A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rồng trong văn hóa Việt Nam

QPTĐ- Như nhiều quốc gia, dân tộc khác, Việt Nam cũng là đất nước của những con rồng. Rồng là một biểu tượng văn hóa có độ phổ biến vào loại cao nhất ở Việt Nam. Xét theo hình thức cấu tạo, rồng Việt Nam cũng là linh vật tổng hợp từ nhiều loài vật khác nhau song luôn có hình dáng gần nhất với một loài vật chính-loài rắn và nếu như rồng phía Bắc Trung Quốc vốn gắn liền với thảo nguyên, sa mạc thì rồng Việt Nam thuộc giống thủy tộc. Dân gian Việt Nam cũng có quan điểm rồng hình thành trên cơ sở tổng hợp 9 tổ hợp đặc trưng khác nhau của các loài vật có thật: Sừng nai, đầu đà, mắt thỏ, thân rắn, bụng trai, vảy cá, ngón chân chim, chân hổ, tai bò. Trong tương quan với rồng Đông Á, rồng Việt Nam tuy hạn chế về chủng loại nhưng lại đa dạng, phong phú về hình thức thể hiện, và đặc biệt là linh hoạt thâu nạp, dung hợp với các yếu tố văn hóa ngoại lai qua tương tác để bổ sung, hoàn thiện trong suốt quá trình lịch sử.

Rồng đá bậc thềm Điện Kính Thiên, 

Hoàng thành Thăng Long-Tuyệt tác điêu khắc thời Lê sơ.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ nhiệm Khoa Văn hóa, Đại học KHXHNV Thành phố Hồ Chí Minh, không biết tự lúc nào người Việt có biểu tượng rồng, song từ rất sớm, thời Văn Lang, Âu Lạc, rồng Việt cổ với nguyên mẫu cá sấu sau quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa với Trung Hoa đã dần thành hình ảnh và ý nghĩa của mẫu rồng Á Đông như hôm nay. 

Từ đó trở đi, rồng ngự trị trong tâm thức người Việt như một linh vật đặc biệt, là “vạn vật chi đế”, là biểu tượng của tất cả các ước vọng tốt đẹp nhất trong cuộc sống nhân sinh. Rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loài vật có thật trong tự nhiên, do vậy, rồng mang trong mình hết thảy ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng. Rồng được cho là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, là uy lực bất bại trước kẻ thù. Đồng thời, rồng được người Việt Nam nói riêng và Đông Á nói chung dùng để chuyển tải thông điệp tâm lý-xã hội. Với tính năng siêu việt, rồng được tin là linh vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng, sự thông thái; sứ giả để gửi gắm những ước vọng trong đời như cầu mưa, sinh sôi nảy nở; là linh vật đứng bậc nhất trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”.

Rồng Việt Nam là nhân chứng của lịch sử dân tộc, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ lòng trung nghĩa, bảo vệ lẽ phải và phản ánh đạo lý làm người. Với thuyết Hồng Bàng thị, người Việt coi rồng là một biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Ý thức “con Rồng cháu Tiên” sớm ngấm vào tâm thức từng người con đất Việt từ thuở lọt lòng mẹ. Một trong những sự kiện lịch sử không thể không kể đến là vua Lý Công Uẩn mơ thấy rồng bay lên cho là điềm tốt đã ban “Chiếu dời đô” chuyển kinh đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về trung tâm Đồng bằng sông Hồng và đặt tên là Thăng Long, có nghĩa là rồng bay lên.

Nếu như hình tượng rồng thời đại Hùng Vương là một linh vật thân dài có vảy như cá sấu (chạm trên trống đồng), thời Bắc thuộc rồng có dạng thú thân ngắn (gạch ngói thành Cổ Loa) thì đến thời Lý hình tượng rồng được tạo tác mềm mại uốn cong như hình dáng của những con sông mang nước và phù sa cho sự sống người Việt. Rồng thời Lý đầu ngẩng cao, miệng há rộng đớp viên ngọc quý để lộ hàm răng nhọn, răng nanh dài tì vào mũi như cái mào, bờm và râu dài uốn lượn bay về phía đuôi, toàn thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển theo hình sin mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp, thân trơn không có vảy. Mũi thoát ra mào lửa, trên trán có hoa văn hình như S tượng trưng cho sấm sét, mây mưa. Nhìn chung, hình tượng thời Lý mang đậm nét dân gian, bình dị, chất vị tha Phật giáo, gần gũi với hình tượng rắn thần naga ở Đông Nam Á.

Hình tượng rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Đây là thời kỳ nước ta ba lần đánh bại đội quân thiện chiến Nguyên Mông nên triều Trần được cho là triều đại trọng võ. Phật hoàng Trần Nhân Tông từng truyền dạy: “Nhà ta vốn là người vùng sông nước, đời đời ưa chuộng tính hùng dũng, thường thích hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ nên thích hình rồng vào đùi để không quên nguồn gốc”. Rồng thời Trần cũng uốn lượn với các đường cong tròn nối nhau, khúc trước lớn, khúc sau nhỏ, kết thúc như đuôi rắn nhưng mang đường nét khỏe khoắn, phóng khoáng hơn rồng thời Lý, răng nanh phía trước khá lớn. Miệng rồng há to, ngậm quả cầu, đầu xuất hiện cặp sừng, mào lửa ngắn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, tư thế vươn về phía trước, nhỏ dần phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Vảy rồng có hình nửa nụ hoa tròn hoặc cong thanh thoát. Đuôi rồng cũng nhiều dạng, thẳng, nhọn hoặc xoắn ốc.

Đến cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, khi chế độ phong kiến lấy Nho giáo làm tư tưởng trọng tâm đã bắt đầu suy tàn cũng là lúc hình tượng rồng không còn mang vị trí độc tôn, thay vào đó rồng đã được cách điệu theo hướng dân gian hóa để hội nhập dân gian, thể hiện những khát vọng bình dị của dân gian: Mưa thuận gió hòa, sinh sổi nảy nở, an lành hạnh phúc. Từ đó đến nay, rồng tồn tại bền vững trong văn hóa Việt Nam trong cả đời sống vật chất và tinh thần. Rất nhiều mảng điêu khắc trang trí trên đình, chùa, miếu khắp cả nước dùng hình tượng rồng để trang trí như “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long triều nhật”, “dây lá hóa long”… 

Trong ngôn ngữ, người Việt gìn giữ và sử dụng nhiều ca dao, tục ngữ sử dụng hình ảnh rồng như “Bao giờ cá chép hóa long/Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa”… Thư pháp rồng Việt cũng là một loại hình mỹ thuật chứa đựng đầy đủ các giá trị vốn có của nghệ thuật dân gian và hệ thống ý nghĩa biểu trưng của rồng Việt, mỗi dịp Tết Nguyên đán nhất là năm rồng như năm 2024-Giáp Thìn, những bức thư pháp có hình ảnh rồng cách điệu được người chơi ưa chuộng hơn. Bên cạnh đó là rất nhiều đồ Tết như đồ thờ, cây cảnh, bánh kẹo, áo dài… có trang trí hình ảnh rồng được mọi người tìm mua và sử dụng trong dịp Tết với mong ước và niềm tin vào một năm mới may mắn, tốt đẹp, thịnh vượng như “thăng long”. 

NGỌC TRÚC ANH

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ