A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam nghiêm túc thực hiện khuyến nghị theo Cơ chế UPR

Bài 5: Nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người

QPTĐ-Ngày 31/3/2022, Bộ Ngoại giao tổ chức công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III. Báo cáo thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung. Đây cũng là dịp để Việt Nam đánh giá quá trình thực hiện cam kết của mình, nhất là những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, từ đó có giải pháp thúc đẩy thực hiện đầy đủ những khuyến nghị đã chấp thuận.

Việt Nam tích cực hợp tác quốc tế trong thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế UPR.

Nâng cao nhận thức của người dân

Giống như ở nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định những tư tưởng và đường lối chỉ đạo về quyền con người làm cơ sở cho việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế. Đảng ta xác định: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”. 

Quan điểm coi quyền con người là giá trị chung của toàn nhân loại về cơ bản cũng là quan điểm chung của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc từng khẳng định: Quyền con người là ngôn ngữ chung của nhân loại. Quan điểm này cũng được gián tiếp phản ánh trong hệ thống văn kiện pháp lý về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức liên chính phủ khác thông qua từ trước tới nay, thể hiện ở việc xác định tính phổ biến của quyền con người, theo đó, quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì như về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân...

? Việt Nam, do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cũng như đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhận thức về quyền con người và việc bảo đảm về quyền con người cũng còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, nhận thức về quyền con người của người dân nói chung, một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước vẫn còn mơ hồ, phiến diện. Đã có không ít vụ việc, hành xử của cán bộ, công chức Nhà nước đối với người dân vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Thậm chí, có những vụ việc còn đi ngược truyền thống, đạo lý dân tộc, vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Những vụ việc như vậy là cái cớ để các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vu khống Việt Nam không có tự do, không có nhân quyền. Từ đó, bên trong, chúng kích động một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin gây rối, biểu tình trái phép, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Bên ngoài, chúng kêu gọi nước ngoài, các tổ chức quốc tế, nhất là một số tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam can thiệp vào những công việc nội bộ của Việt Nam, gây sức ép trong các quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế…

Bên cạnh đó, xuất phát từ điều kiện lịch sử, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên thể chế, chính sách, pháp luật về quyền con người có mặt chưa theo kịp sự phát triển chung. Nói cách khác, chúng ta vẫn “còn nợ” người dân khung khổ pháp lý để bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Vì vậy, nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân cho người dân nói chung, cán bộ, công chức Nhà nước nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các khuyến nghị của các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng như việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Để tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nêu rõ: Tiếp tục triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; lồng ghép nội dung các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên vào sách giáo khoa. Tăng cường nâng cao năng lực và nhận thức tại trường học và các cơ quan thực thi pháp luật về quyền con người; thúc đẩy đóng góp của truyền thông công cộng về quyền con người; tăng cường nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về pháp luật lao động. Nâng cao nhận thức về pháp luật quốc tế về quyền con người, các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc và khu vực về quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Hợp tác quốc tế về quyền con người

Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.

Các văn kiện của Đảng, pháp luật Nhà nước và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định: Việt Nam hết sức coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. Đối thoại và hợp tác quốc tế vừa là đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, vừa giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau; qua đối thoại và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã giúp bạn bè và cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới.

Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn coi trọng UPR. Xuyên suốt trong 13 năm qua kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập, Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm vào cả 3 chu kỳ UPR. Các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận trong khuôn khổ UPR được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ Việt Nam, sự quan tâm và tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương, cũng như của các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân, bên cạnh sự phối hợp, hợp tác hiệu quả từ các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III. Đây là sự thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác, với Liên hợp quốc và các cơ quan của tổ chức này để đảm bảo ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người trên lãnh thổ Việt Nam và trên toàn thế giới. Thêm vào đó, Việt Nam cũng cam kết thực hiện các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham gia tích cực vào hoạt động của một số cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người như Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng kinh tế-xã hội; tăng cường hợp tác trong khu vực ASEAN về quyền con người; tiếp tục đối thoại về quyền con người với các nước và các tổ chức quốc tế...

Ngoài ra, Việt Nam nghiên cứu, đề xuất việc gia nhập các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam chưa phải là thành viên; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xem xét việc gia nhập các Công ước 87 và 105 của Tổ chức Lao động quốc tế. Xây dựng và nộp Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đúng thời hạn; xây dựng kế hoạch triển khai các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban Công ước Chống tra tấn, tuyên truyền về Công ước và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn…

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ