A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông điệp năm mới của Tổng thống Nga V.Putin         

 

QPTĐ-Đã thành thông lệ, trước thềm năm mới, dư luận tập trung sự chú ý vào bản Thông điệp của Tổng thống Nga V.Putin về chính sách đối nội, đối ngoại của Moskva. 

 

 

Tổng thống Nga V.Putin.

 

Cuối tháng 12-2018 vừa qua, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga chủ trì cuộc họp báo “marathon thường niên” lần thứ 14 với sự có mặt của 1.700 nhà báo trong nước và quốc tế. Trong thời gian 3 giờ 40 phút, ông V.Putin đã trả lời 66 câu hỏi, không giới hạn về chủ đề bất kể ở lĩnh vực nào từ tình hình nước Nga, vấn đề quốc tế, kể cả đời tư của Tổng thống. Ông chủ Điện Kremlin đã truyền đi thông điệp về một nước Nga muốn chung sống, phát triển trong môi trường bình đẳng quốc tế. Hai vấn đề được giới báo chí quan tâm, đó là thành tựu quốc phòng, kinh tế Nga trong năm qua và mối quan hệ Nga-Mỹ, NATO trong những năm tiếp theo. 

 

Tiếp theo thắng lợi về quân sự ở Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, Nga đã đạt được mục tiêu giữ vững chính quyền do ông B.al-Assad làm Tổng thống, giành lại hơn 95% lãnh thổ bị chiếm đóng. Liên minh Nga-Iran đang làm chủ cuộc chơi ở Syria sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố sẽ rút hết 2.000 binh sĩ và chuyên gia khỏi đất nước này. Từ Syria, Nga được nâng cao vị thế với chiến thắng toàn diện cả về chính trị, quân sự, ngoại giao khiến nhiều quốc gia Trung Đông, Bắc Phi (Iraq, Yemen, Libya, Ai Cập) kêu gọi được hợp tác quân sự với Nga để ổn định chính trị trong nước, chống khủng bố và xung đột kéo dài. 


Tuy nhiên, việc thời hạn Mỹ rút quân khỏi Syria và đưa số quân này đi đâu vẫn chưa có câu trả lời? Liệu ông D.Trump có thực hiện được ý định giảm 50% số binh sĩ khỏi vũng lầy Afghanistan? Mối quan hệ căng thẳng Iran-Israel hay Israel-Syria còn đó, đang đe dọa hòa bình khu vực? Đó là chưa kể yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ, thành viên NATO, trên bàn cờ Trung Đông? 


Sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga (3-2014), quan hệ Nga-Mỹ, phương Tây trở nên căng thẳng, các bên tuyên bố cấm vận lẫn nhau. Cuộc xung đột miền Đông Donbass lại bị “đổ dầu vào lửa” bởi vụ 3 tàu chiến Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga, bị bắt giữ cùng đoàn thủy thủ (25-11-2018). Mỹ và phương Tây hậu thuẫn chính quyền Kiev, yêu cầu Nga thả tàu và thủy thủ Ukraine không điều kiện, trong khi Moskva cáo buộc Kiev khiêu khích, các thủy thủ phải được xét xử theo luật pháp Nga. Ukraine đang là điểm nóng, có nguy cơ châm ngòi lửa xung đột khu vực với Nga, thậm chí Thế chiến III? 


Vừa qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố, sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ với cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm. Nga phản bác và cảnh báo, thế giới sẽ bất ổn hơn nếu các quốc gia hạt nhân chạy đua vũ trang, dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được vũ khí hạt nhân toàn cầu. 


Trong Thông điệp Liên bang phát đi hồi tháng 3-2018, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, Avangard là “vũ khí siêu thanh bất khả chiến bại”, được trang bị cho quân đội Nga từ năm 2019, sẽ khiến cho các hệ thống phòng thủ của Mỹ và phương Tây trở nên vô dụng. Tên lửa này có vận tốc 30.000km/giờ, bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 27 lần. “Nga là nước đầu tiên trên thế giới nhận được loại vũ khí chiến lược mới và điều này sẽ bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn cho người dân chúng ta trong nhiều thập niên tới. Đây là món quà tuyệt vời cho đất nước trong năm mới”-Hãng TASS dẫn lời Tổng thống V.Putin. 


NATO và phương Tây bày tỏ sự quan ngại trước các loại vũ khí mới của Nga được trang bị cho quân đội trước thềm năm mới 2019. Đó là tên lửa siêu vượt âm Avangard, tên lửa siêu thanh Kinzhal, tàu ngầm thế hệ mới Yasen, tàu ngầm lớp Borei-A, tàu ngầm không người lái Poseidon, máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160M2, Tu-22M3M. Tàu chiến, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược tầm xa (loại Tu, phiên bản mới) có thể mang vũ khí hạt nhân, tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình Kh-32, chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng không nào dù là tiên tiến nhất của Mỹ và NATO. Hiện, Hải quân, Không quân Nga hoạt động tại Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương, vùng biển Địa Trung Hải đã được hiện đại hóa đến 82%. 


Trả lời câu hỏi: “Tổng thống Nga đang tìm cách thống trị thế giới?”, ông V.Putin đáp: “Chúng tôi đang cố gắng trở thành một đối tác bình đẳng trên thế giới. Mỹ chi hơn 700 tỉ USD/năm cho quốc phòng, trong khi chúng tôi chỉ chi 46 tỉ USD. Các nước NATO có 600 triệu dân trong khi Nga chỉ có 140 triệu dân. Nga trở thành sự lựa chọn thích hợp bởi Nga là một trong những quốc gia hạt nhân lớn nhất”.


Các chuyên gia cấp cao Nhà Trắng và Lầu Năm Góc thừa nhận, đáng lo ngại trước lợi thế về công nghệ quốc phòng của Nga, Trung Quốc. Mỹ lên kế hoạch “phát triển và chế tạo vũ khí siêu thanh tấn công vào năm 2025” trang bị cho không quân, hải quân-Đô đốc Hải quân Mỹ J.Richardson xác nhận. Hiện, Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, Cơ quan DARPA (Bộ Quốc phòng Mỹ) đang gấp rút triển khai dự án này. 


Về kinh tế, Nga sớm thành công trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thoát khỏi cấm vận của phương Tây. Năm 2018, GDP tăng trưởng 1,7%, dự trữ vàng, ngoại tệ đạt cao nhất trong 10 năm qua, thu nhập thực tế của người dân tăng nhẹ, thất nghiệp giảm từ 5,2% xuống 4,8%. Nga nhanh chóng lấy lại vị trí tốp đầu sản xuất nông nghiệp. Đứng sau dầu khí, ngành khai thác khoáng sản chiếm tỉ trọng thứ 2, nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu về sản xuất: Bạch kim, vàng, niken, thiếc, kẽm, quặng sắt và tốp đầu thế giới khai thác kim cương, paladi. Sản lượng than đứng thứ 5 với 175 tỉ tấn/năm, khai thác thủy sản đứng thứ 4 toàn cầu, xuất khẩu đất hiếm đứng thứ 2 thế giới, công nghiệp chế biến gỗ thu 20 tỉ USD/năm. Nga có trữ lượng khoáng sản 75.000 tỉ USD, so với Mỹ 45.000 tỉ USD và 23.000 tỉ USD với Trung Quốc. Nga đang đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, khoáng sản vùng đất Sibieria và Viễn Đông, Bắc Cực. 


Hy vọng, những chương trình kinh tế, quốc phòng của nước Nga sớm cán đích bởi Moskva luôn là niềm tin, trụ cột hòa bình thế giới.


HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ