A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yemen: Giao tranh bùng phát, thảm họa nhân đạo!

 

QPTĐ-Lực lượng ly khai miền Nam Yemen được sự hậu thuẫn của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn thành phố cảng Aden, chiếm Phủ Tổng thống bị bỏ trống (10-8) mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự đáng kể nào. Ngày 11-8, liên quân Arab do Arab Saudi cầm đầu, mở chiến dịch quân sự, hỗ trợ quân Chính phủ Yemen, tái chiếm “thủ đô Aden”. Xung đột vũ trang bùng phát dữ dội giữa hai phe có sự chống lưng, can thiệp của quân đội nước ngoài.

 

 

Một địa điểm bị không kích ở Thủ đô Sanaa của Yemen.


Cộng hòa Yemen là quốc gia Hồi giáo vùng Trung Đông, giáp Arab Saudi, biển Đỏ, biển Arab. Là nước nghèo, diện tích 527.000 km2; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cà phê, cá và số lượng nhỏ dầu thô, nền kinh tế Yemen chịu ảnh hưởng vào các nước lớn ở Trung Đông, vùng Vịnh. 


Yemen thành lập Nhà nước Cộng hòa năm 1990 khi hai miền Nam và Bắc Yemen tái thống nhất, đứng đầu là Tổng thống A.Saleh. Quốc gia Hồi giáo này có 27 triệu dân phần lớn là người Hồi giáo dòng Sunni sống ở miền Bắc và cộng đồng người Zaidi; một nhánh thiểu số người Hồi giáo dòng Shitte, trong đó có người Houthi. Phân bố dân cư và sắc tộc cùng những tham vọng phe phái, chính là mầm mống gây xung đột giáo phái kéo dài nhiều năm ở đất nước này. 


Năm 2011, bắt đầu nổ ra xung đột phe phái giữa quân Chính phủ ủng hộ Tổng thống M.Saleh và phe đối lập. Năm 2012, Tổng thống M.Saleh phải từ bỏ quyền lực sau 34  năm tại vị bởi làn sóng biểu tình “Mùa Xuân Arab” tràn qua, đưa ông M.Hadi (34 tuổi) lên làm Tổng thống. Đáp lại, ông M.Saleh quay sang liên minh với lực lượng dân quân Houthi (dòng Hồi giáo Shitte, được Iran hậu thuẫn), chống lại lực lượng của tân Tổng thống M.Hadi (dòng Hồi giáo Sunni, được Arab Saudi ủng hộ). Từ đó, nổ ra xung đột vũ trang giữa quân Chính phủ với nhóm dân quân Houthi và lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống M.Saleh, khiến đất nước này rơi vào giai đoạn bất ổn định, mở đường cho các lực lượng nước ngoài can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. 


Tháng 3-2015, lực lượng dân quân Houthi được Iran hậu thuẫn, mở đợt tấn công quy mô lớn, đánh chiếm thủ đô Sanaa. Chính phủ Yemen chuyển “thủ đô” đến cảng Aden. Phe đối lập ủng hộ cựu Tổng thống M.Saleh, được Houthi làm nòng cốt, trên đà thắng thế. 


Liên quân vùng Vịnh, được sự hỗ trợ của Mỹ, ra đời do Arab Saudi cầm đầu; dưới danh nghĩa chống khủng bố, ủng hộ Tổng thống M.Hadi, tuyên chiến với lực lượng Houthi. Xung đột vũ trang sắc tộc giữa các phe phái bỗng trở thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm, với sự tham gia của nhiều quốc gia khu vực, đặc biệt là Arab Saudi và Iran, khiến đất nước Yemen lâm vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Arab Saudi luôn coi Yemen là sân sau của mình.


Đầu tháng 12-2017, cựu Tổng thống M.Saleh phát biểu trên truyền hình, kêu gọi các bên ngừng bắn, các nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa, phe đối lập sẽ mở cửa sân bay quốc tế và sẵn sàng đối thoại với Chính phủ, cùng chung tay chống khủng bố! Lập tức, liên minh Arab hoan nghênh “nỗ lực đi đầu” của ông M.Saleh. Đáp trả, Houthi cáo buộc ông M.Saleh “phản bội” và sát hại vị cựu Tổng thống này. 


Khủng hoảng chính trị, xung đột ở Yemen gây thêm bất ổn ở Trung Đông trong khi phiến quân Hồi giáo IS đang gia tăng hoạt động khủng bố ở Iraq, Syria. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố, bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình Yemen, đặc biệt là thảm họa nhân đạo.


 Nếu như năm 2016-2017, ở Yemen, hàng ngày có 300-500 người bị thương vong, gần 1 triệu người mắc bệnh dịch tả, hơn 8 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men thì đến nay, đất nước này phải gánh chịu số người thiệt mạng đến gần 100 ngàn, chủ yếu là dân thường và 200 ngàn người mang thương tật suốt đời; 24 triệu người cần viện trợ nhân đạo trong đó có 20 triệu người thiếu lương thực, cần được chăm sóc y tế-Theo số liệu của Liên hợp quốc, “xung đột kéo dài nhiều năm qua tại Yemen đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới”. Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen I.Ahmed kêu gọi các bên giảm căng thẳng và trở lại vô điều kiện tiến trình chính trị do Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm đi tới một lệnh ngừng bắn bền vững.


Vì sao Yemen chưa chạm được một tay vào hòa bình? 


Trước hết, Nhà nước trẻ Yemen được hình thành trên cơ sở tái thống nhất 2 vùng dân cư miền Nam, miền Bắc mang đầy rẫy mâu thuẫn nội tại. Hai miền Nam-Bắc vẫn bảo lưu những tiềm năng quân sự, chính trị riêng biệt. Ông M.Saleh là Tổng thống quốc gia thống nhất, đại diện cho phái Hồi giáo dòng Shitte thiểu số miền Nam; trong khi phe miền Bắc do ông M.Hadi là đại diện dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số, thân phương Tây, có xu hướng trỗi dậy. Nghiêm trọng hơn, dòng Hồi giáo Shiite-miền Nam được Iran hậu thuẫn và dòng Hồi giáo Sunni-miền Bắc được Arab Saudi hỗ trợ, đối đầu nhau. 


Từ cuối năm 2014, nội chiến đã bùng phát do lực lượng dân quân Houthi, dòng Shitte, chống lại Chính phủ. Tháng 5-2015, Houthi đánh chiếm sân bay quốc tế, chiếm Dinh Tổng thống và thủ đô Sanaa, cảng Aden; buộc Tổng thống M.Hadi phải chạy sang Arab Saudi. Bốn năm qua (2015-2019), liên quân Arab và Houthi mở nhiều trận chiến ác liệt, tấn công lẫn nhau. Houthi đã nhiều lần tấn công tên lửa diệt tàu chiến trên biển Aden; phóng tên lửa đạn đạo, UAV vào sân bay quốc tế, các căn cứ quân sự và thủ đô Riyadh của Arab Saudi. Liên minh Arab cáo buộc Iran hậu thuẫn phiến quân Houthi, Hezbollah- Lebanon chống lại Arab Saudi, Israel. Dư luận quan ngại, xung đột ở Yemen sẽ là mảnh đất màu mỡ cho khủng bố quốc tế Al-Qaeda, Hồi giáo IS trỗi dậy?  


Hiện, quan hệ Mỹ và Iran căng thẳng đến tột độ, đốt nóng vịnh Ba Tư. UAE, quốc gia vùng Vịnh-đồng minh của Mỹ bỗng quay sang ủng hộ phe ly khai miền Nam dòng Hồi giáo Shitte (thân Iran) là điều khác lạ. Được biết, một phái đoàn UAE đã đến Tehran đàm phán với Iran, liệu có là dấu hiệu tốt lành với Yemen và Trung Đông? Ngày 15-8, chính quyền Gibraltar, lãnh thổ nước ngoài thuộc Anh, thả siêu tàu Grace-1 của Iran chở 2,1 triệu thùng dầu bị giữ từ ngày 4-7, được xem là tín hiệu giảm căng thẳng trên vịnh Ba Tư.


NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ