A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ-Iran: Căng thẳng tái đàm phán hạt nhân

 

QPTĐ-Sau 2 tháng ông J.Biden nhậm chức Tổng thống thứ 46 nước Mỹ (20/1), dư luận thế giới vẫn dõi theo động thái của Mỹ và Iran về tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân, góp phần tháo gỡ căng thẳng leo thang khu vực. Tuy nhiên, Tehran và Washington đều phát đi những tuyên bố cứng rắn, không bên nào chịu nhượng bộ.

Bên trong cơ sở hạt nhân Fordow của Iran. (Ảnh: Internet)

Trả lời phỏng vấn báo chí về việc có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để “đưa Iran trở lại bàn đàm phán hay không?”, Tổng thống J.Biden trả lời ngắn gọn: “Không!”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ N.Price (11/3) tuyên bố báo chí: “Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ động thái hoặc khuyến khích đơn phương nào để lôi kéo Iran đến bàn đàm phán. Nếu Iran không có bất kỳ động thái nào để tiếp tục tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận năm 2015  nhưng lại nghĩ rằng, chúng tôi sẽ đưa ra những ưu ái hoặc cử chỉ đơn phương, thì đó là một sai lầm”. 

Trước đó, các quan chức cấp cao Mỹ trong Chính phủ J.Biden cũng khẳng định, không nhượng bộ đơn phương với Iran để đàm phán nối lại thỏa thuận hạt nhân. 

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, thắng lợi thuộc về ông J.Biden, nhiều người cho rằng, tân Tổng thống J.Biden sẽ thực hiện ngay các bước đi để đưa nước Mỹ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran, nhằm giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, cả hai bên đều “giữ thế”, không bên nào tỏ ra “xuống nước”, nhượng bộ trước. 

Mỹ cho rằng, Tehran phải bảo đảm cam kết của nước này với các bên trong Kế hoạch JCPOA bằng cách cắt giảm hoạt động làm giàu và dự trữ uranium. Trong khi Iran tuyên bố, Mỹ nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt vào nước này vì đã bãi bỏ các nghĩa vụ của mình và tuyên bố rút khỏi thỏa thuận (JCPOA) từ năm 2018.

Thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm nước P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran năm 2015, còn gọi là Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA) được Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ, buộc các bên đưa ra cam kết, tuân thủ bao gồm một số nội dung chính. Mỹ và Liên hợp quốc sẽ dần dỡ bỏ các lệnh cấm vận Iran; đổi lại, Tehran đóng cửa các cơ sở hạt nhân, dừng việc làm giàu uranium cấp độ cao dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA). JCPOA được ký kết dưới thời Tổng thống Mỹ B.Obama. 

Trong giai đoạn 2015-2018, Liên hợp quốc và EU, có thông tin cập nhật thường xuyên của IAEA nhận định, các bên đã và đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và các cam kết quốc tế. Iran đóng cửa các cơ sở hạt nhân, hàng ngàn máy ly tâm làm giàu uranium tạm dừng hoạt động; mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Iran và Mỹ, Iran với các nước được nối lại, tình hình an ninh khu vực khá ổn định. 

Ông D.Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45 (20/1/2017) đã có những phát biểu chỉ trích Kế hoạch JCPOA và chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, “không kiên quyết với Iran”, “JCPOA là một thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Tổng thống D.Trump cáo buộc Nhà nước Hồi giáo Iran “tài trợ khủng bố”. Mỹ đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách đen “tổ chức khủng bố”; đồng thời, gia tăng sức ép, cấm vận kinh tế, thương mại, ngoại giao đối với Chính phủ Tehran. 

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ tuyên bố, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran; áp đặt 77 đợt trừng phạt lên Iran nhằm vào hàng ngàn thực thể, cá nhân Tehran, trong đó có nhiều quan chức cấp cao Iran. 

Đáp lại, Iran cắt giảm quy mô nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân; đồng thời, tiến hành các hoạt động làm giàu uranium ở mức cao hơn cam kết. Tehran tuyên bố, dừng hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA ở nước này. 

Ngày 15/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Kh.Saeed tuyên bố: “Mỹ nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời đảm bảo không lặp lại các chính sách của Tổng thống tiền nhiệm D.Trump. Sau đó, chúng ta sẽ trao đổi trong khuôn khổ Kế hoạch JCPOA”.

Tuy nhiên, Giám đốc IAEA R.Grossi (21/2) đã đạt được thỏa thuận với quan chức Iran, tạm thời kéo dài 3 tháng nhằm giảm thiểu tác động của các thanh sát bị đình chỉ. Ông R.Grossi nói: “Ngừng thanh sát sẽ là một tổn thất. Hiện, mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp”.

Trong giai đoạn 2018-2020, Mỹ và Iran đã có những động thái gây hấn, không chỉ dừng lại ở tuyên bố sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh mà hành động dùng vũ lực đã diễn ra ở Iraq. Cao điểm là vụ Mỹ dùng tên lửa hành trình tấn công, sát hại Thiếu tướng Q.Soleimani, Chỉ huy QUDS thuộc Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) và đoàn tùy tùng khi họ vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Baghdad (3/1/2020). Iran kêu gọi thánh chiến, trả thù. Ít nhất có 2 lần căn cứ Mỹ ở Iraq bị tấn công tên lửa, roc-ket khiến “hàng trăm binh sĩ Mỹ bị khủng hoảng tâm lý”. 

Tiếp đến là vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân hàng đầu Iran F.Mohsen (27/11/2020), được cho là có bàn tay của Cơ quan Tình báo Israel. “Ông F.Mohsen đứng đầu một đơn vị bí mật trong Quân đội Iran, đang phát triển vũ khí hạt nhân”-Thủ tướng Israel B.Netanyahu nói. 

Căng thẳng Iran-Israel được đẩy lên cao cùng với các động thái của Mỹ với Tehran và khu vực Trung Đông. Trong thời gian qua, Mỹ, Israel và đồng minh phương Tây không ít lần đưa ra cáo buộc, nghi vấn Iran có các hành động tấn công các tàu hàng trên vịnh Oman. 

Gần đây nhất (1/3), Bộ trưởng Nội các Israel Y.Gallant-cựu chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel nói: Có bằng chứng về việc biệt kích Iran đã thực hiện cuộc tấn công bằng cách sử dụng mỏ limpet (limpet mine) hay mìn buộc vào đáy tàu Helios Ray của Tel Aviv, làm hư hỏng nặng phần thân và boong tàu, khi con tàu này đang thực hiện hành trình từ Arab Saudi đến Singapore. 

Giới quân sự Israel cho biết, các cơ sở hạt nhân của Iran được cập nhật thường xuyên và sẽ trở thành mục tiêu tấn công phủ đầu của Mỹ, Israel và đồng minh. Tel Aviv tỏ rõ thái độ, “kiên quyết không để cho Tehran thực hiện tham vọng có vũ khí hạt nhân”. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ