A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ Hà Nội đến Trường Sa

Bài 1: Mang yêu thương đến nơi gian khó

QPTĐ-Tiếp nối  truyền thống Hà Nội với Trường Sa, năm 2021, Đoàn công tác thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã tới thăm, làm việc với quân dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Chuyến đi đã mang theo bao tình cảm yêu thương từ Thủ đô Hà Nội đến với quân dân nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Hành trình ấy giúp mỗi thành viên trong Đoàn thêm yêu, thêm tự hào về biển, đảo quê hương. 

Bộ đội Trường Sa đón nhận những món quà của Thủ đô Hà Nội. 

Chuẩn bị tích cực

Tháng 4 lịch sử, dù đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với bộn bề công việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội vẫn dành cho Trường Sa một tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc. Để chuyến công tác đến với Trường Sa được thiết thực và hiệu quả, lãnh đạo Thành phố đã trao đổi, thống nhất với Bộ Tư lệnh Hải quân về số lượng đại biểu, phương tiện sử dụng, các hoạt động của chuyến đi, công tác quân y bảo đảm sức khỏe cho đại biểu, nhu cầu cần thiết về vật chất, các trang thiết bị tại các điểm đảo…để Thành phố chuẩn bị quà tặng động viên quân, dân được chu đáo. Một trong những nội dung được Bộ Tư lệnh Hải quân và lãnh đạo Đoàn đặc biệt quan tâm là công tác bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Các thành viên Đoàn công tác đã trải qua 3 lần xét nghiệm Covid-19. Đến với Trường Sa tháng 4 này, trên cương vị là Trưởng đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, bên cạnh những nhiệm vụ của Thành phố, đây còn là dịp để các đại biểu trong Đoàn nắm rõ thực tế cuộc sống, sinh hoạt, học tập của quân, dân huyện đảo Trường Sa,  hiểu thêm về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời thấy được trách nhiệm của mỗi một cá nhân, mỗi đơn vị với việc đóng góp công sức của mình để xây dựng đất nước vững mạnh, có tiềm lực kinh tế, chính trị, xã hội đủ sức mạnh chi viện giúp cho quân và dân Trường Sa thân yêu có điều kiện tốt hơn trong ăn, ở làm việc, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Sôi nổi các hoạt động ý nghĩa

Sau hai ngày dừng chân tại Quân cảng Cam Ranh, con tàu HQ-561  đã đưa Đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội đến với Trường Sa. Trong Đoàn công tác, phần lớn thành viên đều lần đầu đến với Trường Sa nên ai cũng háo hức, muốn dành tặng Trường Sa những gì thân thương nhất. Với một hải trình thuận lợi, Đoàn công tác thành phố Hà Nội đã đến thăm quân, dân 12 đảo, điểm đảo: Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le B, Tốc Tan A, Phan Vinh A, Thuyền Chài A, An Bang, Đá Đông A, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/20 (Ba Kè). Ở bất cứ điểm đến nào, các thành viên trong Đoàn cũng gặp gỡ, ân cần thăm hỏi, động viên bộ đội. Những cái bắt tay xiết chặt thấm đẫm mồ hôi, những vòng tay ôm nghẹn ngào, song vẫn toát lên nụ cười rạng rỡ. Tình cảm quân, dân còn hòa đồng trong lời ca, tiếng hát ngân vang biển trời. Đồng chí Phan Văn Sự, Trưởng phòng Tổ chức Huyện ủy Mỹ Đức tâm sự: Tôi rất khâm phục sức chịu đựng kiên cường của những người đang cống hiến sức mình ở nơi còn nhiều gian khó như nơi đây. Xúc động nhất là hình ảnh những chiến sĩ trẻ tuổi đôi mươi, mặt còn đầy nét thơ ngây, hồn nhiên nhưng luôn coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, ra sức rèn luyện, nêu cao bản lĩnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Trong chuyến công tác, Đoàn đã tổ chức khánh thành công trình Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông A, kiểm tra 1 công trình đang xây dựng và khởi công 1 công trình Nhà Văn hóa đa năng (trị giá 40 tỷ đồng) do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Đại úy Đỗ Xuân Thanh, Chính trị viên đảo Đá Đông A thổ lộ: “Từ khi có Nhà Văn hóa đa năng do thành phố Hà Nội tặng, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện rất nhiều. Chúng tôi dự trữ được nhiều nước ngọt hơn nhờ dung tích bể chứa lớn ở phần sân phía sau nhà. Cán bộ, chiến sĩ có không gian rộng rãi để đi lại, rèn luyện sức khỏe với các môn thể thao như: Bóng bàn, gym, cờ tướng. Khu vực bếp nấu cũng được xây rộng rãi với đầy đủ tiện nghi như: Tủ lạnh, bếp ga, hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt với công suất 30 lít/ngày. Không gian ngoài sân lớn nên anh em có chỗ để giặt, phơi đồ và trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm…”.

Ngoài ra, còn rất nhiều phần quà là các vật dụng, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống đã được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô gửi đến cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Tàu ngầm 182 Hà Nội, Tàu Khánh Hòa 561, các tàu trực sẵn sàng chiến đấu (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ nhân dân trên các đảo, điểm đảo và Nhà giàn DK1/20 cùng 4 Nhà đèn trong khu vực. Đó là máy bơm chống ngập, nồi inox, máy lọc nước RO, tủ cấp đông, bồn chứa nước ngọt, sim thẻ Viettel, máy lọc nước biển thành nước ngọt,  máy phát điện và nhiều phần quà thiết thực ý nghĩa khác được 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành của Thành phố.

Với mong muốn phủ thêm màu xanh cho đảo, Đoàn còn có một món quà hết sức ý nghĩa đó là những khóm tre đằng ngà tuyển lựa từ vùng đất lịch sử Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng đánh tan quân xâm lược đã được ươm trồng tại đảo Dừa, Chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn và Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh. Cũng tại Chùa Vinh Phúc, Đoàn còn cung tiến một pho tượng Bồ tát Quán thế âm cao 1,35 m đặt ở vị trí trước tam bảo. Pho tượng có hướng nhìn ra biển, không chỉ thể hiện văn hóa, tín ngưỡng của người Viêt Nam mà còn để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc tại Trường Sa. Một hoạt động để lại nhiều cảm xúc cho các thành viên trong Đoàn công tác đó là Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh tại khu vực đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Tất cả các thành viên Đoàn công tác càng thấu hiểu hơn biết bao công sức, nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của cha ông đã đổ xuống cho sự trường tồn của Trường Sa.

Đoàn công tác tặng xe đạp cho các cháu học sinh trên huyện đảo Trường Sa.

Bồi đắp niềm tin

Thông qua các hoạt động mang đậm dấu ấn, tình cảm của Thủ đô; Đoàn công tác đã để lại những tình cảm tốt đẹp và ấn tượng sâu sắc đối với quân dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1; góp phần mang hơi ấm của đất liền và tình cảm chân thành, lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đến với biển, đảo quê hương; thể hiện tinh thần yêu nước, tình quân dân gắn bó, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. 

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Phó Trưởng Đoàn công tác chia sẻ: “Qua chuyến công tác, chúng tôi cảm nhận được tầm nhìn chiến lược của các thế hệ cha anh chúng ta, thấy được tầm quan trọng của biển Đông, trong đó có công tác phòng thủ để bảo vệ đất nước từ hướng Đông, khai thác nguồn lợi thủy sản, cho nên chúng ta đã rất sớm bảo vệ được các điểm đảo, đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Và tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, chúng tôi rất tự hào và vững tin nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ đã, đang và chắc chắn giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hữu Thu
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ