Việt Nam có đóng góp quan trọng vào hoạt động của Hội đồng Nhân quyền
QPTĐ-Sau hơn nửa nhiệm kỳ (2023-2025) đảm nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó nổi bật là những đóng góp chất lượng và sáng kiến nổi bật trong khuôn khổ các khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt, gần đây nhất, trong khuôn khổ khóa họp thường kỳ thứ 56, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, với chủ đề “Đảm bảo quyền con người trong quá trình chuyển đổi công bằng”?
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết do Việt Nam đề xuất
và soạn thảo về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.
Bối cảnh nhiều thách thức
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ 2 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc. An ninh thế giới bị thách thức mạnh mẽ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh, nhất là khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt và toàn diện. Những hệ lụy từ xung đột vũ trang tại Ucraina kéo dài và chiến sự tại Dải Gaza đã đẩy giá hàng hoá và năng lượng tăng cao.
Nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng mức lãi suất nhằm giảm lạm phát; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp đã tác động đến chuỗi cung ứng và cầu tiêu dùng sụt giảm. Xu hướng kinh tế toàn cầu giảm tốc làm cản trở tiến trình phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, các bất bình đẳng và các “mặt trái” của chuyển đổi số… có tác động trực tiếp, hàng ngày đến sinh kế, chất lượng cuộc sống và khả năng thụ hưởng quyền của người dân trên thế giới. Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo đảm quyền con người, đồng thời cũng đòi hỏi rõ hơn yêu cầu đối thoại, hợp tác để giải quyết các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, trong đó có thông qua hoạt động của Hội đồng Nhân quyền.
Đối với Việt Nam, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sau đại dịch Covid-19, song bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt, chúng ta đã và đang gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhiều sáng kiến thiết thực
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia và để lại những dấu ấn đậm nét. Ngay Khóa 52 của Hội đồng Nhân quyền, khóa đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2023-2025), Việt Nam đã giới thiệu sáng kiến về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA). Triển khai sáng kiến này, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Nhóm nòng cốt với thành phần đa dạng đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh thương lượng, đàm phán liên quan đến dự thảo Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.
Nghị quyết đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua theo hình thức đồng thuận, với 121 quốc gia tham gia đồng bảo trợ, trong đó có 14 nước đồng tác giả. Kết quả này cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và thiện chí của Việt Nam trong thương lượng, đồng thời chứng tỏ nội dung Nghị quyết cân bằng, kịp thời đáp ứng sự quan tâm và ưu tiên chung của tất cả các nhóm nước về lễ kỷ niệm, cũng như đề cao tầm quan trọng của Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền nhà ở; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền phát triển; quyền trẻ em; quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa Covid-19...
Tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng chuỗi nghị quyết về bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu, tại Khóa 53 Hội đồng Nhân quyền (tháng 6-7/2023), Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines đã xây dựng dự thảo nghị quyết về thúc đẩy sinh kế trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận với 80 nước tham gia đồng bảo trợ. Cũng trong khóa họp này, Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực”.
Tại các Khóa 53 và Khoá 54 (tháng 9-10/2023), Việt Nam tiếp tục cùng các nước và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI)… thúc đẩy các sáng kiến về “tiêm chủng và quyền con người”, “chống phân biệt đối xử, bạo lực, quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc” dưới hình thức các tọa đàm quốc tế bên lề các khoá họp và xây dựng phát biểu chung tại Hội đồng Nhân quyền.
Tại Khóa họp 55, Việt Nam khẳng định các ưu tiên khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Để tiếp tục có những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền môi trường trong lành, bền vững; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền của người khuyết tật; quyền trẻ em…
Cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam đã có phát biểu chung về chủ đề được các nước ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ ở lĩnh vực khai thác thủy sản và bảo đảm quyền lương thực. Việt Nam cũng phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu-bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines-trong phiên đối thoại liên quan báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ về chủ đề các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền lương thực. Ngoài ra, thay mặt nhóm liên khu vực, Việt Nam đã trình bày 2 bài phát biểu chung với sự đồng bảo trợ cao của các nước với nội dung kêu gọi đẩy nhanh tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững để thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân trong xung đột vũ trang.
Tại Khóa họp thứ 56 mới kết thúc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết năm 2024 về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề chuyển đổi công bằng. Nghị quyết được Nhóm nòng cốt gồm Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu và đến nay đã nhận được sự đồng bảo trợ của 70 nước. Việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết này là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế; nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi công bằng nền kinh tế; khuyến khích sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết định hướng chính sách và hành động của các quốc gia, đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững được thực hiện một cách công bằng và toàn diện, để tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, đều hưởng lợi từ quá trình này. Thông qua việc giới thiệu và thúc đẩy nghị quyết này hàng năm từ năm 2008, Nhóm các nước nòng cốt gồm Việt Nam, Bangladesh và Philippines đã thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đối phó với thách thức toàn cầu này, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy đối thoại, hợp tác
Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào công việc chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”. Việt Nam đã có hàng trăm phát biểu quốc gia trong những cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền về bảo đảm quyền con người trên những khía cạnh được cộng đồng quốc tế quan tâm như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm các quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hoá, quyền phát triển, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và tham gia những phát biểu chung về các chủ đề đa dạng của ASEAN, Phong trào Không liên kết, Nhóm Đồng quan điểm, Nhóm Pháp ngữ và một số nhóm liên khu vực khác.
Việt Nam cũng có cách tiếp cận xây dựng trong những vấn đề nhân quyền còn nhiều khác biệt, bị chính trị hóa, có nhiều cọ xát tại Hội đồng Nhân quyền như tình hình các nước cụ thể (Ukraine, Nga, Palestine, Sudan…), quan hệ giữa phát triển và nhân quyền, sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), khoan dung tôn giáo... Một mặt, Việt Nam đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các nước đang phát triển bảo vệ nguyên tắc không chính trị hóa, không sử dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Mặt khác, Việt Nam đã lắng nghe, tôn trọng các nhu cầu hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, thúc đẩy hợp tác, đối thoại để Hội đồng Nhân quyền có thể hành động đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nước trong lĩnh vực này.
TRẦN PHƯƠNG THẢO