A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý luận chính trị: Vũ khí tiên phong của quân nhân cách mạng

QPTĐ-Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sức mạnh của quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nhân tố chính trị tinh thần có vai trò quyết định. Để có sức mạnh chính trị tinh thần vững chắc, cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần phải tiến hành đồng bộ nhiều hình thức, biện pháp, trong đó nâng cao chất lượng học tập chính trị cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.

Tranh cổ động: Internet

Thực tiễn từ sự chống phá của các thế lực thù địch 

Bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, internet và các trang mạng xã hội (MXH) ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, đời sống văn hóa xã hội. Các trang MXH, như: Facebook, Zalo, Tik Tok… với đặc điểm dễ sử dụng thông qua điện thoại thông minh để đăng tải các video, clip ngắn với các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh “bắt mắt” đã thu hút đông đảo người dùng. Hiện nay, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ quân đội đã và đang tiếp cận, sử dụng MXH  với nhiều mục đích khác nhau như tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ, kết nối bạn bè. 

Bên cạnh những lợi ích tích cực của MXH mang lại thì không tránh khỏi những tác động tiêu cực, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, đã tác động ảnh hưởng đến bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của quân nhân, ảnh hưởng trực tiếp tới việc chấp hành kỷ luật và chấp hành các chế độ, nền nếp trong ngày, trong tuần, nếu như không có sự quản lý chặt chẽ của cán bộ đơn vị. Cụ thể là thủ đoạn “lật sử, moi móc quá khứ” để làm mới những vụ việc đã được xử lý, giải quyết từ lâu, bằng việc sưu tầm, cắt ghép những đoạn video, clip hoặc hình ảnh có liên quan đến mối quan hệ cán bộ với chiến sĩ, như “quân phiệt với chiến sĩ”, hay “chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới”, đưa tin sai sự thật về diễn tập khu vực phòng thủ, hoạt động quân sự, quốc phòng, thổi phồng, xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm hoặc những hạn chế, sơ hở trong quản lý của các đơn vị để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của quân đội, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, gieo rắc hoài nghi, làm mất niềm tin của nhân dân đối với quân đội. Cùng với đó, là bịa đặt thực trạng, moi móc những khó khăn, hạn chế về vật chất, tinh thần trong sinh hoạt hàng ngày, xuyên tạc sự vất vả, gian nan, sự hi sinh mồ hôi, xương máu, tính mạng của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong công tác. Nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, thui chột động lực phấn đấu, làm giảm sức mạnh chiến đấu, giảm hiệu quả công tác, từ đó thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội. Thủ đoạn này tuy không mới, nhưng nó dễ gây nên sự ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức về đúng sai, thật giả, gây nên sự dao động trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Những “khoảng trống” cần loại bỏ

Không thể phủ nhận, việc học tập chính trị sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ trong quân đội nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, trang bị phương pháp luận, thế giới quan khoa học; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao giác ngộ chính trị, lòng nhiệt tình cách mạng, tính tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đó cũng là cơ sở trực tiếp hình thành và phát triển nhân cách quân nhân cách mạng, hình thành ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành điều lệnh, điều lệ, các quy định của đơn vị. Bên cạnh đó, học tập chính trị không những góp phần nâng cao hiểu biết khoa học, bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng đạo đức cách mạng mà còn góp phần khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Vẫn còn cán bộ, đảng viên chiến sĩ có biểu hiện ngại học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Trong những buổi học tập chính trị, học nghị quyết hay học tập chuyên đề, thường lấy lý do bận công việc chuyên môn để trốn tránh hoặc học tập qua loa, đại khái. Hay cá biệt có đơn vị quá coi trọng công tác huấn luyện, diễn tập, SSCĐ, mà không quan tâm đến nội dung học tập chính trị, thậm chí còn lồng ghép, cắt xén thời gian; không thường xuyên quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, nên phương pháp giảng dạy, chất lượng soạn thảo giáo án, bài giảng sơ sài, đánh giá chất lượng học tập còn nhiều hạn chế. Do đó, cán bộ, chiến sĩ sẽ không thể “thấm, ngấm sâu”, am hiểu tường tận đường lối, chủ trương của Đảng. Nên khi triển khai vào hoạt động thực tiễn dễ dẫn đến giảm sút niềm tin vào mục tiêu, lí tưởng của Đảng, đề cao chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, sống thực dụng, vi phạm kỷ luật. Hệ lụy là, vẫn có trường hợp quân nhân đào bỏ ngũ vi phạm kỷ luật quân đội, vi phạm kỷ luật dân vận. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần phải quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng những giá trị đạo đức quân nhân tốt đẹp cho cán bộ, chiến sĩ, coi đó là một trong những nhiệm vụ, nội dung giáo dục cần được quan tâm đặc biệt, nhằm góp phần giữ vững và phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, đạo đức, nhân cách của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kì mới.
 
Cá nhân nghiêm túc, quyết tâm-tổ chức nghiêm khắc, quyết liệt

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên phải coi trọng việc học tập và xác định đó là một nhiệm vụ quan trọng. Người chỉ rõ: “Học tập là công việc suốt cuộc đời và phải học toàn diện; trong đó, học tập lý luận chính trị một cách hăng say, bền bỉ, để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối nhân dân, để làm người, làm việc, làm cán bộ”.  

Vì vậy, để học tập lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ đạt hiệu quả, cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy các đơn vị cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên về kỹ năng, phương pháp sư phạm trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành giáo dục. Trong đó, kết cấu bài giảng phải lựa chọn được những nội dung cốt lõi, những điểm mới, nếu giáo dục các chuyên đề, nghị quyết, thì phải nêu bật được khâu đột phá để giải quyết nhiệm vụ then chốt, khâu yếu, mặt yếu, tạo bước phát triển, nhưng vẫn bảo đảm ngắn gọn, súc tích, cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ tổ chức thực hiện. Kiên quyết khắc phục tình trạng chuẩn bị sơ sài, đơn giản, dẫn đến khi giáo dục không nắm chắc nội dung, mắc vào “căn bệnh” chung chung, dàn trải, nói gì cũng đúng, xa rời thực tiễn. Cùng với đó, là tích cực đầu tư phương tiện, vật chất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền đạt, sao cho vừa bảo đảm tính hấp dẫn, tính khoa học, vừa bảo đảm tính thực tiễn. Sau khi học tập, tiến hành kiểm tra, đánh giá chặt chẽ kết quả học tập, gắn với tiêu chí đánh giá, nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hàng năm.  

Thực tiễn cho thấy, hiệu quả, chất lượng đấu tranh chống các quan điểm, luận điểm phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch phụ thuộc rất nhiều vào việc trang bị lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Cho nên, đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy sao cho giờ học chính trị, nghị quyết trở nên sinh động, hấp dẫn. Để tránh truyền dạy lý luận chính trị một chiều, thì ngoài việc tự học tập, nghiên cứu, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải biết vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn; biết khai thác những tư liệu từ kinh nghiệm thực tiễn của cả người dạy lẫn người học để làm giàu tri thức. Còn đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải thấy được học lý luận chính trị là quá trình được truyền thụ, được tiếp thu hệ thống tri thức, củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, góp phần nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời, còn là “bức tường thành” ngăn ngừa một cách hiệu quả quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ quân đội. Do đó, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu, tính tích cực, tự giác trong học tập thì mới bảo đảm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

LÊ VĂN THÀNH
(Viện KHXH&NVQS)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ