Chùa Một Mái Nơi lưu dấu chân Bác
QPTĐ-Về xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, địa phương có truyền thống anh hùng cách mạng, nơi có Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (cũ), có quần thể di tích Quốc gia Đặc biệt Chùa Thầy, chúng tôi đến thăm khu nhà lưu niệm Bác Hồ từng ở, làm việc và chỉ đạo cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhà lưu niệm Bác Hồ nguyên là nhà tổ chùa Một Mái thuộc thôn Thụy Khuê, nằm dưới chân núi, có cửa sau để đi lên núi và hang Bác Hồ (tên gọi nhân dân địa phương đặt). Ngôi nhà nằm yên bình dưới không gian xanh mát của bóng núi và những hàng cây, nổi bật với hàng chữ vàng trên tấm băng rôn đỏ “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Tính đến nay, ngôi nhà đã trải qua hai lần sửa chữa, cải tạo và là “địa chỉ đỏ” để các đảng viên, quần chúng nhân dân, du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về lịch sử, truyền thống đấu tranh của nhân dân Việt Nam do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo.

Ấn tượng với chúng tôi khi bước chân vào trong ngôi nhà nhỏ gồm có 3 gian chính và 1 gian buồng là từng bức ảnh, món đồ, bút tích mang hình bóng Bác dù trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn được các thế hệ người dân Sài Sơn gìn giữ, bảo quản. Đối với những người dân Sài Sơn, những câu chuyện về thời gian đón Bác ở và làm việc tại chùa Một Mái luôn là niềm vinh dự, tự hào, được truyền từ đời này sang đời khác. Là một phần không thể thiếu khi giới thiệu về lịch sử chùa Thầy và truyền thống quê hương. Tiếp chúng tôi, ông Lê Đình Dương, cán bộ văn hóa xã Sài Sơn chỉ tay lên những bức ảnh chụp Bác Hồ thăm chùa Một Mái và các hiện vật, tư liệu khi Bác làm việc tại đây, giới thiệu: Đêm mồng 3/2/1947, trên đường di chuyển từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ lại trong ngôi nhà cổ thuộc khu chùa Một Mái. Những ngày ở và làm việc tại đây, Bác đã cùng các đồng chí trong Trung ương và Chính phủ đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Cũng từ đây, Người đã đi thăm cán bộ và nhân dân các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Theo tư liệu tại Nhà lưu niệm: Từ chùa Một Mái, ngày 10/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Đồn Dương thuộc phủ Nho Quan để chủ tọa Hội nghị quan trọng của các điền chủ tỉnh Ninh Bình. Buổi tối ngày 16/2/1947, Người từ Sài Sơn về Chương Mỹ chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ, nghe những báo cáo quan trọng của Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao, và bàn nhiều công việc cấp bách của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tối 18/2/1947, Bác đi thăm và làm việc ở tỉnh Thanh Hóa.
Sau chuyến đi kiểm tra ở tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/2/1947, kết hợp nắm tình hình các địa phương, với sự nhạy cảm chính trị, Bác Hồ đã nhận ra rất sớm nguy cơ của một Đảng cầm quyền mà không thường xuyên tự rèn luyện mình, nâng mình lên ngang tầm nhiệm vụ, dẫn đến xa rời quần chúng, mất lòng tin ở nhân dân. Trước bối cảnh đó, ngày 1/3/1947, từ ngôi chùa Một Mái ở lưng chừng núi thuộc huyện Quốc Oai, Bác đã soạn một văn kiện lịch sử: Thư gửi các đồng chí Bắc bộ. Và ngay lập tức, bức thư đó đã trở thành tài liệu học tập đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong thư, Bác đã thẳng thắn vạch ra những thiếu sót, khuyết điểm và nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, kiên quyết chống những biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi, chủ quan, công thần, xa rời quần chúng. Bác phân tích chí tình, chí lý: “Chúng ta phải nhớ rằng: Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được. Tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, thì thù nhiều ít bạn. Người mà hẹp hòi ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không thể phát triển”. Bác phê phán nghiêm khắc những hiện tượng vô kỷ luật, và đặc biệt là việc xử lý luật không nghiêm: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng. Có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì tình cảm nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm Đoàn thể”. Bác chỉ rõ: “Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tác hại hơn nữa nếu kỷ luật của Đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ để phá hoại Đoàn thể ta”… (Trích cuốn Hồ Chí Minh toàn tập của NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr5, tr72, 73, 74).
Đêm mồng 2/3/1947, từ chùa Một Mái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phủ Quốc Oai chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, bàn và quyết định nhiều việc lớn, trong đó có việc quan trọng và cấp thiết là nhanh chóng tổ chức di chuyển các cơ quan Chính phủ sang Phú Thọ để chuyển lên Việt Bắc. Tối mồng 3/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời động Hoàng Xá, qua bến phà Trung Hà, sang Phú Thọ, lên chiến khu Việt Bắc... Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đầu tháng 10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương trở về Thủ đô. Dù bận trăm công nghìn việc, ngày 19/5/1957, Bác Hồ đã về thăm lại ngôi chùa Một Mái trong khu thắng tích Sài Sơn. Bác xúc động dừng chân khá lâu trước nhà Tổ, trước gian đầu hồi mé bên phải điện Mẫu, nơi hơn 10 năm trước, Người đã sống và làm việc ở đó một tháng. Và hai năm sau, cũng vào ngày sinh nhật Người, 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lại về thăm Sài Sơn và ngôi chùa Một Mái…

Đồng chí Nguyễn Tất Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Thụy Khuê cho biết: Dấu ấn Người để lại trong thời gian ở Sài Sơn không chỉ trong công việc mà còn cả trong đời thường. Trong những tài liệu lịch sử của xã có kể rằng, Bác luôn đề cao và thực hiện đúng, đủ nền nếp và sinh hoạt của cơ quan và bản thân. Người nhắc nhở anh em tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân địa phương, luôn cảnh giác, giữ bí mật…
Từ năm 1984, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong chùa Một Mái đã trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Gian đầu hồi phía phải điện Mẫu được phục dựng nguyên trạng như thời gian Bác ở và làm việc. Tất cả hiện vật ở đây đều là hiện vật gốc. Đó là chiếc bàn gỗ, trên bàn là một chiếc máy chữ cũ cùng một chiếc đèn dầu hỏa, như ngày xưa Bác vẫn làm việc. Đó là chiếc giường gỗ kê sát tường, nơi Bác nằm nghỉ ngày xưa, là đôi dép cao su, chiếc túi đựng tài liệu... Đồng chí Nguyễn Tất Lợi cho biết thêm: “Thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc, chùa Một Mái được sử dụng làm cơ sở làm việc của Trường Đảng Sơn Tây”.
56 năm Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Bác vẫn còn sống mãi với non sông, đất nước Việt Nam; tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác vẫn là kim chỉ nam cho tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam, là điểm tựa định hướng cho hiện tại và tương lai của cách mạng Việt Nam. Trước lúc đi xa, Bác đã để lại một bản Di chúc thiêng liêng, đó là một di sản tinh thần vô giá, là những lời căn dặn và tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc gửi lại cho các thế hệ mai sau. Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Sài Sơn đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Năm 2024, xã vinh dự đón nhận bằng công nhận văn hóa phi vật thể di tích lễ hội chùa Thầy. Những ngày tháng 4 lịch sử năm 2025, xã đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ghi dấu ấn nổi bật ở ba lĩnh vực: Du lịch, giáo dục và y tế. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước được củng cố vững chắc.
Hữu Thu