A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

6 tháng đầu năm 2021 Xuất khẩu và vốn đầu tư tăng mạnh

 

QPTĐ-Tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi. Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm tăng ở mức 5,64%, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự báo kinh tế năm 2021 tăng trưởng mức trên 6,5%, lạm phát dưới 4%, đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Xuất khẩu dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc nửa đầu năm 2021. (Ảnh: Internet)

Điểm sáng xuất khẩu nông nghiệp 

Mặc dù tiếp tục chịu tác động từ dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.

Cả nước đã gieo cấy được khoảng 5,23 triệu ha lúa, tương đương cùng kỳ năm 2020, năng suất đạt 67,7 tạ/ha, tăng khoảng 1,5 tạ/ha, sản lượng đạt 21,58 triệu tấn (riêng vụ Đông Xuân sản lượng 20,5 triệu tấn, tăng 673 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân năm 2020), đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm: Cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả và trái cây, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể: Cao su (tăng 41,3% khối lượng và 80% giá trị), chè (tăng 0,1% và giá trị 4,5%), hạt điều (tăng 22,2% khối lượng và 11,1% giá trị), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 16,3% khối lượng và 30,5% giá trị). Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 155 nghìn tấn, giảm 6,7%) nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 499 triệu USD, tăng 40,5%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD (tăng 74,8%), mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD (tăng 78,8%); tôm 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%.

Các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Chính phủ đã thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Úc..; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau dịch Covid-19, từ đó, đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. Kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU.

Tăng trưởng vốn đầu tư và thành lập mới doanh nghiệp

Điều đáng ghi nhận là, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỉ đồng, tăng 24,2%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỉ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 547 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD, bằng 77,6% so với cùng kỳ năm trước; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 403,2 triệu USD, tăng 10,8 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Duy trì đà tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng GDP cho thấy nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng cao. Điều này tăng lòng tin vào đà phục hồi kinh tế, động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 32,2% thể hiện con số kỷ lục và có thể tạo đà để tổng kim ngạch đạt khoảng 650 tỉ USD hết năm 2021. Thị trường xuất nhập khẩu mở rộng thể hiện tác động của việc khai thác triệt để thị trường, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do. Động lực thị trường toàn cầu định hướng cho nền kinh tế Việt Nam. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, thể hiện cơ hội kinh doanh đang được nhận dạng và thực hiện. Đầu tư tư nhân tăng là dấu hiệu tốt, mở rộng tổng cung và tổng cầu. Đầu tư công tăng trên 7% tạo chỗ dựa cho đầu tư tư nhân.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 8,17% vào mức tăng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% (đóng góp 59,05%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,42%; khu vực dịch vụ tăng 3,96% (đóng góp 32,78%), trong đó, các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%...

Điều đáng nói, ngành công nghiệp tăng gần 9% trong 6 tháng đầu năm nay, gần tương đương tốc độ tăng 9,13% trong nửa đầu năm 2019-giai đoạn trước khi xảy ra Covid-19 và cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỉ USD, tăng 28,4%.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ