Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng
QPTĐ-Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ và môi trường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có bước thay đổi rất nhanh chóng. Văn hóa, giáo dục được tập trung đầu tư, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển con người đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Khoa học-công nghệ được quan tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đối số. Nhận thức và trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường ngày càng được tăng cường.
Mới đây, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam với tổng diện tích hơn 21.278 km2, dân số khoảng 22,92 triệu người. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; là trung tâm khoa học-công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; là vùng đất lịch sử lâu đời với hàng ngàn di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu; là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch với cảnh quan đẹp, hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các suối nước khoáng và có các bãi biển đẹp và nổi tiếng.
Thành phố Hà Nội có vị trí và vai trò quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Về kinh tế, tổng sản phẩm (GRĐP) tăng 6,83%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2021 đạt 128,2 triệu đồng/người (gấp 1,4 lần so với bình quân cả nước), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội giảm còn 0,16%. Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn. Về y tế, Thành phố đạt tỷ lệ 13,7 bác sĩ/vạn dân và 27,5 giường bệnh/ vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2021 là 91,8%. Hà Nội còn là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, thành phố Hà Nội đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với Trung ương, trong đó có kiến nghị Trung ương ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54-NQ/TƯ.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng nan Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TƯ nêu rõ, phát triển các vùng kinh tế là một chủ trương xuyên suốt của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội XIII đã yêu cầu: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống. Sau tổng kết Nghị quyết 54, Ban chỉ đạo Tổng kết sẽ xây dựng Đề án và đề xuất Bộ Chính trị về các nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm phát triển toàn diện vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới. Vùng Đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo-Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Hữu Văn