A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến sự Đông Ghouta-Khủng hoảng nhân đạo?         

 

QPTĐ-Theo đề nghị của Anh và Pháp, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (7-3) họp khẩn thảo luận về sự thất bại của lệnh ngừng bắn trong 30 ngày ở Syria theo Nghị quyết 2401 của Liên hợp quốc, có hiệu lực từ ngày 27-2. Theo đó, các cuộc không kích và xung đột vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt tại khu vực Đông Ghouta, từ ngày 18-2 đến nay, làm hơn 800 thường dân thiệt mạng trong đó có gần 200 trẻ em, hàng trăm ngàn người khác nằm trong khu vực, sống giữa hai làn đạn, thiếu lương thực, thuốc men, cần được cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, sau 3 giờ thảo luận kín, phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an về áp lệnh ngừng bắn ở Syria tạm kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào. Vì sao vậy? 

 

 

Chiến sự diễn ra ác liệt tại Đông Ghouta. 


Đông Ghouta thuộc ngoại ô Thủ đô Damass có diện tích khoảng 100 km2, dân số 400.000 người, bị các lực lượng đối lập chiếm từ năm 2012. Gần đây, kiểm soát các cứ điểm quan trọng khu vực này do nhóm phiến quân địa phương Jaysh al-Islam và khoảng 10.000 tay súng “đối lập ôn hòa” Dân chủ Syria (SDF) do lực lượng người Kurd (YPG) làm nòng cốt. Các nhóm quân nổi dậy thường xuyên nã roc-ket, tấn công khủng bố vào các khu vực dân cư ở Damass và vùng ngoại ô. “Các tay súng khủng bố ở Đông Ghouta đã tấn công vào Damass khoảng 50-80 lần/ngày. Chúng tấn công cả vào khu vực Đại sứ quán Nga. Chúng tôi sẽ không để những vụ việc tương tự xảy ra thêm.”-Tổng thống Nga V.Putin nói với Thủ tướng Áo S.Kuz trong cuộc hội đàm dịp đầu tháng 3 vừa qua. 


Quân đội Syria phối hợp cùng Không quân VKS gia tăng không kích, sử dụng Quân đoàn Tiger và Sư đoàn Cơ giới số 4 đánh chiếm các mục tiêu. Sau 3 tuần tham chiến, quân Chính phủ đã giải phóng 40% lãnh thổ Đông Ghouta, chia cắt khu vực này ra làm hai phần. Chiến sự Đông Ghouta được ví như trận “Aleppo 2”, là “nồi hầm” vây chặt hàng vạn phiến quân khủng bố nhóm HTS và phe “đối lập ôn hòa” được Mỹ hậu thuẫn, trong đó có khoảng 2.000 cố vấn, binh sĩ đặc nhiệm Mỹ, Anh, Canada mắc kẹt ở đây, khiến Washington phải la lối “quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Ghouta giết hại dân thường”. Đây được xem là động thái quen thuộc của Mỹ trước khi tấn công tên lửa hành trình hoặc không kích vào quân đội SAA, như  họ đã từng làm năm 2017?


Trước đó, Hội đồng Bảo an họp khẩn (24-2) ban bố lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày ở Syria. Tuy nhiên, các nhóm phiến quân Hồi giáo IS, Al-Qaeda hoặc Al-Nusra không thuộc đối tượng áp dụng lệnh này. Theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin, lệnh ngừng bắn kéo dài 5 giờ đồng hồ (từ 9-14 giờ) hàng ngày, đồng thời tạo lập một hành lang nhân đạo để sơ tán người dân, đặc biệt những người bị thương khỏi khu vực chiến sự.

 

Nga thông báo, các tay súng đối lập Syria được phép mang theo vũ khí cá nhân rời khỏi vùng Đông Ghouta cùng gia đình theo hành lang nhân đạo; đồng thời đảm bảo cho các phiến quân được miễn truy tố. Tuy nhiên, phe đối lập sử dụng dân thường làm lá chắn sống nên rất ít người dân thoát khỏi khu vực. Hoạt động nhân đạo của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cũng không hiệu quả. Ngày 6-3, 46 xe chở 247 tấn hàng cứu trợ mới chỉ cấp được 50% hàng hóa đã phải dừng lại do pháo kích, không kích giữa hai phía.


Xung đột hơn 7 năm qua ở Syria được cho là cuộc chiến đẫm máu, ác liệt nhất ở khu vực Trung Đông những năm đầu thể kỷ XXI, làm hơn 470.000 người thiệt mạng, 117.000 người mất tích, hơn 10 triệu người mất nhà cửa, GDP giảm 18% (theo WB). Sau tuyên ngôn “chống khủng bố” của Nhà Trắng năm 2001, Mỹ, NATO và phương Tây đưa binh sĩ, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại tràn ngập Afghanistan, Iraq, Libya.

 

Nhưng cuộc chiến chống phiến quân Al-Qaeda, Al-Nusra, Taliban, Hồi giáo IS của phương Tây chưa có hồi kết. Liên quân 60 nước do Mỹ cầm đầu tuyên chiến với Nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq, Syria từ giữa năm 2014 đến nay, được cho là kém hiệu quả, nếu không muốn nói, Mỹ và phương Tây lấy danh nghĩa chống khủng bố để thực hiện ý đồ lật đổ Chính phủ hợp hiến ở các nước này, trong đó có Tổng thống Syria B.al-Assad (thân Nga)? 


Cuộc xung đột ở Syria có bước ngoặt mới sau khi Nga tuyên bố, đưa quân đội vào Syria chống khủng bố theo đề nghị của Tổng thống B.al-Assad, từ 30-9-2015 đến nay. Chiến sự ở Syria không còn là xung đột nội bộ giữa Quân đội Chính phủ (SAA) với các phe phái nổi dậy mà là cuộc chiến giữa quân Chính phủ được liên minh Nga-Iran-Hezbollah do Nga cầm đầu với các lực lượng nổi dậy được liên minh phương Tây, vùng Vịnh, Israel hậu thuẫn do Mỹ cầm đầu. Đó là chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện Chiến dịch “Lá chắn Euphrates”-“Nhành Oliu” đưa binh sĩ vào Syria, hỗ trợ lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA), chống lại lực lượng người Kurd âm mưu thành lập Nhà nước tự trị, đồng thời ngăn cản bước tiến của quân Chính phủ. 


Được Lực lượng Không quân vũ trụ Nga (VKS) và liên quân hỗ trợ, Quân đội SAA liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường. Nếu năm 2014-2015, Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng chiếm 30% lãnh thổ Iraq, 50% lãnh thổ Syria thì Chính phủ B.al-Assad đã kiểm soát lại hơn 70% lãnh thổ, phiến quân Hồi giáo IS chỉ chiếm khoảng 5% đất đai vùng biên giới với Iraq, các lực lượng nổi dậy quản lý khoảng 25% đất đai.

 

Từ năm 2016, Chính phủ của Tổng thống B.al-Assad lấy lại vị thế trên chiến trường, buộc các phe phái nổi dậy phải thương lượng-Điều mà trước đó, dù nằm mơ, những người dân ở quốc gia Trung Đông này cũng không hề thấy! Cuối năm 2017, Chính phủ Iraq và Syria tuyên bố, Hồi giáo IS đã bị đánh bại ở hai quốc gia này. Tuy vậy, cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa kết thúc! 


Trên thực tế, Chính phủ Syria không chỉ phải chống lại phiến quân IS mà Quân đội SAA phải căng mình, chật vật chống lại hàng chục nhóm nổi dậy thuộc phe “đối lập ôn hòa” được tập hợp dưới tên gọi: Dân chủ Syria (SDF), người Kurd-YPG (Mỹ hậu thuẫn), FSA (Thổ hậu thuẫn). Đó là chưa kể sự đe dọa của các nước láng giềng vùng Vịnh do Arab Sadi đứng đầu và Israel lăm le xâm lấn. Việc Nga giúp Chính phủ Syria của Tổng thống B.al-Assad giành chiến thắng trên chiến trường, củng cố ngôi vị, là cái gai đâm vào mắt người Mỹ, khiến Washington không dễ dàng bỏ qua. 


Là “khách không mời vẫn đến”, Mỹ thành lập 20 căn cứ quân sự ở Syria bất chấp sự phản đối của Chính phủ B.al-Assad. Mỹ không thể làm ngơ cho Nga ca khúc khải hoàn về cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, gây ảnh hưởng khu vực địa-chính trị Trung Đông. Mỹ và Nga khó tìm được tiếng nói chung ở Syria, khiến bão lửa sẽ còn gieo rắc lên đầu những người thường dân vô tội ở quốc gia Trung Đông này? 


NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ