A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

QPTĐ- Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình thay đổi hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Sự chuyển dịch này tiếp tục được duy trì sau đại dịch, thậm chí còn tăng trưởng nhiều hơn khi các ngân hàng nắm bắt xu hướng, tích cực triển khai các dịch vụ, công nghệ hiện đại, với nhiều chương trình ưu đãi. Người dân, đặc biệt là giới trẻ nhanh chóng tiếp nhận các công nghệ thanh toán mới tiện dụng hơn tiến kịp với bùng nổ của thương mại điện tử.

Hội thảo Xã hội không tiền mặt tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 Ảnh: Internet

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển dịch vụ thanh toán

Năm 2022, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục bùng nổ, nhất là các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại. Các chỉ số TTKDTM tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động đã đạt được những kết quả ấn tượng, thu hút số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ khá lớn cũng như số lượng và giá trị giao dịch tăng cao. Năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị so với 2021. 

Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022. Quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng.

Ngân hàng VPBank đã đi trước đón đầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư và phát triển ngân hàng số, triển khai nhiều ứng dụng ngân hàng số hiện đại. Ứng dụng ngân hàng số Super App của VPBank đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, từ gửi tiền, thanh toán, mở thẻ tín dụng và vay 100% số hoá. Super App cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên điện thoại thông minh qua công nghệ định danh eKYC đã ghi nhận số lượng khách hàng đăng ký sử dụng app tính tới cuối quý III/2022 tăng 67% so với cùng kỳ, đưa tổng số khách hàng đăng ký sử dụng app lên 4,4 triệu khách hàng. Số lượng giao dịch qua VPBank NEO năm 2022 tăng mạnh. 

Cùng với đó, tỉ lệ huy động tiền gửi có kỳ hạn online trên nền tảng số này đạt 71%, tăng 15% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, ngân hàng số Cake by VPBank-dịch vụ ngân hàng được "đo ni đóng giày" cho nhóm khách hàng trẻ, chỉ sau thời gian ngắn ra mắt, đã có được hơn 2,7 triệu khách hàng tham gia, góp phần định hình xu hướng TTKDTM của giới trẻ tại Việt Nam.

Ngân hàng TPBank cho ra mắt bộ sưu tập 5 tính năng cá nhân hóa bao gồm: Thanh toán bằng khuôn mặt (Facepay), chuyển tiền dễ dàng như chat (Chatpay), thanh toán bằng giọng nói (Voicepay), tài khoản sử dụng Nickname, giao diện widgets tùy biến theo sở thích (MeZone)… trên app của TPBank. 

Phối hợp cùng Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai tích hợp thành công hệ thống thanh toán bù trừ tự động-Automated Clearing House trong chuyển tiền nhanh liên ngân hàng tại quầy giao dịch và tích hợp vào app TPBank. Tính năng này giúp khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền nhanh theo thời gian thực, chuyển tiền định danh số điện thoại, thanh toán tự động dịch vụ công như cước, thuế, dịch vụ yêu cầu thanh toán thông suốt 24/7. TPBank xây dựng ứng dụng ngân hàng điện tử eBankX cho khách hàng cá nhân, eBankBiz cho khách hàng doanh nghiệp.

Ngân hàng Sacombank nhận diện và đón đầu xu hướng này từ rất sớm và đã đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang lợi ích thiết thực cho khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Đó là công nghệ xác thực trực tuyến (eKYC), mở tài khoản, mở thẻ phi vật lý 100% online chỉ trong một vài thao tác, công nghệ thanh toán chạm bằng điện thoại… hay công nghệ Tap to phone-công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng như một thiết bị POS để thanh toán không tiếp xúc. Bên cạnh dịch vụ mới, Sacombank đầu tư nâng cấp hệ thống bảo mật và ứng dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến nhất như 3D-Secure.

 Hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái ngân hàng số

Trong xu thế hội nhập và phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tăng cường dịch vụ tài chính-ngân hàng bán lẻ là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng và tổ chức tài chính, giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định để phục vụ phát triển kinh tế. Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại trên nền tảng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số.

Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức thẻ Visa, người dùng Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán, cụ thể 76% người dùng đã sử dụng ví điện tử và 82% người đã sử dụng thẻ, hơn 50% bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% đã tăng mức độ sử dụng thanh toán không tiếp xúc. Theo thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ lưu hành đạt gần 130 triệu thẻ tính đến hết tháng 6/2022, tăng gần 20% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng trưởng của thẻ mới đạt đến 50%.

Tuy phương thức TTKDTM đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng sự bùng nổ này vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa với nhiều dư địa vẫn còn đang bỏ ngỏ, hơn 90% giao dịch tại đây vẫn là giao dịch tiền mặt và người dân không có ATM để rút tiền khi cần, không có máy chấp nhận thẻ để giao dịch. Con số này cho thấy sự phát triển còn rất hạn chế của mạng lưới chấp nhận thẻ, chỉ phục vụ được 30% nhu cầu thực tế so với tổng nhu cầu của cả nước lên đến 1,2 triệu thiết bị. Ngoài ra, việc thay đổi tập quán sử dụng tiền mặt cũng gặp nhiều khó khăn, khi người dân vẫn còn nghi ngại tính an toàn của các công nghệ mới vì tình hình gian lận trong thanh toán điện tử ngày càng gia tăng và tinh vi hơn.

Để thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam, các ngân hàng, công ty tài chính cần quan tâm nhiều hơn việc đầu tư, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa để người dân có nơi để sử dụng; xây dựng nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm phương thức thanh toán mới, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ