A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EVFTA và những cam kết về nhân quyền

QPTĐ-Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một loại hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại, mà cả các quy định về quyền con người. Để đảm bảo việc thực hiện tốt Hiệp định này, Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá các tác động của EVFTA trên từng lĩnh vực, trong đó có quyền con người; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp lý và thể chế trong nước phù hợp với các nội dung quy định của EVFTA nhằm phát huy được các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của hiệp định đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung, quyền con người nói riêng.

EVFTA tạo động lực thúc đẩy nhân quyền, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm. (Ảnh: Internet)

Nguyên tắc tôn trọng nhân quyền

Quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) là chính sách thương mại có mục tiêu chủ đạo nhằm đem lại tăng trưởng, việc làm và cải cách sáng tạo, nhưng đồng thời cũng có sứ mệnh thúc đẩy các giá trị của châu Âu và quốc tế. Do đó, mọi chính sách và sáng kiến pháp luật của EU đều chịu sự chi phối của các văn kiện pháp lý quốc tế về nhân quyền và phát triển bền vững. Điều đó được khẳng định trong Hiệp ước Liên minh châu Âu; Hiến chương châu Âu về các quyền cơ bản; Khuôn khổ chiến lược của EU về nhân quyền và dân chủ; các công ước nhân quyền của Liên hiệp quốc; các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và các tiêu chuẩn lao động cốt lõi; Nghị trình Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hiệp quốc...

Bắt đầu từ năm 2003, EU đưa ra một loạt đề xuất Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) với các nước Đông Nam Á, thực hiện cơ chế hợp tác mới vượt ngoài khuôn khổ “thương mại và viện trợ” theo mô hình hợp tác truyền thống trước đây, nhằm thúc đẩy việc tôn trọng, tuân thủ và hợp tác dựa trên các nguyên tắc và quy chuẩn quốc tế cơ bản. Đây được coi là công cụ thực hiện quyền lực mềm-sức mạnh quy phạm pháp luật của EU. Hiệp định PCA với Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Việc đưa “điều khoản về nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền” vào các hiệp định hợp tác giữa EU và các nước thứ ba là nhằm thúc đẩy các giá trị, các nguyên tắc chính trị mà dựa trên đó Liên minh châu Âu đã được tạo lập, đồng thời nhằm thiết lập nền tảng cho các chính sách đối ngoại của EU.

EVFTA là một loại hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người. Quyền con người trong EVFTA được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm các nhóm quyền thế hệ thứ nhất, tức là các quyền dân sự và chính trị (quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng…), mà cả các nhóm quy định thế hệ 2, tức là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền tiếp cận giáo dục, quyền biểu tình, quyền nghỉ ngơi và giải trí,…) và cả các quy định thế hệ thứ 3, tức bao hàm cả các quyền liên quan tới môi trường, an ninh và phát triển. Ba nhóm quyền này không tách rời nhau mà ngược lại có quan hệ chặt chẽ với nhau.

EVFTA khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các bên phải dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã được khẳng định trong PCA. Trong đó, yêu cầu tôn trọng các quy định về nhân quyền là một nguyên tắc cốt lõi. Với việc gắn nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền với các quyền lợi về thương mại, EU tạo ra động lực thúc đẩy Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ nhân quyền.

EVFTA thúc đẩy nhân quyền

Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế-xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

Chính bởi vậy, khi ký kết Hiệp định EVFTA, Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực về nhân quyền với việc cải thiện các quyền về kinh tế, xã hội thông qua gia tăng năng lực sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân, nâng cao các tiêu chuẩn lao động và môi trường trong nước. 

Mặt khác, trước sức ép của việc tuân thủ các quy định bắt buộc của EVFTA cũng như các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có những cải cách về mặt lập pháp trong lĩnh vực lao động, việc làm. Điều đó được chứng minh khi Việt Nam đã đăng ký tham gia 20 công ước về quyền lao động như Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước về chính sách việc làm; Công ước về lao động hàng hải... Đặc biệt, Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều điểm mới tiếp cận đến những giá trị phổ quát về nhân quyền. Điều này được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khẳng định: Bộ Luật mới phù hợp hơn với các quyền lao động cơ bản phổ quát. ILO hoan nghênh bước tiến mới của Việt Nam đã đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế với việc thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi vào ngày 20/11/2019. Đây là một tiến bộ quan trọng do những sửa đổi trong Bộ Luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng. 

Sự tương thích giữa Hiệp định EVFTA và việc bảo vệ nhân quyền, đặc biệt trong lĩnh vực các quyền văn hóa của con người, quyền biểu đạt về nghệ thuật, có thể được tăng cường bởi sự bảo vệ thích hợp các luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ và đầu tư trong lĩnh vực này.

Cùng với đó là cơ hội mở ra trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam trên các lĩnh vực quản lý bền vững các nguồn lực tự nhiên, tăng trưởng xanh, hàng hóa liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, và hiệu quả năng lượng. Trong các quyền về môi trường, cơ hội và thách thức có thể được giải quyết thông qua các luật lệ thương mại trên ba lĩnh vực: Bảo vệ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã; buôn bán gỗ hợp pháp và thúc đẩy các sản phẩm môi trường cho các mục đích sử dụng khác nhau mà Việt Nam là một thị trường quan trọng.

Đức Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ