A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần hiểu đúng Nghị định 137/2020/NĐ-CP

 

QPTĐ-Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137/2020/NĐ-CP được ban hành với nhiều điểm mới và đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có rất nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, an ninh trật tự. Đáng chú ý, có không ít người đang hiểu sai là sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa và “mùi thuốc pháo đã trở lại” trong dịp lễ, tết. Vậy, nên hiểu và cần hiểu đúng tinh thần Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo như thế nào?

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cách đây 26 năm, ngày 8/8/1994, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 406-TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký, về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị nêu rõ nguyên nhân là do sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn mà không thống kê được. Do đó, kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Tiếp theo Chỉ thị 406-TTg, ngày 15/4/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2009/NĐ-CP, về quản lý, sử dụng pháo, quy định về quản lý thuốc pháo, pháo các loại; quản lý sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo hoa và thuốc pháo hoa; tổ chức bắn pháo hoa. Tại Khoản 1 (Điều 4) nêu rõ, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm, sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ. Hiệu lực của các văn bản pháp quy của Chính phủ đã được người dân nghiêm túc thực hiện trong suốt mấy chục năm qua. Người dân đã quen với việc không có tiếng pháo nổ trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi…và việc tổ chức đi xem bắn pháo hoa trong đêm giao thừa và các ngày lễ lớn của người dân đã trở thành tập quán mỗi khi Tết đến, Xuân về. 

Khi nghiên cứu về quy định quản lý và sử dụng pháo của Nghị định 137/2020/NĐ-CP, chúng ta thấy nội dung mới đáng chú ý là cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong một số trường hợp nhất định. Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng sử dụng pháo hoa để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định cũng nêu rõ, việc cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng đời sống tinh thần cho người dân 

Như vậy, Nghị định 137/2020/NĐ-CP không chỉ thống nhất với các quy định trước đó của Chính phủ về nghiêm cấm việc mua bán, tàng trữ và sử dụng pháo nổ, mà còn nêu 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo. Trong đó, ngoài việc sử dụng pháo nổ, còn có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...

Vì thế, cần hiểu đúng những quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP, để  tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra. 

PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ