Thành phố Hà Nội-Bộ Quốc phòng
Tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”
QPTĐ-Sáng 26-12, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, thành phố Hà Nội và Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022).
Tham dự Lễ Kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cùng dự Lễ Kỷ niệm có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Quảng Ninh và Bắc Giang; đại biểu đại diện cán bộ lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; đại biểu các văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân, nhân chứng lịch sử và lực lượng vũ trang Thủ đô…
Tại Lễ Kỷ niệm, các đại biểu được ôn lại diễn biến, kết quả của chiến dịch phòng không Hà Nội, nguyên nhân thắng lợi, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Theo đó, để cứu vãn Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tình hình, đế quốc Mỹ đã âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm lung lay ý chí, quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Lainơbếchcơ II. Trong Chiến dịch này, đế quốc Mỹ sử dụng 193/400 chiếc B.52, 1.077/3.043 máy bay chiến thuật trong biên chế của quân đội Mỹ…cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Đây là những vũ khí tiến công chiến lược hiện đại nhất, tiến hành tập kích với quy mô lớn nhất, tính chất ác liệt nhất nhằm hủy diệt Hà Nội, gây sức ép với chúng ta trên bàn đàm phán Pa-ri.
Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B.52, 5 chiếc F-111A, 21 chiếc F-4CE, 4 chiếc A-6A, 12 chiếc A-7, 01 chiếc F-105D, 2 chiếc RA-5C, 01 chiếc trực thăng HH-53, 01 chiếc trinh sát không người lái 147-SC; bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái Mỹ.
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX, mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng vĩ đại đó góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân; là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam, là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Thông qua Lễ Kỷ niệm, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, vận dụng những bài học kinh nghiệm vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước Lễ Kỷ niệm, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, quận Đống Đa.
Mạnh Quang-Phạm Luân