A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam

 

QPTĐ-Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững. 

Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn là những mục tiêu chiến lược trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong những năm gần đây. Đó là kết quả của quá trình triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, đang được người nông dân quan tâm và ngày càng tham gia nhiều vào hệ thống mô hình mới này.

Nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh, sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân năng suất, hiệu quả vượt trội và đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn.

Phát triển du lịch nông nghiệp xanh tại Mộc Châu. (Ảnh: Internet)
 
Mục tiêu tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới, trong đó Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh. Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đó là “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”.

Theo đó, Kế hoạch hành động bảo đảm hài hòa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh; gắn tăng trưởng xanh với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.

Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm một số trọng tâm như: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; Giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước; mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia.

Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp... đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Chuyển đổi mô hình trồng cây ít chất thải. (Ảnh: Internet)

Thực tiễn trong thời gian qua, đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân có kỹ năng sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp rất tốt trong nhiều năm qua. Sự phát triển của các mô hình canh tác lúa bền vững “ruộng lúa bờ hoa”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, SRI, ICM… cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân trồng lúa tại Việt Nam. 

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ. Đối với cây ăn trái, áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản, áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn. 

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang là một hướng đi trong phát triển nông nghiệp xanh được nhiều địa phương khai phá. Những trang trại có thể gắn kết với các làng nghề truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tạo các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng để thu hút, phục vụ khách du lịch.

Một trong những cách thức canh tác của nông nghiệp xanh chính là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đã tăng từ 53.350ha năm 2016 lên khoảng 237.693ha năm 2019. Trong đó, 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện và phát động phong trào sản xuất hữu cơ. Số lượng nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Theo điều tra của Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế năm 2020, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới. 

Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới. Vì vậy, nông nghiệp xanh sẽ là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp Việt Nam, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ