A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội quyết liệt các giải pháp bảo đảm tốc độ tăng trưởng

 

QPTĐ-Năm 2021, thành phố Hà Nội phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,5-8%. Đưa ra mục tiêu phấn đấu như trên là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn lại năm 2020, Hà Nội đã vượt qua khó khăn, đạt tăng trưởng 3,98%, cao gấp 1,4 lần bình quân cả nước. Tuy nhiên, quý I năm 2021, khi dịch Covid-19 quay trở lại một số tỉnh, thành phố, trong đó,  Hà Nội đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra đòi hỏi nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô.

Quý I năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội ước tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tăng trưởng thấp hơn kịch bản 

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố quý I/2021 ước tính tăng 5,17% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,13% của quý I/2020 và cao hơn mức tăng chung của cả nước (khoảng 4,48%). Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp hơn kịch bản tăng trưởng đầu năm nhưng cũng được coi là “có tín hiệu khởi sắc” trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định, ước tính tăng 2,51% (quý I/2020 giảm 1,04). Có được kết quả trên là do những tháng đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, công tác tái đàn được quan tâm. 

Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Thành phố trong chỉ đạo, điều hành, phòng chống dịch và triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành chiếm tỉ trọng lớn tăng khá cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, quang học hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, máy móc, thiết bị…

Cuối tháng 1-2021, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại với diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Người dân với tâm lý phòng, chống dịch bệnh, tránh những nơi đông người tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh làm doanh thu thương mại, dịch vụ trong tháng 2 giảm đáng kể. Sang tháng 3, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh dần bình thường trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 145,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 67 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước đạt 24 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,6% tổng vốn đầu tư và tăng 17,2%; vốn ngoài Nhà nước đạt 36 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,6% và tăng 3,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% và tăng 5,5%. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp. CPI bình quân quý I tăng 0,04% so với quý I năm 2020.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động, đạt 18,7% kế hoạch năm và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020. Công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, toàn Thành phố đã tặng hơn 1,45 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách, ưu đãi người có công; hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; công nhân viên chức lao động đã nghỉ hưu, mất sức lao động với tổng số tiền hơn 616,6 tỷ đồng, đạt 166,1% kế hoạch.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Ngày 2-4 vừa qua, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội quý II và năm 2021, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu  phân tích kỹ các chỉ tiêu đạt thấp trong quý I; xác định rõ lộ trình, kế hoạch thực hiện nhằm thúc đẩy các ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho GRDP của Thành phố.

 Cụ thể là tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp căn cơ, khoa học về thu-chi ngân sách đúng luật, hiệu quả. Triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách tại các địa bàn, đặc biệt là các quận, huyện có số thu đạt thấp cần đẩy mạnh thu thuế, phí; đấu giá đất… Đôn đốc thu thuế và đẩy mạnh thu hồi nợ thuế. Các đơn vị, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố. Đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án hoàn thành trên địa bàn Thành phố. Thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm.

 Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mua sắm, giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các nông sản theo mùa vụ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; tận dụng đón đầu các cơ hội, điều kiện  thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố trong giai đoạn mới sau dịch Covid-19.

 Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư trên địa bàn.

P.Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ