A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ

Người ươm vườn dược liệu từ rừng Trường Sơn

 

 

QPTĐ-Tham quan khu vườn trồng cây thuốc nam của Cựu chiến binh Bùi Văn Tuyến thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, chúng tôi như lạc vào một khu rừng nhỏ. Cựu chiến binh Bùi Văn Tuyến hứng khởi giới thiệu từng loại cây thuốc quý: Cây khương lai chữa dạ dày, cây kim vàng đặc trị rắn cắn, cây đơn cóc chữa xương khớp và bệnh ngứa, cây an xoa, giàn mâm, vọng cách chữa bệnh gan... Có cây không biết tên gốc của nó là gì, ông gọi theo công dụng chữa bệnh như thủy đậu; có cây được gọi theo hình dáng như cây đuôi chó…

Cựu chiến binh Bùi Văn Tuyến (bên phải)

 Có tận mắt nhìn thấy vườn dược liệu trải dài, được quy hoạch rất khoa học, có cây tầng cao đã thành cổ thụ, có cây la đà mặt đất vấn vít chân người, mới thấy rằng người lính từng chiến đấu ở những khu rừng Trường Sơn năm xưa phải dày công như thế nào. Hơn 400 loại cây thuốc quý hiện diện nơi đây là kết quả của không biết bao lần vào Nam, ra Bắc, lên rừng Trường Sơn “cõng” cây về. Mà rừng bây giờ khác xưa, cây bị đốn nhiều, ông Tuyến phải vào tận sâu trong rừng mới tìm được cây thuốc. Tuổi cao, sức không còn như thời trai tráng, hành trình vừa đi, vừa về hơn nghìn cây số, lại cơm đường, cháo chợ, nhiều lúc cũng thấy oải, song nghĩ đến việc sẽ có một vườn dược liệu đủ để làm nghề thuốc, ông lại cố. Có cây để đưa được về, ông phải dành riêng cho nó một giường xe khách. 

Năm tiếp năm, cây thuốc trên rừng Trường Sơn đã được cựu chiến binh Bùi Văn Tuyến đưa về quê, ươm trồng trên hơn 2 héc ta. Mỗi lần về thăm vườn dược liệu, trông như những cánh rừng thu nhỏ mà ông tuyến gây dựng được, các thành viên trong Hội Đông y thành phố Hà Nội lại không khỏi ngỡ ngàng trước sự hiện hữu của kho báu thiên nhiên này. Cây rừng Trường Sơn, ông Tuyến còn đem nhân giống cho vườn thuốc nam của xã và của các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn. Mọi người càng trân trọng hơn khi biết, tìm được cây đem về đã khó, học cách để nuôi chúng sống được trong môi trường mới, với sự khác biệt về khí hậu và thổ nhưỡng cũng không dễ dàng. Ngày ngày, ông phải lên khu đồi gần nhà thồ đất về, cải tạo nuôi cây. Đặc biệt, để cây thuốc đảm bảo chất lượng, nguyên tắc của ông là không bao giờ bón thuốc. 

Ôn lại con đường đến với nghề thuốc của mình, Cựu chiến binh Bùi Văn Tuyến bảo, cái duyên ấy được bén từ những tháng ngày trong quân ngũ, khi ông và đồng đội được trang bị cuốn “Cẩm nang thuốc nam”. Những năm chống Mỹ, được biên chế trong đội hình phòng Quân báo Quân khu Trị Thiên, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, rồi Bình Trị Thiên, lại học được một số bài thuốc từ bà con đồng bào Pa Cô, kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây và lá rừng của ông cứ ngày một dày thêm. Hồi đó, có lần ông đã cứu được đồng đội bị rắn cắn trên đường hành quân bằng lá cây rừng. 

Xuất ngũ, về địa phương, vừa tham gia công tác, cựu chiến binh Bùi Văn Tuyến đã theo các lớp về y học cổ truyền của Hội Đông Y thành phố Hà Nội.  Được cấp chứng chỉ, rồi đảm nhận cương vị Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Mỹ Đức, ông càng say mê chữa bệnh cho bà con dân làng quê mình. Tiếng lành đồn xa, người bệnh đến với ông ngày một nhiều. Nhiều người được ông chữa trị đã hồi phục sức khỏe, thậm chí có người đã được hồi sinh, cứ ngỡ như gặp phép tiên. 

Hôm về phòng khám của ông tại Cụm dân sư số 13, cổng Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn, xã Đồng Tâm, chúng tôi tận mắt chứng kiến một bệnh nhân là ông Nguyễn Anh Ngoạn, 73 tuổi, huyện Thanh Oai bị tai biến. Từ ngày lâm bệnh, ông Ngoạn không nói được, bị liệt nửa người bên phải. Anh Nguyễn Quốc Thắng, con trai của người bệnh thổ lộ, gia đình anh rất mừng bởi qua một tuần được chữa trị, bố anh đã có những tiến triển tốt. 

Chúng tôi vào thăm gia đình anh Bùi Văn Toản ở xã Đồng Tâm. Nói về ngôi nhà khang trang, bề thế, mới được xây dựng từ vài ba năm nay, anh Toản hồ hởi kể, nhờ có sự tận tình của Lương y Bùi Văn Tuyến, mà anh có sức khỏe để tạo dựng cơ ngơi gia đình như ngày hôm nay. Còn chị Mai Thị Hậu, vợ anh thì vẫn chưa quên tình cảnh của chồng mình 5 năm trước. Khi ấy, anh Toản bị thoát vị đĩa đệm, muốn dịch chuyển không thể nào đi được,  anh chỉ bò và lê, hầu hết mọi sinh hoạt của anh, cho đến công to việc nhỏ trong nhà, chị đều phải cáng đáng. Chị đưa anh lên Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật, nhưng chi phí lên đến 50 triệu, gia đình không lo đủ, chị đưa anh về. Đến nhà Lương y Bùi Văn Tuyến, anh vừa được châm cứu, bó lá, vừa uống thuốc, sau 10 ngày thì bệnh thuyên chuyển, cái lưng đỡ đau, sau hai tháng thì khỏi hẳn. Giờ đây, nhìn anh đi xây, bê gạch đá, ngày mùa, bê được cả bao thóc đến gần nửa tạ, chị rất vui. 

Cùng chúng tôi về thăm những vườn thuốc quý của cựu chiến binh Bùi Văn Tuyến, cựu chiến binh Trịnh Bá Sướng, đồng đội của ông Tuyến rất tự hào về người đồng đội một thời vào sinh ra tử, nghĩa tình với nhau trong chiến trận, giờ vẫn giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới. Hàng năm, ông Tuyến đã tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều người thuộc đối tượng chính sách hoặc thuộc diện hộ nghèo tại địa phương và lặn lội lên cả những vùng sâu, vùng xa như Hòa Bình, Điện Biên làm thiện nguyện. Ông Tuyến đã được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và Hội Đông y thành phố Hà Nội ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, trong đó có danh hiệu Người Tốt Việc Tốt của UBND thành phố Hà Nội năm 2019. 

Sau bao năm lăn lộn vào Nam, ra Bắc, với lương y Bùi Văn Tuyến, người cựu binh đã ở tuổi xấp xỉ 70, niềm vui giờ đây thật giản dị: Đó là được chứng kiến sự tiến triển của người bệnh mỗi ngày, được ra thăm và chăm sóc những vườn dược liệu. Nhiều năm nay, trước sự xuất hiện tràn lan của “rác” dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam quay lưng với Đông y, thì sự hiện diện những khu vườn chuyên canh thảo dược, với những cây thuốc quý được mang về từ rừng Trường Sơn của ông đã góp phần lấy lại niềm tin cho người bệnh. Ông Tuyến rất tự hào, bởi hào khí Trường Sơn vẫn được tỏa sáng trên mặt trận mới hôm nay. 

                                   Hồng Linh  

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ