A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam nghiêm túc thực hiện khuyến nghị theo Cơ chế UPR

Bài 3: Quyền dân sự, chính trị ngày càng được mở rộng

QPTĐ-Quyền dân sự, chính trị là một trong hai nhóm quyền cơ bản, thiết yếu cấu thành quyền con người. Đây cũng là vấn đề các thế lực thù địch với Việt Nam thường xuyên lợi dụng để chống phá. Vì vậy, thực hiện các khuyến nghị về đảm bảo quyền dân sự, chính trị không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR mà còn là những luận chứng khoa học, chính xác phản bác quan điểm Việt Nam không có nhân quyền cũng như đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch.

Báo cáo Digital Marketing 2020 thể hiện rõ sự phát triển Internet ở Việt Nam.

Nhóm quyền cộng đồng quốc tế quan tâm

Quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam là nhóm quyền được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Đây cũng là nhóm quyền Việt Nam nhận được nhiều khuyến nghị từ các nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Nếu phân loại một cách tương đối, có 43/241 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận thuộc nhóm các quyền dân sự, chính trị.

Trong đó, nhiều khuyến nghị về bảo đảm quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí của các nước được Việt Nam chấp thuận và cam kết thực hiện. Có thể kể các khuyến nghị: Đẩy mạnh nỗ lực tuân thủ các khuyến nghị đã chấp thuận trong UPR chu kỳ 2 về việc đảm bảo quyền tự do biểu đạt (Chilê); đầu tư nguồn lực thông qua các chương trình và kế hoạch quốc gia để phát triển và kết nối Internet tại vùng sâu vùng xa (Indonesia); đảm bảo quyền tự do biểu đạt, trong đó có trực tuyến, và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo quyền tự do và tính độc lập của giới truyền thông (Nhật Bản); ban hành những điều chỉnh về pháp luật để đảm bảo việc bảo vệ và thực thi tự do quyền tự do biểu đạt, lập hội và hội họp hòa bình (Tây Ban Nha); thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tự do ý kiến, tự do biểu đạt, bao gồm trên internet, trong bối cảnh thông qua Luật An ninh mạng (Pháp); bảo đảm hoàn toàn quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp và lập hội hòa bình cũng như sự an toàn của các nhà báo (Thụy Sĩ)…

Bên cạnh các khuyến nghị về quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí thì cộng đồng quốc tế cũng quan tâm nhiều đến vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc. Việt Nam cũng chấp thuận khá nhiều khuyến nghị về vấn đề này. Đặc biệt, một số khuyến nghị của các nước cũng chính là mục tiêu phấn đấu, nỗ lực thực hiện của Việt Nam. Tiêu biểu như: Thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy đời sống tín ngưỡng và tôn giáo sống động và đa dạng tại Việt Nam (Lào); thực hiện đầy đủ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo vừa ban hành (Hy Lạp); xem xét sửa đổi luật pháp, trong đó có Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và các luật về truyền thông, để tương thích với các chuẩn mực quốc tế về quyền tự do biểu đạt và tự do tôn giáo (Brazil); tiếp tục các nỗ lực thực hiện các chính sách thúc đẩy hòa hợp giữa các tôn giáo (UAE); đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người liên quan đến tự do tôn giáo tín ngưỡng bằng cách sửa đổi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo để phù hợp với điều 18 của ICCPR (Ba Lan); đảm bảo việc thực hiện nhất quán Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, nhất là ở cấp địa phương, bao gồm việc đăng ký các nhóm tin lành và các nhóm khác tại các tỉnh miền núi Tây Bắc (Hoa Kỳ)...

Ngoài ra, Việt Nam cũng chấp thuận nhiều khuyến nghị liên quan đến hoạt động tư pháp, nhất là nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án, vai trò giám sát của Viện kiểm sát, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, hạn chế án tử hình, nguyên tắc suy đoán vô tội… của các quốc gia như Pakistan, Đan Mạch, Slovakia, Bỉ, Bolivia, Thụy Điển, Lào…

Tuy nhiên, đây cũng là nhóm quyền mà nhiều khuyến nghị của các nước mà Việt Nam không chấp thuận hoặc chưa chấp thuận. Điều này xuất phát từ sự khác biệt về thể chế chính trị dẫn đến những quan điểm khác nhau về quyền dân sự, chính trị của các nước trên thế giới. Ví dụ, trong khi các nước phương tây thường hay tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân, coi quyền tự do cá nhân là trên hết thì Việt Nam xác định, quyền con người không tách rời quyền quốc gia, dân tộc. Hay nói cách khác, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình.

Mặt khác, Việt Nam quan niệm, quyền con người luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hoá của đất nước. Do vậy, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế-xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác.

Quyền dân sự, chính trị được bảo đảm trên thực tế

Việt Nam luôn khẳng định, tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến định. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018...

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử); có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Và mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới. Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2020 cho biết, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng, chiếm 70% dân số. Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.  Theo báo cáo EGDI của Liên Hợp Quốc, về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới.

Còn về tự do tôn giáo, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

 Và trong thực tế Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi quyền ngăn chặn sự vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đã có những biện pháp, chế tài nhằm hỗ trợ cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, Nhà nước còn chủ động đưa ra các kế hoạch, chính sách, đề án, chương trình cụ thể để mọi công dân thực hiện các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Nhà nước. 

Cùng với đó, trong những ngày lễ của các tôn giáo, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều trực tiếp chúc mừng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia các ngày lễ đó. Thực tế, nhiều năm qua, một số ngày lễ của các tôn giáo như Lễ Giáng sinh, Lễ Phật đản... không chỉ là ngày lễ của riêng người có tín ngưỡng, tôn giáo mà đã trở thành ngày lễ chung của mọi người, trở thành nét văn hóa trong đời sống của người dân. Đây cũng là dịp để người có tín ngưỡng, tôn giáo và mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, nêu cao những mặt tích cực, giá trị nhân văn, đạo đức tôn giáo, trách nhiệm công dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện một số khuyến nghị, Việt Nam cũng đang nỗ lực bảo đảm việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; xem xét sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em; nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm…

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ