A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ

Những người đi tìm đồng đội bằng tất cả tâm can

 

QPTĐ-Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 20, Quân khu 9, khu vực Hà Nội, chỉ có mấy người,  nguyên là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô, từng cùng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 20, Quân khu 9.

Những năm tháng cùng đóng quân ở nhà dân trong các bản Mường, huấn luyện tại rừng núi huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, rồi cùng hành quân đi B. Vượt Trường Sơn, qua nước bạn Lào và Cam Pu Chia, ròng rã gần tám tháng trời mới vào được chiến trường sông nước miền Tây Nam bộ. Họ cùng được bổ sung vào các đơn vị chiến đấu thuộc Trung đoàn 20, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Từng trực tiếp cùng nhau chiến đấu nhiều trận, có người đã nhiều lần bị thương, hoặc thoát chết trong gang tấc, trong những trận đánh với quân địch đông hơn nhiều lần quân số của đơn vị, lại có các loại máy bay và pháo lớn yểm hộ.

Bên cạnh những trận đánh hết sức ác liệt, sự khắc nghiệt của chiến trường sông nước, kênh rạch chằng chịt, mỗi năm chỉ có hai mùa mưa và khô, đối với những người lính Hà Nội, nhất là với những người sinh ra, lớn lên ở phố phường, thật là một trở ngại lớn không dễ thích nghi. Hầu như việc cơ động chiến đấu trên chiến trường, chủ yếu bằng ghe, xuồng. Nơi trú quân thường bám dân trong các thôn ấp, bên các bờ kênh, rạch, sông ngòi. Ta với địch ngoài các căn cứ, đồn bốt của chúng, hoặc hậu cứ của ta ở những nơi tạm an toàn, phần lớn ở xen kẽ nhau theo kiểu “Khoang da Báo”. Vì thế đã có những người hy sinh do chưa biết bơi, hoặc bị địch bắt, giết khi vô tình đi vào nơi có địch mà thiếu thận trọng…

Cùng chia bom, xẻ đạn, sống chết có nhau trong từng trận đánh, coi nhau như ruột thịt. Được chứng kiến tận mắt sự hy sinh oanh liệt của đồng đội, thậm chí còn được nghe lời  tâm sự đầy tâm trạng trước trận đánh, hoặc lời trăng trối của người bị thương nặng, biết không qua khỏi trước khi trút hơi thở cuối cùng,  Có người còn  tự tay chôn cất đồng đội hy sinh ngay bên trận địa ! 

Được sống và may mắn trở về sau chiến tranh, tuy có người còn mang trong mình thương tật, bệnh tật từ chiến trường nhưng họ không bao giờ quên được những giây phút khốc liệt, cướp đi những đồng đội thân thương. Trong đó có liệt sỹ (LS) cùng sinh ra, lớn lên ở một vùng quê, khu phố, là bạn học từ bé, cùng nhập ngũ một ngày; hoặc có người là thế hệ đàn anh ở nhiều miền quê khác nhau , vào chiến trường trước, đã dạn dày kinh nghiệm trận mạc và  còn có người mới được bổ sung vào đơn vị nhưng hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên…

Chính vì thế, mà nhiều năm qua, kể cả khi đang công tác, cũng như khi được nghỉ hưu, họ đã âm thầm đi tìm đồng đội mỗi khi có dịp trở lại chiến trường xưa. Mấy năm đầu khi đất nước mới hòa bình, thống nhất, địa hình chưa có nhiều thay đổi, còn tìm thấy mộ LS là đồng đội cùng đơn vị, được chôn cất sau trận đánh, bên trận địa năm xưa. Những năm sau này, kinh tế, xã hội phát triển, dấu tích trận địa cũ không dễ nhận ra. Hơn nữa, khi Nhà nước có chủ trương quy tập mộ các LS nằm rải rác trên các chiến trường, về các Nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) cấp quận,  huyện, rồi lên NTLS cấp tỉnh, thành để các anh được yên nghỉ ở nơi khang trang, đàng hoàng, sạch đẹp hơn. Ai cũng thấy mừng vì điều đó. Nhưng trong các NTLS còn không ít những ngôi mộ LS chưa tìm thấy tên, hoặc bị thất lạc danh tính khi di dời. Thực trạng đó, làm cho bao người, nhất là các gia đình có người thân hy sinh, chưa tìm được mộ phần con, em của mình. Và còn rất nhiều cựu chiến binh (CCB) như còn mắc lỗi với những đồng đội cùng sống chết có nhau, nay vẫn chưa tìm được mộ bạn!

Đại biểu BLL e20,QK9 và Nhóm "Tìm bạn về", bên mộ LS Đặng Trần Cảnh

Thật tình cờ, trong dịp kỷ niệm Ngày đại thắng 30/ 4/ 2016, tôi (tác giả bài viết) được một số anh em đơn vị cũ, mời dự bữa cơm thân mật tại một gia đình đồng đội ở phố Khâm Thiên. Lính cũ lâu ngày gặp nhau, túm năm, tụm ba ôn nghèo, kể khổ chuyện huấn luyện, chiến đấu năm xưa. Ngồi cạnh tôi là Trần Tường Huấn, cùng nhập ngũ ngày 6/1/1972 và cùng là cán bộ khung huấn luyện  d78, e59, BTLTĐ. Tiểu đoàn 78 có 4 đại đội là c89, c90, c91 và c92. Huấn là a trưởng ở c91 còn tôi là a trưởng ở c92, đi B cùng một ngày. Khi vào chiến trường, Huấn cùng c89 và c91, được bổ sung về Trung đoàn 1(Đoàn U Minh)), tôi và anh em c90, c92, d78 được bổ sung về Trung đoàn 20 (Đoàn Cửu Long 2), Quân khu 9. Qua câu chuyện của Huấn, tôi được biết: Nhóm bạn học cùng Huấn trước khi nhập ngũ, là Lớp G, niên khóa 1970-1973, Trường cấp III Chu văn An, Hà Nội. Trong một lần họp mặt lớp, điểm danh lại thấy có 6 bạn đi bộ đội, thì 2 bạn hy sinh, gia đình chưa tìm được mộ. Nay thành lập Nhóm “Tìm bạn về”, giao cho 4 bạn CCB của lớp, chủ động tìm kiếm, nếu có gì cần, thì trao đổi với các bạn trong nhóm. Trong số 2 bạn hy sinh, có bạn tên là Đặng Trần Cảnh, trước khi đi B có đưa về nhà một người cùng đơn vị tên là Hòa, nhà ở số 5 phố Đường Thành. Nghe thế tôi nói ngay “Hòa cùng đơn vị chiến đấu với tôi, chắc chắn Đặng Trần Cảnh ở Trung đoàn 20”. Sau đó tôi gọi điện cho Nguyễn Xuân  Bình, quê Đông Anh, nguyên chiến sỹ c92, d78 khi huấn luyện ở Hòa Bình và cùng chiến đấu ở e20 với tôi. Bình đã ra quân và đang sinh sống tại huyện Rồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tôi dặn Bình giúp đỡ Trần Tường Huấn và Nhóm “Tìm bạn về” vào tìm mộ LS Đặng Trần Cảnh, cùng e20 bọn mình, hy sinh năm 1973.

Từ phải sang trái: CCB Vương Xuân Hòa;  mẹ LS Lê thị Sạy,99 tuổi; CCB Phạm Quang Hiệp

Qua những lần từ Hà Nội vào, Nhóm  “Tìm bạn về” được Bình đưa đến NTLS huyện Giồng Riềng và huyện Gò Quao, là địa bàn chiến đấu chủ yếu của e20 từ năm 1973-1975 nhưng vẫn không tìm thấy mộ có tên LS Đặng Trần Cảnh. Như một sự run rủi linh thiêng cho những người đầy tâm đức trong Nhóm “Tìm bạn về”, một lần tại NTLS huyện Gò Quao, người quản trang chợt nhớ ra một chiếc hộp tài liệu lưu, lâu không dùng đến, để trên nóc tủ. Mở ra, thấy cuốn sổ viết tay danh sách 138 hài cột LS đã được di dời lên NTLS tỉnh Kiên Giang.  Khi lật mở các trang sách, có tên LS Đặng Trần Cảnh, cả nhóm bàng hoàng, xúc động rơi nước mắt.  Rồi lập tức tìm đến NTLS tỉnh Kiên Giang, đề nghị Ban quản lý, cho xem sơ đồ mộ chí và được biết: 138 bộ hài cốt LS di dời từ NTLS huyện Gò Quao lên bị đắm thuyền, nên tên LS ghi trên từng nắp tiểu, nhòe hết, không thể đọc được. Vì vậy, khu vực mộ đó chỉ ghi “LS chưa tìm được danh tính”. Nhóm đã đề nghị và được Cục Người có công, Bộ LĐTBXH, vào lấy được  117/138 mẫu hài cốt LS, khu vực mộ từ NTLS huyện Gò Quao lên, đưa về Viện Giám định Pháp y Quân Đội, chờ lấy mẫu sinh phẩm của các gia đình LS, để giám định đối chứng AND. 

Trở về Hà Nội, Nhóm “Tìm bạn về” đến nhà LS Đặng Trần Cảnh, ở phố Thụy Khuê, báo tin và đề nghị thân nhân gửi mẫu sinh phẩm cho Viện Giám định Pháp y Quân đội , để xét nghiệm đối chứng AND. Thật may là chỉ giám định AND của 3 hài cốt LS, đã xác định được chính xác danh tính LS Đằng Trần Cảnh!

Từ đó, danh sách 138 LS do Nhóm “Tìm bạn về” và danh sách  LS do Cục Chính trị QK9 cung cấp, được thông tin rộng đến các CCB e20 ở nhiều địa phương.  Ban liên lạc truyền thống e20, QK9, khu vực Hà Nội (gọi tắt là BLL e20), tiêu biểu là các CCB Vương Xuân Hòa, Nguyễn Viết Trì, Trương Ngọc Quang đã thu thập thêm nhiều thông tin có giá trị, lập thành danh sách và sơ đồ thể hiện rõ mộ LS chưa tìm được danh tính, tiếp tục thông tin đến nhiều nơi. Các anh còn đi đến 17 tỉnh, thành và hàng chục xã, phường, thị trấn, lần theo địa chỉ tìm gặp thân nhân LS, hướng dẫn đến Viện Giám định pháp y Quân đội, cung cấp mẫu sinh phẩm, để xét nghiệm đối chứng AND với mẫu hài cốt LS. 

Bên cạnh đó, BLL e20, đã khởi xướng xây dựng Bia tưởng niệm LS ngay tại nơi có nhiều đồng đội hy sinh không lấy được xác, trong trận đánh căn cứ Công Binh kiên cố của địch tháng 1/1975 tại ấp Hai Lành, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.  Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã nhất trí với đề nghị tâm huyết của BLL e20; tổ chức hội thảo khoa học và làm các thủ tục pháp lý cho việc xây dựng Bia tưởng niệm LS Trung đoàn 20 được tiến hành thuận lợi. Tiếp đó, BLL e20 đã vận động và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tiền của cá nhân, công sức của đông đảo CCB Trung đoàn 20 ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, đóng góp cho việc xây dựng Bia tưởng niệm. Đồng thời. huy động CCB e20 khu vực Cần Thơ và Kiên Giang trực tiếp thi công.

Đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), Bia tưởng niệm LS e20 được khánh thành như đề xuất ban đầu của BLL e20 khu vực Hà Nội. Từ đó, nơi đây trở thành điểm hội tụ cho anh linh các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trên mảnh đất này và là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong khu vực, điểm đến cho các CCB, mỗi khi có dịp thăm lại chiến trường xưa

CCB Nguyễn Viết Trì và BLL e20 phủ cờ Tổ quốc lên mộ LS đã có tên

Sau một thời gian dài, nhất là từ năm 2016 đến nay, trải qua nhiều gian truân, áp lực, có lúc còn có người hoài nghi về việc làm của các anh. Nhưng với tâm can trong sáng, BLL e20, khu vực Hà Nội, tiêu biểu là các CCB Vương Xuân Hòa, Nguyễn Viết Trì, Trương Ngọc Quang đã nhận được kết quả xét nghiệm AND đợt 1 từ Viện Giám định Pháp y Quân đội,  có 27 gia đình LS đã nhận được hài cốt LS con em mình, qua giám định AND. Tiếp đó, Bộ LĐTBXH đã có quyết định công bố kết quả này. Dưới sự chỉ đạo của Bộ LĐTBXH và sự phối hợp của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, ngày 30/8/2020, Lễ “Trả lại tên cho 27 LS” được BLL e20 tổ chức trang trọng tại NTLS tỉnh Kiên Giang, có sự tham dự của lãnh đạo Bộ LĐTBBXH, QK9 và tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, sự có mặt đầy cảm động của đại biểu 27 gia đình LS. Trong đó, các anh  đã gương mẫu đóng góp nhiều công sức, tiền của cá nhân và vận động CCB e20 ủng hộ kinh phí cho việc làm tình nghĩa tri ân đồng đội. 

Không dừng lại ở đó, các ông lại tiếp tục thu thập thông tin về LS đã có danh sách, tra cứu, sàng lọc lựa chọn những thông tin có giá trị, trực tiếp tìm đến các gia đình LS ở nhiều nơi, với hy vọng sẽ trả lại tên cho những LS chưa tìm được danh tính trong các đợt sau. Với những thành tích xuất sắc trong việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt LS, BLL e20 khu vực Hà Nội và cá nhân anh Vương Xuân Hòa đã được Hội CCB Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Năm 2020,  anh Nguyễn Viết Trì, được Hội CCB Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2016-2021

Việc làm đầy tính nhân văn của BLL e20 khu vực Hà Nội, đã thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp của người quân nhân cách mạng sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, trong cuộc sống đời thường vẫn luôn phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, truyền thống LLVT Thủ đô và có tính lan tỏa sâu rộng đến mọi người, trong việc góp phần khắc phục hậu quả của chiến tranh, làm dịu nỗi đau của các gia đình LS.

 

Hà Nội, ngày 01tháng 6 năm 2021

Phạm Quang Hiệp

Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ