A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của người lính pháo binh

QPTĐ-Trong không khí cả nước náo nức kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng  miền Nam, thống nhất đất nước, những ký ức về một thời “hoa lửa” lại hiện về trong tâm trí Đại tá, cựu chiến binh Hoàng Tuấn Thắng, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12). 

CCB Hoàng Tuấn Thắng kế về những ngày kéo pháo vào chiến dịch.

 

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” tháng 12-1971, chàng thanh niên Hoàng Tuấn Thắng đang là học sinh cấp 3, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi. Nhập ngũ, ông được biên chế về Đại đội 23, Phòng Tham mưu (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2), sau đó được điều động về làm nhân viên Bảo mật Sư đoàn. Tại đây, ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở nhiều mặt trận trên chiến trường miền Nam. 

Nhấp xong ly trà, người CCB già chầm chậm kể với chúng tôi về tháng ngày gian nan vất vả, cùng đồng đội chiến đấu anh dũng hy sinh, góp phần làm lên chiến thắng oai hùng của dân tộc. Ông kể: “Mùa Hè đỏ lửa năm 1972 tại thành cổ Quảng Trị, đơn vị ông được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Trực tiếp chứng kiến hình ảnh bộ đội ta cơ động vượt sông Thạch Hãn, nhiều đợt bị đạn pháo của địch tập kích, cả đơn vị hy sinh. Có đơn vị vừa được tăng cường lực lượng, chỉ huy chưa kịp biết mặt, biết tên, chiến sĩ đã bị trúng pháo kích của địch, tất cả đồng đội hy sinh. Dòng sông Thạch Hãn nhuộm mầu đỏ của máu. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ nằm lại dưới đáy sông. Cảnh tượng đó khiến chúng tôi vô cùng đau sót”.

Đầu tháng 3-1975, địch huy động bố trí nhiều lực lượng trên địa bàn Trị Thiên-Huế. Trên hướng Nam và Tây Nam Huế, hệ thống phòng ngự sơ hở hơn, địch tập trung giữ khu vực Mỏ Tàu, điểm cao 303, Động Truồi (Tây Phú Lộc), chốt giữ các đoạn đường quan trọng ngăn chặn quân ta cơ động vào miền Nam. Nhằm phá vỡ kế hoạch bình định, giải phóng 50% số dân đồng bằng của địch, ngày 10-2-1975, Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 và Sư đoàn 325 phối hợp với các lực lượng mở chiến dịch tiến công tổng hợp ở vùng đồng bằng và giáp ranh Trị-Thiên. Mục tiêu tiến công chủ yếu là khu vực Mỏ Tàu, điểm cao 303, Động Truồi. Theo đó, Sư đoàn 325 được lệnh nổ súng tiến công trên cánh phải của Quân đoàn 2, đánh chiếm các mục tiêu được giao.

Nhớ lại thời điểm đó, ông kể: Khi Trung đoàn Pháo binh 84 (Sư đoàn 325) tổ chức kéo hàng chục khẩu pháo lớn vượt dốc lên chiếm lĩnh trận địa với độ cao 847m so với mặt nước biển. Các khẩu pháo đều có trọng lượng vài tấn, độ dốc cao nên việc kéo pháo vào trận địa gặp vô vàn khó khăn. Mỗi khẩu pháo phải huy động cả Tiểu đoàn mới đưa được đến trận địa. Đây được ví như trận “Điện Biên Phủ” thứ hai. Bởi, địa hình vô cùng phức tạp, thời tiết mưa phùn dẫn đến đường trơn trượt. Có lúc, đang kéo thì anh em mất đà, pháo trượt xuống hàng chục mét. Cả đơn vị lại mất cả tiềng đồng hồ mới kéo lên được. Lúc đó, chỉ huy đơn vị đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Cơ quan Sư đoàn tăng cường cho Trung đoàn Pháo binh 84. Với tinh thần, “một người làm việc bằng hai” cán bộ, chiến sĩ không kể ngày hay đêm, trong thời gian gần 4 ngày toàn bộ pháo của Trung đoàn được đưa vào trận địa an toàn, đúng kế hoạch. Khi được lệnh điểm hỏa, pháo của ta bắn lên làm cho quân địch ở điểm cao 303, Động Truồi hoảng loạn, tan rã, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng khác vào đánh chiếm mục tiêu, nhanh chóng cơ động lực lượng vào giải phóng Đà Nẵng, Phan Rang.  

Sau khi giải phóng Phan Rang, trên đường cơ động vào Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc đơn vị ém quân tại khu rừng cao su (Xuân Lộc, Đồng Nai), đội hình Sư đoàn bị máy bay trinh sát của địch phát hiện và phản kích. Chúng sử dụng máy bay C130 và các loại hỏa lực, ném bom điên cuồng quần thảo khiến cho cả tiểu đoàn bị hy sinh, còn lại 10 đồng chí. Trước những hy sinh của đồng đội, anh em trong tiểu đoàn nhanh chóng ổn định tổ chức, tinh thần với mục tiêu lớn nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Mỗi khi đi hành quân qua khu dân cư, chúng tôi được nhân dân đón chào rất nồng nhiệt, hồ hởi. Đặc biệt, khi hành quân đến bến cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng huy động được hàng 100 chiếc thuyền lớn, nhỏ của nhân dân đưa bộ đội qua sông an toàn với tinh thần “Xe chưa qua thì nhà không tiếc” tất cả vì tiền tuyến. Điều đó càng cổ vũ, khích lệ chúng tôi có thêm động lực vượt gian khó, sẵn sàng hy sinh cho đất nước được nở hoa độc lập”. Cựu chiến binh Hoàng Tuấn Thắng, chia sẻ.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Hoàng Tuấn Thắng tiếp tục công tác trong quân đội đến khi về hưu với cấp bậc Đại tá. Trở về cuộc sống đời thường, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội. Hiện nay, ông đang làm tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Láng Hạ (quận Đống Đa). Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao.

Trần Đông
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội