A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không được phủ nhận thành tựu của nền giáo dục Việt Nam

QPTĐ-Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta ngày càng có hệ thống, tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi, chống phá toàn diện trên nhiều phạm vi, lĩnh vực. Chúng phủ nhận sạch trơn những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước ta đã đạt được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thành tựu qua hơn 35 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong số đó là phủ nhận hoàn toàn sạch trơn những thành tựu đạt được của nền giáo dục Việt Nam.

Học sinh Việt Nam luôn giành thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Ảnh: Internet

Xuyên tạc nền giáo dục Việt Nam

Với mưu đồ xuyên tạc tình hình đất nước, chế độ, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị thường lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm của ngành Giáo dục trong thời gian gần đây để xuyên tạc, phủ nhận thành tựu to lớn của nền giáo dục nước ta. Từ đó, đưa ra những luận điệu: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “nền giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn lạc đường”, “một chính sách giáo dục thất bại, đi lạc đường, không coi trọng tính nhân văn”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn toàn thất bại”...

Mới đây, khi tờ The Economist-một tờ báo uy tín của Anh-có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam rằng: “Học sinh Việt Nam được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt trên thế giới” thì trên RFA, BBC, VOA và các trang facebook cá nhân, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị liền đổ xô vào phân tích, bình luận, hội luận với sự hằn học, tức tối. 

Trên BBC đăng bài viết “Giáo dục Việt Nam: Từ lời khen của The Economist đến thực tế nhọc nhằn”. Với việc trích dẫn một số điểm hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục của Việt Nam được các cơ quan báo chí trong nước nêu ra như tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường công, vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm, chất lượng giáo dục chưa đồng đều..., bài báo cho rằng “lời khen của The Economist chưa chính xác, vì không nắm rõ được thực tế ở Việt Nam”. 

Hay trên RFA đăng liên tục nhiều bài viết của các đối tượng có tư tưởng chống phá Việt Nam như: “Có thực giáo dục Việt Nam đáng xếp trong nhóm hàng đầu thế giới?”, “Giáo dục Việt Nam không nên hãnh tiến vì một bài báo hời hợt”... Họ lập luận rằng “nếu giáo dục Việt Nam tốt và hàng đầu thế giới thì sao nhiều người Việt Nam lại gửi con ra nước ngoài học phổ thông”. Bình luận về bài báo trên tờ The Economist, họ cho rằng đó là “chỉ làm đẹp lòng chính quyền Việt Nam và giới chức quản lý giáo dục”. Và cái “đuôi chồn” chống phá cũng lộ rõ khi họ kết luận “giáo dục không đạt được một bước nhảy qua 48 năm Đảng Cộng sản nắm quyền”...

Gần đây nhất, khi hàng chục triệu học sinh các cấp học đang chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, VOA, RFA lại có hàng loạt bài viết hạ thấp thành tựu, thậm chí xuyên tạc trắng trợn nền giáo dục Việt Nam như: “Khác biệt giữa chính với phụ trong giáo dục và hơn thế nữa”, “Xã hội chưa hiểu ngành Giáo dục hay ngược lại?”, “Trống khai trường: Ai nên đánh?”... Vẫn sử dụng thủ đoạn lấy một số hạn chế, bất cập trong giáo dục; một vài hiện tượng đơn lẻ vi phạm trong lĩnh vực quản lý giáo dục, những bài viết này đã vội vã quy kết “nền giáo dục Việt Nam là thảm họa”, “giáo dục-đào tạo không vì giáo dục-đào tạo đúng nghĩa mà chỉ nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị”...

Thành tựu không thể phủ nhận

Theo quan điểm của Đảng, mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu để sáng tạo ra hệ thống giá trị hiện đại, mới mẻ, làm nguồn lực thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo nên lĩnh vực này càng được toàn dân quan tâm. Hơn nữa, hầu như gia đình nào cũng có người đi học nên giáo dục và đào tạo không còn là chuyện của riêng ngành Giáo dục, mà là của cả xã hội, của mỗi gia đình. Trên thực tế, sự nghiệp đổi mới giáo dục đã có được những thành tựu đáng kể. 

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô. Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang tích cực triển khai; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên”.

Minh chứng cho nhận định, đánh giá trên là việc Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương về kết quả, thành tích các cuộc thi Olympic quốc tế dành cho học sinh. Năm 2022, 38 lượt học sinh dự thi Olympic quốc tế đều giành huy chương, đưa Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp lọt vào nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có thành tích tốt nhất tại các kỳ thi này. 

Năm 2023, cả 6 thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế tại Nhật Bản từ ngày 2 đến 12/7 đã mang về cho Tổ quốc 6 tấm huy chương, gồm hai huy chương vàng, hai huy chương bạc và hai huy chương đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp thứ 6 toàn đoàn trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm nay. Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) năm 2023 gồm 4 học sinh dự thi, kết quả, 4/4 học sinh đoạt huy chương, gồm 3 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc, trong đó có 2 học sinh nằm trong tốp 10 điểm cao nhất...

Cộng đồng quốc tế ghi nhận

Thành tựu về giáo dục của Việt Nam được các chuyên gia quốc tế về giáo dục đánh giá cao. GS.TS Paul Glewwe, Đại học Minesota-chuyên gia và nghiên cứu viên chính của dự án RISE tại Việt Nam cho rằng, trước tiên nếu xét kết quả PISA, chúng ta có thể thấy Việt Nam vẫn giữ vững đà phát triển như năm 2012 và 2015, năm 2018 cũng như vậy, Việt Nam vẫn luôn thuộc nhóm những nước có kết quả tốt. 

Điều này cũng thể hiện qua việc Việt Nam có tỉ lệ nhập học sát mức 100% ở bậc tiểu học và rất cao trên 90% ở bậc trung học cơ sở. Còn GS.TS Joan DeJaeghere, Đại học Minesota nhận định: Bên cạnh những thành tựu trong tỉ lệ nhập học, tỉ lệ tốt nghiệp các bậc giáo dục cơ bản, cũng như thành tích đầu ra, giai đoạn này còn là lúc Việt Nam chú trọng tới chất lượng đào tạo trong tương quan với những đòi hỏi của thị trường lao động về chất lượng nhân sự trong kỉ nguyên số. 

"Tôi nhận thấy một bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam là chương trình mới thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, mặc dù còn những tranh luận ở thời điểm mới bắt đầu. Rõ ràng, đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập", GS.TS Joan DeJaeghere cho hay.

Thành tựu về giáo dục của Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế ghi nhận, như bài viết trên tờ The Economist như đã đề cập ở trên. Bằng sự am hiểu sâu sắc về quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam nói riêng và kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung, đồng thời có sự so sánh trong tương quan giữa các nước trong khu vực, cũng như các nước đang phát triển khác, bài viết đã có những phân tích, nhận định khách quan, dựa trên những số liệu cụ thể. 

Tờ báo này phân tích: Mặc dù ghi nhận tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 3.760 USD, vẫn thấp hơn so với các nước cùng khu vực như Malaysia và Thái Lan, nhưng chất lượng giáo dục của Việt Nam có thể có ít điều phải phàn nàn. Theo bài báo, hệ thống giáo dục Việt Nam tốt là nhờ Nhà nước đề cao giá trị giáo dục và năng lực của giáo viên.

Cùng với đó, Việt Nam lần thứ 5 trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025 (tháng 11/2021) đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và những đóng góp chủ động, tích cực, hiệu quả của nước ta đối với các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục.

Như vậy, từ kết quả thực tế trong các kỳ thi quốc tế dành cho học sinh; những số liệu khách quan, nghiên cứu bài bản từ các chuyên gia, tổ chức uy tín trên thế giới là minh chứng xác đáng khẳng định thành tựu của nền giáo dục Việt Nam. Điều này hoàn toàn là khách quan, không ai có thể bịa đặt hoặc can thiệp được. Chỉ có các thế lực thù địch, phần tử phản động là luôn hằn học trước những thành tựu của Việt Nam mới cố tình lập luận một cách mơ hồ, phát ngôn không có căn cứ, thậm chí xuyên tạc về nền giáo dục của Việt Nam.

Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ