A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam tiếp tục nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

QPTĐ-Ngày 2-9-2020, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020. Việt Nam tiếp tục duy trì ở thứ hạng cao, xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng nâng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Việt Nam xếp thứ 42 về Chỉ số đổi mới Sáng tạo toàn cầu | Báo dân sinh

Việt Nam xếp vị trí 42/131 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD của Pháp và Đại học Cornell của Mỹ tiến hành. Trong đánh giá của WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ dựa trên nghiên cứu, phát triển mà bao trùm cả trong tổ chức, thị trường. Chính phủ Việt Nam đã sử dụng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như một công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.

Ngày 6-2-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo tập huấn và trực tiếp trao đổi, hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương. Cục Sở hữu trí tuệ được giao chủ trì 08 chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ nêu trong Báo cáo về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của WIPO.

Những chuyển biến tích cực

Sau 5 năm, Việt Nam từ vị trí 59 (năm 2016) trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã tăng 17 bậc, xếp vị trí 42/129 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019) và 42/131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2020). 

Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số, được chia thành bảy trụ cột chính với năm trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường; môi trường kinh doanh. Hai trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo. Năm 2019, một số chỉ số có cải thiện đáng chú ý so với năm 2018 là trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; tín dụng tăng 4 bậc; năng suất lao động tăng 3 bậc. Hai chỉ số liên quan đầu vào và đầu ra của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những bước nhảy vọt, cụ thể: Chỉ số tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc; chỉ số sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc. Điều này được minh chứng qua việc gần đây các tập đoàn lớn tăng cường đầu tư phát triển khoa học và công nghệ như: Vingroup, CMC, Trường Hải… Việc Việt Nam gia tăng thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo là cơ hội để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2020, nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng, minh chứng cho việc duy trì đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi về thể chế, trình độ kinh doanh, tín dụng tiếp tục ở mức cao. Từ việc đầu tư đầu vào, các chỉ số đầu ra của Việt Nam cũng tiếp tục được duy trì và tăng. So với năm 2019, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc; chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc.

Giải pháp cho phát triển tương lai

Cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.

Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo qua các năm. Nhưng khi càng gần tốp 40 là những nước có thu nhập vượt trội thì việc cải thiện để vươn lên là điều hết sức khó khăn, cần có sự nỗ lực lớn. Việt Nam phải quyết tâm nâng cao về chất thay vì về lượng, như: Tăng cường cho đầu tư nghiên cứu và phát triển, gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong xuất khẩu công nghệ cao. Ngoài ra, cần chú ý cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, trình độ kinh doanh; thúc đẩy các chính sách để thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài để nâng cao năng lực trong nước; giữ vững đà tăng trưởng về chất lượng của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nâng cao; tiếp tục tích hợp và áp dụng các kế hoạch, chiến lược sở hữu trí tuệ đáp ứng nhu cầu và chính sách trong nước. Ngoài ra, cần có những đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển nói chung, từ đó mới có thể có những đột phá về kết quả đầu ra như số lượng đăng ký sáng chế và các tài sản trí tuệ khác, góp phần nâng cao chất lượng của đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, để cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, Việt Nam cần chú trọng các yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần tập trung cải thiện các chỉ số còn có thứ hạng thấp và chưa có chuyển biến tích cực trong nhiều năm như: Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật; xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh nhằm cải thiện nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, nhất là cải thiện giáo dục đại học. Trong đó, cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, cải thiện các chỉ số về sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ