Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng
QPTĐ-8 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc, phục hồi trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới cả năm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước đạt 497,64 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh: Internet)
Kinh tế tiếp tục đà phục hồi
8 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động đối ngoại đúng hướng, hỗ trợ tích cực cho đối nội. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; thu hoạch lúa, hoa màu vụ Hè Thu, đồng thời xuống giống lúa vụ Thu Đông. Chăn nuôi phát triển ổn định. Hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi, khai thác gỗ được triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do thời tiết ngư trường không thuận lợi cho đánh bắt xa bờ.
Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung, tiếp tục là động lực phát triển của nền kinh tế. Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Tám phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tháng 8/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 đạt 486,4 nghìn lượt người - tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD, là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn…
Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2022 là về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Cùng với đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài "rót" vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,78 tỷ USD.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Trong tuần cuối tháng 8, các tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 7,5-8,5% dựa trên bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2 quý đầu năm và các chỉ số kinh tế 8 tháng của năm. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Worldbank điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3/2022 và 3,9% trong quý 4/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: Điện thoại và linh kiện, máy tính-linh kiện, máy móc, thiết bị, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2021, Việt Nam có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng chỉ trong 8 tháng năm nay đã có 30 mặt hàng kim ngạch vượt 1 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nhiều ý kiến lạc quan về mục tiêu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm sẽ vượt mốc 700 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý nữa đó là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang oằn mình đương đầu với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái thì mức lạm phát ở Việt Nam khá ổn định ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2022 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, với tinh thần vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để sản xuất kinh doanh, trong 8 tháng năm nay cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động; trong đó, có 101,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 24,2% và 48,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; bình quân 1 tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.
Bên cạnh những dấu hiệu phục hồi tích cực, nền kinh tế nước ta đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: Xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn; dịch Covid-19 gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới…
Vì vậy, Việt Nam cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
P.Linh