Thay đổi tư duy phòng, chống dịch gắn với giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế
QPTĐ-Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngoài việc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thông tin khái quát tình hình kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời, đề ra những chủ trương, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong thời gian tiếp theo.
Chính phủ chỉ đạo tập trung các nguồn lực để phục hồi và phát triển nền kinh tế. (Ảnh: Internet)
Dấu hiệu phục hồi kinh tế
Trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế; nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Xuất khẩu tháng 10 tăng 6,4% và xuất siêu 2,85 tỷ USD; ước 10 tháng xuất siêu 160 triệu USD. Thu hút vốn FDI 10 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại. Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 91% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ phục hồi khá nhanh.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng. Tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải... Lao động, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề...
Chuyển đổi tư duy phòng, chống dịch
Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước hết, chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid-19) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua. Bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.
Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Huy động nguồn lực phục hồi kinh tế
Về các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trong đó đặc biệt chú trọng phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thông suốt; khắc phục nhanh những bất cập, vướng mắc; hỗ trợ kịp thời, thiết thực, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Đẩy mạnh khôi phục, phát triển thị trường lao động và đào tạo lao động; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng vững chắc cho đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế, phù hợp với những điều chỉnh của kinh tế thế giới trong bối cảnh dịch bệnh.
P.Linh