A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam kêu gọi bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

 

QPTĐ-Ngày 19/5/2022, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề “Xung đột và an ninh lương thực”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các diễn giả bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có hiện nay với hơn 811 triệu người đang thiếu lương thực. Các quốc gia chia sẻ quan ngại về tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu. 

Việt Nam mong muốn trở thành một trung tâm sáng tạo về lương thực của khu vực. (Ảnh: Internet)

Thách thức an ninh lương thực toàn cầu

Chiến tranh thường kéo theo đói kém, những vùng chịu tác động của xung đột hiện tập trung 60% số người suy dinh dưỡng toàn cầu. Tình hình mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi, nơi đang trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, xung đột và bất ổn tiếp diễn tại Ethiopia và Somalia khiến cuộc sống của người dân thêm khốn khó. Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine khiến tình hình thêm ảm đạm. 

Cơn sốt giá lương thực thế giới được đẩy lên thêm một nấc thang mới khi vào ngày 14/5/2022 vừa qua, Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới, lệnh cấm của Ấn Độ nhanh chóng lan rộng trên thị trường thế giới đẩy giá mặt hàng này tiếp tục tăng. Quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của Chính phủ Ấn Độ nhằm kiểm soát lạm phát, cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước. Các nhà kinh doanh và xuất khẩu lúa mì cho rằng, động thái của Chính phủ Ấn Độ sẽ giúp ổn định giá lúa mì, khi mà nhiều thương nhân và nông dân đang tích trữ lượng lúa mì và chờ giá tăng cao hơn. Giá lúa mì ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục ở một số thị trường. Chi phí nhiên liệu, nhân công và vận chuyển tăng cũng đã khiến giá lúa mì ở Ấn Độ tăng cao. 

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Ấn Độ vì cho rằng động thái này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến các nước như Bangladesh và Nepal cùng nhiều quốc gia khác phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Để hạ nhiệt cơn sốt giá lương thực hiện nay, ngày 16/5/2022, Chính phủ Mexico quyết định giảm thuế nhập khẩu trong vòng 1 năm đối với 66 mặt hàng lương thực và vệ sinh.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển. Bên cạnh các nỗ lực nhân đạo, cần phải có những biện pháp bền vững nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột trong bảo đảm cung cấp lương thực và cải thiện mức sống của người dân, cũng như thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam mong muốn trở thành một “trung tâm sáng tạo về lương thực” của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Cơ hội xuất khẩu gạo đối với Việt Nam

Cơn sốt giá lương thực thế giới mở ra cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 4/2022 đạt 550.000 tấn, trị giá 273 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,05 triệu tấn với kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Gạo chất lượng cao của Việt Nam ngày càng khẳng định được thương hiệu tại các thị trường khó tính. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước.

Gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4/2022 ở mức 410-412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361-365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4/2022, thì sang đầu tháng 5/2022 đã giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3/2022. 

Philippines tiếp tục đứng đầu là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Trong quý I/2022, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 672.136 tấn, kim ngạch 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch. Gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá. Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. 

Ngành Gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường. Trước đây, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75- 80%. Hiện nhiều địa phương tại Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường khó tính. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt. 
Tại Bắc Âu, nhu cầu nhập khẩu của khu vực lên đến 1,8 triệu tấn gạo xay xát khi họ không tự túc được gạo, mà chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Triển vọng đến năm 2030, nhập khẩu gạo của EU sẽ tăng khoảng 250.000 tấn. Đây là lý do thời gian qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt. Gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24 và ST25 đã vào một số thị trường lớn EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italia, Ba Lan.

Theo đánh giá, giá gạo sẽ tăng tiếp vì chi phí sản xuất hiện tại quá cao. Xu hướng tăng giá lương thực toàn cầu hiện tại càng củng cố niềm tin và kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về một mức giá tốt trong tương lai gần.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ