong số 24 đồng phạm của bị can Hà Thành có 17 người là cán bộ ngân hàng. Họ bị truy tố các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”, “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.  

Ảnh minh họa (Internet)

Bằng thủ đoạn vay của người này trả cho người kia với lãi suất cao, móc nối với cán bộ ngân hàng, từ chiếm dụng lòng tin, xây dựng hình ảnh khách hàng VIP đến gian dối, chiếm đoạt tiền của các ngân hàng: NCB, PVB, VAB (trong giai đoạn 2016-2018), Hà Thành chiếm đoạt của các cá nhân từ 5-10-50 tỉ đồng/người và các ngân hàng: 47,5-49,4-273,9 tỉ đồng. 

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao một người làm nghề kinh doanh tự do lại huy động được số tiền lớn đến hàng trăm tỉ của các tổ chức, cá nhân? Phải chăng lãi suất cao hấp dẫn các cá nhân hay cán bộ ngân hàng bị mờ mắt bằng tiền “hoa hồng, lót tay” mà họ “bán thân cho quỷ dữ”, tiền mất tật mang? Và không thể nói, cán bộ ngân hàng-những người được đào tạo bài bản về tài chính, kinh doanh tiền tệ lại “trẻ người non dạ” bị lừa, nếu họ không tự nguyện hợp tác với “quỷ” tổ chức lừa đảo? 

Từ câu chuyện này khiến chúng ta nhớ đến các phi vụ làm ăn phi pháp trong ngành Ngân hàng gây chấn động dư luận. Đó là vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (Phó phòng Chi nhánh VietinBank Thành phố Hồ Chí Minh) chiếm đoạt hơn 14.000 tỉ đồng; vụ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương) gây thất thoát 2.000 tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh (Chủ tịch VNCB) gây thất thoát 9.000 tỉ đồng. Tiếp đến là các “đại gia gây ra đại án” như Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV; Trần Phương Bình, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đông Á; Trần Thị Kim Chi, Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hải Phòng; Hứa Thị Phấn, Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín; Trầm Bê, Chủ tịch SacomBank….vv. Các bị can trên có chung hành vi phạm tội, chiếm đoạt, làm thất thoát hàng trăm tỉ, ngàn tỉ đồng của ngân hàng, của Nhà nước.

Trong tuần này, Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Bài học về sự chọn lựa cán bộ của Đảng, Nhà nước phụ trách lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng từ Trung ương đến các địa phương còn đó. Không phải ngẫu nhiên cán bộ chủ chốt các Bộ: Công thương, Giao thông-Vận tải, Thông tin-Truyền thông, Công an, Tập đoàn Dầu khí quốc gia phải hầu tòa. Và nữa, lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa… bị kỷ luật Cách chức đến bị tuyên án tù bởi  vi phạm pháp luật. 

 “Không để lọt những người yếu kém về phẩm chất đạo đức, tham ô, tham những tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp khóa tới”-Đó là tuyên bố đanh thép của lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương và Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng, khiến người dân đặt hết lòng tin vào Đảng, “không thể nương tay với tham nhũng, tội phạm!”.

MINH NGỌC 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ