A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo dựng hệ sinh thái ngân hàng số Việt Nam

 

QPTĐ-Chuyển đổi số ngân hàng đang diễn ra khá sôi động tại Việt Nam, các hoạt động ngân hàng không tiếp xúc trở nên phổ biến hơn và dần trở thành thói quen trong xã hội. Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp các ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đảm bảo các giao dịch thông suốt và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Hội thảo xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số tổ chức tại Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Chuyển đổi số ngân hàng là nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số. Thách thức trong đối phó với đại dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội cho ngân hàng số phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra doanh thu cao hơn với chi phí vận hành thấp hơn, tốc độ mở rộng thị trường nhanh hơn, cho phép tiếp cận hệ sinh thái của các doanh nghiệp và khách hàng, mang lại lợi ích theo cấp số nhân về kiến thức và dữ liệu.

xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, trong đó ngân hàng là ngành kinh tế mở đường trong chủ động tham gia CMCN lần thứ tư, đi đầu trong chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số.

Ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ hội để các ngân hàng đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số và thiết lập hệ sinh thái ngân hàng số một cách toàn diện.

Trong lộ trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, một trong những nội dung quan trọng là xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số. Cuộc đua ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi động tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phải thay đổi thói quen từ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thanh toán, dịch vụ… nhằm thích nghi với những khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ số hóa, các dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Xu hướng phát triển hệ sinh thái ngân hàng số đặt trọng tâm vào đa dạng hóa các dịch vụ theo mô hình đa kênh nhằm thu hút và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, đồng thời còn đề xuất nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, hiệu quả cho hoạt động ngân hàng, thiết kế trải nghiệm khách hàng và đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch trực tuyến.

Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động chuyển đổi số trong những năm qua, nhiều ngân hàng đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt. Nhờ chuyển đổi số, nhiều ngân hàng không chỉ duy trì sự ổn định trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà còn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các ngân hàng đã xác định chuyển đổi số không còn là định hướng, mục tiêu, mà là nhu cầu cần thiết của mỗi ngân hàng. Nếu không chuyển đổi số, chắc chắn các ngân hàng sẽ tụt hậu, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán ví điện tử, fintech.

Theo thống kê, hơn 94% các ngân hàng thương mại đã tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số. Ngân hàng nào tham gia vào sâu, tiện ích tạo cho người dân được tiện lợi nhất, nhanh, hiệu quả, an toàn thì hệ sinh thái của ngân hàng đó được khách hàng trải nghiệm nhiều nhất. 

Chìa khóa phát triển

So với ngân hàng truyền thống, ngân hàng số có những điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh hơn. Đó là cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số, chủ yếu được thực hiện thông qua internet, điện thoại di động thông minh, máy tính bảng và có thể cả mạng xã hội.

Các hình thái về ngân hàng số ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á đang phát triển nhanh và đa dạng. Trong một vài năm tới, ngân hàng số tại Việt Nam sẽ rất phát triển, bởi tầng lớp trung lưu đang tăng lên rất nhanh. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số. Việt Nam sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn để các dịch vụ tài chính, đặc biệt các dịch vụ tài chính được số hóa phát triển.

Hơn nữa, nếu so sánh với các quốc gia khác thì Việt Nam có dân số tương đối trẻ. Đây sẽ là một trong những lực lượng chính tham gia vào thị trường tài chính và tạo nên hình thái của thị trường tài chính trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ và ngân hàng Trung ương đều có động thái cởi mở trong hoạt động chuyển số sẽ thúc đẩy và là cơ hội lớn để ngành Ngân hàng, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phát triển trong một vài năm tới.

Tuy nhiên, chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể, năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số; một số ngân hàng đã tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này; chuyển đổi số mới tập trung chủ yếu ở số hóa kênh phân phối, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng như cho vay (lending), tiền gửi (deposit) vẫn còn phải thực hiện theo quy trình bán tự động.

Giới chuyên gia đều chung quan điểm, dịch Covid-19 đã khiến tâm lý, hành vi tiêu dùng và đầu tư của khách hàng thay đổi, đòi hỏi phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ… Các ngân hàng sẽ phải quen với trạng thái “bình thường mới” khi đa số khách hàng không có nhu cầu và không muốn tới chi nhánh nữa, mạng lưới chi nhánh lớn chuyển từ lợi thế thành điểm yếu về chi phí. Chưa kể cạnh tranh không chỉ tới từ ngân hàng khác mà còn đến từ các tổ chức không phải ngân hàng, thậm chí là các đối tác trước đây của ngân hàng; năng lực và kiến trúc công nghệ của ngân hàng lõi theo truyền thống không còn phù hợp với môi trường cạnh tranh mới.

Con người và công nghệ sẽ luôn là hai đột phá chiến lược trong sáng tạo và chuyển đổi số. Mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng trên nền tảng số từ ngân hàng số giúp các ngân hàng thích ứng tốt và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, đem lại lợi ích cho ngân hàng về tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sự gắn kết với khách hàng, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ